Thủ tướng: "Xử lý nghiêm, thay thế kịp thời cán bộ sợ trách nhiệm"

Google News

Thủ tướng nêu rõ:Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.

Ngày 4/7, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ ngành, địa phương đã có các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế. Thủ tướng yêu cầu, các cơ quan liên quan tổng hợp, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và dự thảo Nghị quyết phiên họp và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Về kiến nghị của các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo chủ động tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc; đồng thời kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Về tình hình, kết quả KTXH tháng 6, quý II và 6 tháng năm 2023 Thủ tướng cho biết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi NSNN được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao.
Thu tuong:
Toàn cảnh Hội nghị.
Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục dự báo Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao của khu vực, thế giới ; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì và nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, nguyên nhân kết quả đạt được.
Thu tuong:
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị
Về bài học kinh nghiệm thủ tướng nhấn mạnh 5 điểm trong đó chỉ rõ: Bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả; đẩy mạnh tính tự chủ, tự lực tự cường. Tăng cường hơn kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần: đã nói làm làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, kiểm tra được; làm việc nào dứt việc đó. Đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, uỷ quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; Giữ vững bản lĩnh chính trị, tự tin, không cầu toàn, không nóng vội; không lạc quan khi thuận lợi; không bi quan khi khó khăn; Bảo vệ và phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành tạo chuyển biến thực chất trong 6 tháng cuối năm 2023. Tinh thần là chính sách phải đi vào thực tiễn, Nhân dân, doanh nghiệp thụ hưởng thật và hiệu quả cho nền kinh tế. Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng NHNN và cộng đồng DN để tháo gỡ khó khăn cho SXKD, nhất là rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Rà soát các cơ chế, chính sách, có giải pháp cụ thể, phù hợp để tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cả về phía cầu và phía cung trong đó tiếp tục rà soát, có các giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước. Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tạo mọi thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án PPP; tập trung xoá bỏ rào cản, khơi thông mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài.
Về xuất khẩu, Thủ tướng đề nghị, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống hiện có và mở rộng các thị trường mới, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, nhất là xuất khẩu xanh tại các vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh, Khối Bắc Mỹ; sớm ký Hiệp định FTA với Isarael, UAE….
Tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành chủ động, tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 Tổ công tác của Chính phủ.
Thu tuong:
Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023
Thủ tướng đã chỉ rõ 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong đó nhấn mạnh, các bộ ngành địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm. Thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia đi qua các địa phương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, tích cực giải quyết cung cấp vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án đường cao tốc.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng SXKD trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới (phấn đấu chỉ số PMI sớm tăng lên trên 50 điểm); yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động rà soát, có biện pháp, hành động cụ thể để hỗ trợ DN, nhà đầu tư một cách kịp thời, thiết thực, hiệu quả, không hứa suông. Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 4,5% và khoảng 6,5% theo Nghị quyết của Quốc hội) bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng bảo đảm ASXH, việc làm và đời sống Nhân dân lưu ý vấn đề tăng lương và kiểm soát giá.
Thúc đẩy các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh trong đó đẩy mạnh và hoàn thành dứt điểm công tác quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả giải ngân 3 CTMTQG, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII; xây dựng hệ thống truyền tải điện; trong đó có chuỗi dự án điện khí Ô Môn, đường dây 500KV từ miền Trung ra miền Bắc.
Bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của Nhân dân; Xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương; chủ động phương án hỗ trợ người lao động.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng; đấu thầu in sách giáo khoa theo cơ chế thị trường, có giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại, bạo lực, ma túy học đường, thương tích, đuối nước trong mùa hè; Bộ Y tế xử lý dứt điểm vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế công lập.
Cùng với đó tập trung giải quyết các vấn đề khiếu nại, khiếu kiện, thực hiện tốt công tác tiếp công dân và tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…làm tốt công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội; cương quyết đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, xấu, độc, vu khống...
Người đứng đầu Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ ngành, địa phương. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chủ động thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt hoặc báo cáo các quy hoạch theo thẩm quyền.
Đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 03 CTMTQG trên địa bàn. Chú trọng giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên, vật liệu san lấp, phục vụ xây dựng các dự án cao tốc qua địa bàn.
Kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho SXKD theo thẩm quyền; thành lập và phát huy vai trò Tổ công tác đặc biệt thực hiện nhiệm vụ này do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng.
Chủ động rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, BĐS, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu DN trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm ASXH và đời sống người lao động phù hợp.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật. Tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của TP Hà Nội, TPHCM về phân cấp, uỷ quyền cho cấp dưới đi đôi với phân bổ nguồn lực.
Theo Vũ Khuyên/VOV