Năm 2022 có đến gần 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở quy mô quốc gia tại Việt Nam. Năm 2023, dự báo tiếp tục “bùng nổ” về số lượng cuộc thi hoa hậu. Riêng Công ty Sen Vàng sẽ đăng cai 4 cuộc thi sắc đẹp gồm: Miss World Vietnam, Hoa hậu Quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình quốc tế. Thương mại hóa, bùng nổ các cuộc thi hoa hậu và một đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp khó có thể tránh được việc cho ra “sản phẩm lỗi”, chất lượng hoa hậu giảm sút.
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, đa phần cuộc thi sắc đẹp bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh, không hoàn toàn tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ. Trong khi đó, theo PGS.TS Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam, cần xem xét trách nhiệm của đơn vị tổ chức, Ban giám khảo vả cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Thương mại hóa hoa hậu
Từ những ồn ào xung quanh Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi, ông có ý kiến gì?
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Tôi không có ý kiến về phát ngôn của Hoa hậu Ý Nhi vì đây là vấn đề cá nhân và là quyền tự do ngôn luận của cô ấy. Tuy nhiên, các cuộc thi sắc đẹp và hoạt động của hoa hậu nên có trách nhiệm với xã hội. Thí sinh và những người đoạt giải sử dụng vai trò và tầm ảnh hưởng của mình để lan tỏa thông điệp tích cực, xây dựng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Để đạt được điều này, thí sinh thi thi sắc đẹp và hoa hậu cần được trang bị đầy đủ kiến thức về văn hóa, xã hội, những vấn đề mang tính toàn cầu để có thể phát biểu một cách thấu đáo và đúng đắn.
Đây có phải hệ quả của tình trạng “loạn thi hoa hậu” hay nói thẳng ra là thương mại hóa hoa hậu?
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong đó gồm cả cuộc thi người đẹp, có nhiều mục đích khác nhau. Đó có thể là mục đích quảng bá hình ảnh, uy tín của địa phương, hay thu hút sự quan tâm của người dân đến với những giá trị văn hóa được tích hợp trong sự kiện. Đó cũng có thể là lý do kinh tế như phát triển du lịch, thu hút đầu tư... Các cuộc thi sắc đẹp, vì thế, có thể đưa ra những lý do thuyết phục khác nhau, để được phép tổ chức.
Tuy nhiên, theo đánh giá của riêng tôi, bên cạnh một số cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực, đa phần cuộc thi sắc đẹp bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh, không hoàn toàn tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ. Điều này sẽ rất tai hại khi các cuộc thi lan tràn, vô hình trung ảnh hưởng tiêu cực đến những cuộc thi nghiêm túc và hình ảnh đẹp đẽ của người phụ nữ.
|
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn |
PGS.TS Lâm Bá Nam: Những năm gần đây, có hiện tượng bùng nổ các cuộc thi hoa hậu. Tôi không biết mục đích tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp là gì, hướng đến điều gì, nhưng đến lúc cần phải có chừng mực trong việc tổ chức thi sắc đẹp.
Trước đây, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong tổ chức được đánh giá tốt. Những năm qua, có quá nhiều cuộc thi hoa hậu được tổ chức tràn lan, thương mại hóa, dẫn đến ồn ào trong dư luận, làm mất đi ý nghĩa cuộc thi sắc đẹp. Điển hình gần đây là cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 bị dư luận phản ứng.
Cuộc thi hoa hậu phải kết hợp cả nhan sắc và trí tuệ, nhân cách. Để xảy ra những lùm xùm, thứ nhất liên quan thí sinh, trong đó có cả Hoa hậu, Á hậu; thứ hai, liên quan đơn vị tổ chức, Ban giám khảo; thứ ba là nhận thức của công chúng. Nhiều người phê phán ứng xử, phát ngôn của Hoa hậu một cách quá đà, bản thân tôi không ủng hộ việc này.
Những phát ngôn gây tranh cãi của Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi:
Trả lời phỏng vấn sau khi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, Ý Nhi bày tỏ: "Tôi hiện tại đã ở cương vị mới, một bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2 - 3 tháng trước. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ để có thể theo kịp tôi...".
Tân hoa hậu tiếp tục gây tranh cãi trên mạng với phát ngôn: "Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, chơi, uống trà sữa, đi cà phê cùng mọi người, tôi đã tham gia cuộc thi hoa hậu, trưởng thành hơn. Khi tôi có trọng trách lớn như vậy thì cũng phải biết giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của mình".
Người đẹp quê Bình Định còn bị chỉ trích khi được yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, cô hồn nhiên nói: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung".
