Thuận An, Hậu “Pháo”... những “viên đạn bọc đường” hạ gục quan chức

Google News

Từ các vụ Thuận An, Phúc Sơn cho thấy, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, chủ thể tội danh thường là người có chức vụ quyền hạn, thuộc các cơ quan nhà nước...

Thuận An, Phúc Sơn và chiêu trò “hối lộ” để trục lợi
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang mở rộng điều tra, làm rõ sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trước đó, 2 lãnh đạo của Tập đoàn Thuận An đã bị khởi tố bắt giam về hai tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ” gồm Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp này. Một lãnh đạo khác của Tập đoàn Thuận An là Trần Anh Quang bị khởi tố, bắt giam về tội “đưa hối lộ”.
Thuan An, Hau “Phao”... nhung “vien dan boc duong” ha guc quan chuc
Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và  Nguyễn Văn Hậu ("Hậu Pháo"), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn
Dù vụ án đang được mở rộng điều tra và hành vi của các bị can trên chưa được công bố, nhưng có thể thấy, vi phạm về đấu thầu là thực hiện một trong số các hành vi như can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận…gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức cá nhân.
Đáng chú ý, động cơ chủ yếu từ việc tác động vật chất từ các đơn vị tham gia đấu thầu. Các doanh nghiệp dùng tiền bạc mua chuộc hối lộ quan chức để được trúng thầu nên sẽ kéo theo các tội danh là đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Thuận An chỉ có vốn điều lệ ban đầu 3,9 tỷ đồng năm 2004, 10 năm sau, vốn điều lệ được doanh nghiệp nâng lên 300 tỷ đồng (năm 2014) và tiếp tục tăng vốn lên 800 tỷ đồng vào năm 2021.
Tuy nhiên, giai đoạn 2019 đến nay, Thuận An đã tham gia 51 gói thầu, trong đó trúng 39 gói thầu, trượt 8 gói và 4 gói vẫn chưa có kết quả. Tổng giá trị của các gói trúng thầu là 22.612 tỷ đồng. Trong số này, hơn 8.272 tỷ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. Các địa phương Thuận An trúng thầu các dự án gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Bắc Giang, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn, Đắk Lắk...Hiện một số dự án tại các địa phương mà Thuận An tham gia đang được rà soát.
Trước đó không lâu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Hậu ("Hậu Pháo"), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn cùng 5 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Đến nay đã có gần 20 bị can bị khởi tố, trong đó có một số quan chức các địa phương.
Điều tra ban đầu, Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn hoạt động từ năm 2004 với quy mô ở tầm "cấp huyện" nhưng từ năm 2015 đã vươn mình mạnh mẽ, nhận nhiều công trình từ Bắc đến Nam. Đến nay, Tập đoàn Phúc Sơn có 21 dự án với tổng mức đầu tư trên 40000 tỷ đồng. Chỉ 2 dự án ở Vĩnh Phúc bị điều tra đã phát hiện Phúc Sơn bỏ ngoài sổ sách, không kê khai tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 640 tỷ đồng.
Ngay Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an tại một buổi họp báo Chính phủ cũng phải nói rằng: "Năng lực, mức độ của công ty Phúc Sơn rất vừa phải nhưng trúng thầu hàng nghìn tỷ đồng; trong khi nhiều công ty hùng mạnh cũng không nhận được những dự án lớn như thế". Ông Xô cho rằng, cơ quan quản lý không nắm được năng lực thực tế của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, điều tra cho thấy, Hậu “pháo” đã có những hành vi chi phối, lũng đoạn, gây áp lực ép một số bị can nguyên là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, bằng cách Hậu dựa vào mối quan hệ thân quen là người có chức vụ quyền hạn. Đây là hành vi rất nguy hiểm, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, nhân dân, làm xấu hình ảnh của Đảng, Nhà nước.
Nguyên nhân loạt quan chức gục ngã do "đạn bọc đường"
