Thuyền trưởng gặp bão số 12 kể giây phút từ “cõi chết” trở về

Google News

Trở về từ "cõi chết" và đang điều trị tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tài (thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26) vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại khoảnh khắc bão ập đến.

Ngày 6/11, trở về từ cõi chết và đang điều trị tại bệnh viện, ông Nguyễn Văn Tài (45 tuổi, quê Thanh Hóa, thuyền trưởng tàu Nam Khánh 26, trọng tải hơn 2.500 tấn) cho hay: “Tàu của tôi có 11 người chở hàng từ TP Hải Phòng đến Cần Thơ, khi đi ngang qua Bình Định thì nghe tin bão số 12. Tôi đã gọi cho trực ban của Cảng vụ Quy Nhơn để xin vào khu neo đậu trú bão của cảng, thế nhưng họ báo rằng trong đó quá chật, không vào được phải neo đậu ở ngoài cho an toàn”.
Vì vậy, ông Tài đã điều khiển tàu neo đậu ngang phao số 0. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão, nhiều mảnh vỡ của tàu vỏ gỗ trôi dạt cuốn vào chân vịt, khiến máy chính bị chết, tàu không hoạt động được. Trong khi đó, gió giật rất mạnh, sóng biển cao đến 8m đánh cuộn vào thân tàu, làm gãy nhiều lan can, vật dụng và nhấn chìm tàu.
“Nếu vào đậu cảng Quy Nhơn, thời điểm đó yên gió nên kể cả đậu chật tôi nghĩ cũng không ngại đến đâm va. Hiện tại, tàu đã bị chìm và vẫn còn 20.000 lít dầu trên tàu, may mắn 11 người trên tàu được cứu sống”, ông Tài chia sẻ.
Thuyen truong gap bao so 12 ke giay phut tu "coi chet" tro ve
Sau khi trở về từ cõi chết, hiện ông Nguyễn Văn Tài hiện đang điều trị tại bệnh viện. 
Nói đến việc các tàu hàng không vào neo đậu trú bão ở cảng mà neo tại phao số 0, ông Bùi Văn Vương - Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn (Bình Định) cho rằng: “Trong khu vực neo đậu đã kín chỗ, nếu neo đậu thêm thì rất chật vì có đến 53 tàu hàng, hàng ngàn tàu cá. Tàu hàng chủ yếu là tàu vãng lai, gặp bão thì xin vào thôi nhưng không thể vào được vì không đủ sức chứa, có vào thì thiệt hại sẽ rất lớn và gây thiệt hại cho các tàu khác nữa”.
Theo ông Vương, thuyền trưởng có quyền lái tàu chạy ra khơi đi tránh bão để cứu tàu. “Chỉ khi tàu gần chìm hẳn thì thuyền trưởng mới được bỏ tàu, đó là quy định của hàng hải”, ông Vương chia sẻ.
Theo ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tàu hàng bị chìm chủ yếu là tàu vãng lai, đi ngang qua địa bàn tỉnh Bình Định thì gặp nạn. “Riêng, tàu của tỉnh đã vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện tại, chúng tôi đang tích cực triển khai công tác tìm kiếm người mất tích và xử lý sự cố tràn dầu”, ông Châu thông tin.
Vụ 9 tàu hàng bị chìm tại biển Quy Nhơn gây thiệt hại lên đến 400 tỷ đồng, phát hiện được 3 thi thể thuyền viên gặp nạn. Theo lãnh đạo địa phương, đây là vụ chìm tàu với số lượng kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Do đó, việc triển khai các phương án tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ rất khó khăn nhất là trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Trước đó, tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục và bàn biện pháp ứng phó với bão lũ (ngày 5/11 -PV), ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao công an tỉnh điều tra, làm rõ vì sao nhiều tàu hàng không vào cảng Quy Nhơn neo đậu mà phải neo ở phao số 0.
Nhiều đại biểu tham dự cuộc họp cho rằng, sự phối hợp trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển của tỉnh Bình Định còn chồng chéo, không thống nhất nên hiệu quả chưa như mong muốn.
Theo Thanh Hải/VTC News