Chưa nói đến tình trạng loạn hoa hậu, để xảy ra những sự việc ồn ào khi tổ chức cuộc thi hoa hậu, trách nhiệm của Sở, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và các đơn vị liên quan ra sao?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Tổ chức cuộc thi hoa hậu sẽ liên quan cả một hệ thống, từ ngành văn hóa, các cơ quan chức năng cấp phép, cho các cuộc thi, phải làm rõ yêu cầu, mục đích của các cuộc thi hoa hậu.
Qua cuộc thi vừa qua, người ta đề cập nhiều khía cạnh. Trước tiên, phải nói đến nhân cách, ứng xử của người đi thi hoa hậu. Đồng thời, phải xem xét vai trò của Ban giám khảo, những đơn vị tổ chức và rộng hơn nữa là vai trò quản lý nhà nước đối với các cuộc thi hoa hậu. Phải xem lại về mặt trách nhiệm chứ không chỉ đổ lỗi cho thí sinh. Rõ ràng ở đây có cơ quan quản lý nhà nước, nếu không được cấp phép, làm sao tổ chức được; nếu không có các tiêu chí, làm sao làm được.
Đồng thời, cần phải làm rõ việc tổ chức cuộc thi hoa hậu này có đặt vấn đề kinh doanh, thương mại mang điều kiện tiên quyết hay không? Bởi trong lúc lùm xùm phát ngôn của tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi, lại xuất hiện loạt ảnh top 3 Miss World Vietnam đi từ thiện ở bệnh viện sang trọng như khách sạn 5 sao. Đơn vị tổ chức sau đó lên tiếng rằng, đó không phải chuyến đi từ thiện, mà top 3 đang trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Do đó, cần làm rõ mục đích tổ chức hướng đến hệ giá trị gì mà chúng ta đang xây dựng đối với con người Việt Nam, với hình ảnh đất nước hay không.
Xử phạt nghiêm sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp
Theo các chuyên gia, có nên cấp phép cho các cuộc hoa hậu nữa không?
PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: Các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi; xử phạt nghiêm sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp. Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, chúng ta cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc trả lại giá trị thực cho những cuộc thi sắc đẹp.
PGS.TS Lâm Bá Nam: Theo tôi, cần thiết phải siết chặt việc cấp phép cho các cuộc thi hoa hậu; thực hiện nghiêm quy chế tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Rõ ràng, mục đích của các cuộc thi hoa hậu phải được tính toán cụ thể. Thương mại hóa như hiện nay sẽ làm ngược lại ý nghĩa ban đầu của việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp.
Nếu tiếp tục tổ chức các cuộc thi hoa hậu, tiêu chuẩn hoa hậu có nên thay đổi?
PGS.TS Lâm Bá Nam: Tôi nghĩ cần thiết phải xem xét lại tiêu chí lựa chọn hoa hậu. Người ta hay nói đến 3 khía cạnh: Thứ nhất là sắc đẹp, thứ hai có nhân cách liên quan đạo đức, cách ứng xử và thứ ba là tri thức, hoa hậu phải chuẩn về mặt tri thức, hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam và cách ứng xử của người Việt trong cộng động xã hội.
Xin cảm ơn các chuyên gia.
Những lùm xùm liên quan thi hoa hậu gần đây
Năm 2022, gần 30 cuộc thi hoa hậu được tổ chức ở quy mô quốc gia tại Việt Nam kéo theo đó là không ít ồn ào, lùm xùm. Cuộc thi Hoa hậu Hoà bình Việt Nam 2022 ồn ào về phần hô tên bị nhận xét lố lăng, quá đà. Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022 dừng ghi hình sau vòng sơ khảo. Top 38 Miss World Vietnam 2022 mặc hở diễu hành, nhảy múa trên xe buýt vào tháng 7/2022 tại Quy Nhơn, khiến dư luận phản ứng.
Cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022 của công ty Minh Khang dính lùm xùm về tên gọi với Miss Grand Vietnam 2022 của Sen Vàng, khi cả hai sử dụng tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Công ty Minh Khang sau đó bị UBND TPHCM phạt 55 triệu đồng vì tổ chức vòng sơ tuyển cuộc thi Miss Peace Vietnam 2022 không được cấp phép.
Hoa hậu Quý bà Việt Nam Toàn cầu 2022 dính lùm xùm ngay sau đêm chung kết khi Á hậu 3 cuộc thi - Đặng Thị Hương tố Ban tổ chức mua bán giải. Đơn vị tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 bị phạt 70 triệu đồng, đình chỉ các hoạt động thi người đẹp, người mẫu 9 tháng do người mẫu Hà Anh mặc áo dài gây phản cảm tại đêm chung kết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hoa hậu gốc Bình Định bị tước vương miện sau đăng quang là ai?
Hải Ninh thực hiện