Vụ án Thuận An, đến thời điểm hiện tại, theo thông tin từ Bộ Công an, có 2 bị can là lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”. Bị can Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Trong khi đó, vụ Phúc Sơn đến nay, gần 20 bị can đã bị khởi tố, trong đó có nhiều quan chức, cựu quan chức bị khởi tố về tội nhận hối lộ như Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Cao Khoa, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi; Lê Viết Chữ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quãng Ngãi; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc;…
Trong đó, theo tiết lộ từ đại diện Cơ quan điều tra, Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận hối lộ nhiều tỷ đồng. 2 bị can đã nộp lại và khai nhận với cơ quan điều tra. Ngoài ra, Hậu đưa hơn 60 tỷ đồng cho ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, ông Hoành sử dụng số tiền này cho nhiều mục đích cá nhân.
Thuan An, Hau “Phao”... nhung “vien dan boc duong” ha guc quan chuc-Hinh-2
Hậu "Pháo" cùng nhiều lãnh đạo địa phương dính lao lý. 
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, qua các vụ án cho thấy, về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, chủ thể tội danh thường là người có chức vụ quyền hạn, thuộc các cơ quan nhà nước khi được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu đối với các loại gói thầu xây lắp, mua sắm…
Ngoài ra, chủ thể của tội danh này cũng có thể là các cơ quan tổ chức cá nhân khác với hành vi giúp sức cho người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Bản chất của hoạt động đấu thầu là thủ tục để lựa chọn nhà thầu phù hợp hoặc đấu thầu mua sắm tài sản sao cho giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên, nếu các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu không tuân thủ pháp luật về luật, hoạt động đấu thầu sẽ phát sinh tiêu cực, Nhà nước sẽ không lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự hoặc sẽ phải mất nhiều tiền của tài sản để mua sắm phải những tài sản giá trị thấp, kém chất lượng, gây thiệt hại đến tài sản, mất uy tín của Nhà nước và không đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, gây bất bình đẳng trong xã hội.
Thời gian qua, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã liên tục khởi tố các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng cơ bản, trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, khai thác mỏ…
Điều này cho thấy công tác quản lý về đấu thầu ở nhiều nơi chưa tốt, cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu chưa hiệu quả, một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái tư tưởng đạo đức, bị mua chuộc dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản đặc biệt lớn của Nhà nước.
Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thường có nguyên nhân động cơ từ việc tác động vật chất từ các đơn vị tham gia đấu thầu. Theo đó các nhà thầu thường dùng tiền bạc mua chuộc hối lộ quan chức để được trúng thầu. Bởi vậy, thông thường các vụ án khởi tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ kéo theo các tội danh là đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Các nhà thầu có năng lực yếu kém, muốn trúng thầu thường là phải bắt tay đối với người có chức vụ quyền hạn để thông thầu, vi phạm các quy định về công khai minh bạch theo kiểu “quân xanh quân đỏ” để được trúng thầu bất hợp pháp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng, những vụ án như Thuận An, Phúc Sơn có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can đã đưa, nhận hối lộ mua chuộc, lợi dụng người có chức vụ và quyền hạn từ mối quan hệ quen biết, thân quen rồi gây lũng đoạn thị trường, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Theo đại biểu Hòa, lòng tham, lợi ích nhóm, cục bộ và sự ích kỷ, tham ô, vun vén cho lợi ích cá nhân mới sinh ra những trường hợp đó.
“Nếu cán bộ có trình độ, công tâm, khách quan và đặt lợi ích của đất nước, của người dân lên hàng đầu, những sai phạm nghiêm trọng sẽ không xảy ra”, ông Hòa nói và cho rằng, đây là bài học đắt giá đối với những cán bộ có chức có quyền mà chưa bị phát hiện hoặc chưa nhúng chàm. Qua những vụ việc trên cần có những quy định rõ ràng, cụ thể để cán bộ không dám, không muốn vi phạm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Vụ “chuyến bay giải cứu”: Choáng váng số tiền tỷ nhận hối lộ
  
Tâm Đức