Cụ thể, trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự; xem xét công tác nhân sự; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu và dự phòng thời gian thảo luận về một số nội dung khác.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc vào ngày 21/10 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 30/11/2024. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ 21/10 - 13/11, Đợt 2 từ 20/11 đến sáng 30/11.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Kỳ họp thứ 8 dự kiến khối lượng công việc trình Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay.
Quốc hội sẽ xem xét 39 nội dung, trong đó có 29 nội dung về công tác lập pháp, 10 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát, nhân sự và quyết định các vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Trong đó, Quốc hội xem xét, thông qua 16 dự án luật, trong đó 11 dự án luật đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7; 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 12 dự án luật khác.
Đặc biệt Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh việc thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng luật, đảm bảo đơn giản hóa, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ... để những việc chưa thống nhất, chưa đồng thuận giữa các cơ quan thẩm tra và soạn thảo sẽ được thực hiện theo tinh thần "khó đến đâu, gỡ đến đó".
Theo Ngọc Thành/VOV.VN