Liên tục tích nước trái phép, coi thường tính mạng người dân
Dự án Thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) do Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam là chủ đầu tư. Dự án có công suất 11MW, dung tích toàn bộ hồ chứa 17 triệu m3, kinh phí đầu tư hơn 341 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại Thủy điện Thượng Nhật chưa được cấp phép tích nước, nhưng chủ đầu tư nhiều lần tự ý tích nước hồ, gây nguy hiểm cho vùng hạ du, nhất là trong thời điểm bão lũ.
Cụ thể, từ tháng 10/2020 đến nay, thủy điện Thượng Nhật đã tích nước hồ chứa khi chưa có sự cho phép của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và không chấp hành vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van của cơ quan chức năng để ứng phó bão số 13.
|
Việc tích nước trái phép tại thủy điện Thượng Nhật gây nguy hiểm cho công trình và hạ du.
|
Mới đây, sau khi có công điện ngày 14/11 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trưa cùng ngày, Thủy điện Thượng Nhật đã mở hoàn toàn 5 cửa van.
Tuy nhiên, lợi dụng lực lượng công an rút về để bảo đảm an toàn vào thời điểm xảy ra bão số 13, ngay lập tức, ngày 15/11, Thủy điện Thượng Nhật lại tiếp tục tổ chức tích nước trái phép.
Sáng 16/11, lực lượng công an đã phát hiện thủy điện Thượng Nhật lại tích nước trái phép, nên đã yêu cầu đơn vị này phải chấp hành mở 5 cửa van xả lũ. Đồng thời, các cơ quan chức năng đã lập biên bản làm cơ sở để xử lý các hành vi vi phạm.
Đáng chú ý, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước đó, khi cơn bão số 5 đổ bộ vào Thừa Thiên - Huế ngày 18/9, thủy điện Thượng Nhật đã cho xả nước từ lòng hồ nên cả chính quyền, người dân đều bị bất ngờ. Dù không ngập nhà cửa nhưng nước ở khe suốt dâng cao đã cuốn trôi 3 con bò, 6 chiếc ghe và gây thiệt hại một số cây trồng.
Tội chồng tội... cần phạt nặng?
Trước hành vi coi thường tính mạng của người dân, coi thường chính quyền, của chủ đầu tư dự án Thủy điện Thượng Nhật, chính quyền địa phương đã có báo cáo về vụ việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý vi phạm trong hoạt động của thủy điện này. Quyết liệt đến mức, cuối tháng 10/2020, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, cho đến khi được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.
Mới đây, ngày 14/11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã có công văn gửi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh miền Trung về việc đảm bảo an toàn công trình và hạ du các hồ chứa thủy điện. Trong đó đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ việc chấp hành của chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật, đồng thời xử lý nghiêm khắc theo quy định vụ việc tích nước trái phép, tránh để xảy ra tình trạng tương tự.
Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) có văn bản hỏa tốc yêu cầu dừng ngay việc tích nước, đồng thời vận hành mở hoàn toàn 5 cửa van đập tràn dự án thủy điện Thượng Nhật theo quy trình vận hành hồ chứa.
Những biện pháp quyết liệt đã được các cơ quan chức năng và tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng nhưng dường như chưa đủ sức nặng để buộc chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật chấp hành.
Sáng ngày 16/11, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, khẳng định việc tích nước khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép tại thủy điện Thượng Nhật là vi phạm quy định của UBND tỉnh và quy định về sử dụng tài nguyên nước.
Chủ tịch Phan Ngọc Thọ yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, chấn chỉnh: đồng thời, giao trách nhiệm cho Sở Công thương rà soát lại các quy trình để có hướng xử lý nghiêm khắc, kịp thời.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho biết, sẽ chỉ đạo lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng tài nguyên nước và quy định phòng chống thiên tai tại nhà máy thủy điện Thượng Nhật; tuyệt đối không có vùng cấm như dư luận nghi ngờ.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập đoàn công tác để kiểm tra công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai tại công trình thuỷ điện Thượng Nhật. Cùng với việc kiểm tra hiện trường, việc tuân thủ các quy định về quản lý an toàn hồ đập, công tác phòng chống thiên và các chỉ đạo của các cơ quan quản lý về công tác vận hành hồ, đập trong đợt bão, lũ vừa qua, đoàn sẽ xử lý hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng các giải pháp xử lý các vi phạm trong công tác quản lý an toàn, vận hành, phòng chống thiên tai. Thời gian kiểm tra sẽ bắt đầu từ ngày 17/11/2020.
Theo quy định của pháp luật, cụ thể các điều khoản xử lý hành vi trên cũng được quy định rất rõ tại Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, với các hành vi vi phạm về an toàn đập thủy điện có thể sẽ bị phạt hành hình tối đa là 100.000.000 đồng đối với cá nhân, 200.000.000 đồng đối với tổ chức; công trình đập thủy điện từ cấp II trở lên thì áp dụng 100%, từ cấp III trở xuống áp dụng 70% mức phạt tiền nói trên.
Ngoài ra, quy định xử phạt với hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn đập thủy điện và vùng hạ du cũng quy định phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án bảo vệ đập thủy điện; phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập thủy điện được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trước tình trạng “bất tuân chỉ đạo”, coi thường chính quyền địa phương, coi thường tính mạng, tài sản của người dân, dư luận đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phải xử lý thật nghiêm với hành vi tích nước trái quy định pháp luật không tuân thủ các biện pháp phòng chống bão lũ cũng như đi ngược với quy trình vận hành liên hồ chứa nước của Thủy điện Thượng Nhật.
Nếu không xử lý nghiêm hành vi vi phạm trên, dư luận có quyền nghi ngờ có sự “bảo kê” để chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật coi thường cơ quan quản lý và chính quyền địa phương đến mức ngang ngược như vậy?
>>> Mời độc giả xem thêm video Diễn biến vụ sạt lở đất tại thủy điện Rào Trăng 3
Tâm Đức