Trao đổi với PV Kiến Thức, về vụ việc thuyền viên tàu Hùng Long quay lén nữ du khách tắm ở Quảng Ninh gây xôn xao dư luận, luật sư Diệp Năng Bình (Trường VPLS Tinh Thông Luật - Đoàn luật sư TP HCM) đã đưa ra những phân tích pháp lý về hình phạt mà thuyền viên này sẽ phải đối mặt.
|
Tàu du lịch Hùng Long đã bị đình chỉ hoạt động. |
Theo luật sư Bình, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân… bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Đây là Bộ luật được đánh giá có tính đột phá, thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư; xác lập, bảo vệ quyền dân sự, trong đó có quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân. Quyền cá nhân đối với hình ảnh được pháp luật ghi nhận và bảo vệ có ý nghĩa rất lớn đối với mỗi cá nhân.
"Điều 32 BLDS năm 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật" - luật sư Bình nói.
Luật sư phân tích, hành vi phát tán hình ảnh của cá nhân xâm hại tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó. Hành vi này thực hiện bằng cách khi có được hình ảnh của một người nào đó, nhất là hình ảnh thuộc về đời sống riêng tư của cá nhân, hình ảnh có tính chất “nhạy cảm”có thể xuất phát từ động cơ thiếu trong sáng do tư thù hoặc bất kỳ lí do nào họ đã đăng tải trên các phương tiện thông tin.
Việc làm này tạo hiệu ứng lan truyền nhanh trong cộng đồng, nhằm mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh hoặc chỉ để “trêu đùa”; “khoe khoang” mà không có dụng ý xấu. Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi đó phải chịu trách nhiệm.
|
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết chưa có dấu hiệu phát tán clip trong trường hợp tàu Hùng Long. |
Việc xâm phạm hình ảnh cá nhân với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại như: các thiết bị máy quay, máy chụp ảnh hiện đại giúp người ta quay lén, chụp ảnh ở các góc độ đã ghi nhận lại những hình ảnh không đẹp của một số người.
Chính điều này làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm hình ảnh đối với xã hội, từ đó hành vi xâm phạm hình ảnh của cá nhân đã không chỉ là xâm phạm tới quan hệ dân sự nữa mà chuyển sang xâm phạm tới quan hệ được pháp luật hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định trong BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), như: Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (Điều 326); Tội làm nhục người khác (Điều 155).
Theo luật sư: "Trong trường hợp ở du thuyền Hùng Long, chúng ta chưa thấy đối tượng gắn camera có dấu hiệu phát tán hình ảnh đồi trụy nên chưa thể truy tố mà chỉ bị phạt hành chính theo khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013: Người nào thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ hành vi sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng."
>>> Xem thêm: “Đại dịch” quay lén video nhạy cảm khiến phụ nữ Hàn Quốc lo sợ
Quý An