Chiều 5/4, ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết Ban thường vụ Tỉnh ủy Long An không đồng ý đắp đập tại 5 con rạch tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây ngăn nước mặn xâm nhập theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang. Dù vậy, ông Hoàng không nói rõ lý do vì sao Long An không giúp ngăn mặn bằng cách đắp đập.
Tiền Giang sẽ chủ động đắp đập cứu dân
Cùng thời gian này, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang - cũng thông tin với lãnh đạo UBND tỉnh nội dung Long An từ chối đắp đập ngăn mặn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Văn Hưởng - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - xác nhận thông tin này và cho biết tỉnh sẽ chủ động đắp đập trên địa bàn tỉnh để tự cứu dân Tiền Giang.
|
Dù nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây qua rạch Hai Màng (Tân Đông, Thạnh Hóa, Long An) xâm nhập vào Tiền Giang, nhưng tỉnh Long An từ chối đắp đập ngăn mặn theo đề nghị của tỉnh Tiền Giang . |
Theo ông Pháp, ngày 21/3 lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã đến làm việc với Sở NN&PTNT tỉnh Long An đề nghị hỗ trợ đắp đập tại 5 con rạch trên quốc lộ 62 thuộc địa bàn huyện Thạnh Hóa, tiếp giáp sông Vàm Cỏ Tây do nước mặn trên sông Vàm Cỏ Tây xâm nhập vào các con rạch này tràn về địa bàn tỉnh Tiền Giang, gây nguy hiểm cho 16.000 ha khóm và nguồn nước đang được sử dụng để cấp cho hai nhà máy nước BOO Đồng Tâm và Bình Đức, phục vụ 1 triệu dân/ngày.
Sau đó lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã gọi điện trao đổi và được lãnh đạo UBND tỉnh Long An đồng ý hỗ trợ đắp đập khi nước mặn lên mức 1,5 g/lít. Tuy nhiên đến chiều 5/4, phía Long An trả lời với Tiền Giang là... không đắp!
Thông tin này khiến lãnh đạo tỉnh Tiền Giang rất bất ngờ, bởi trước đó Tiền Giang từng mở cống Bảo Định đưa nước vào vùng dự án thủy lợi Bảo Định cứu 16.000 ha lúa đông xuân của tỉnh Long An theo đề nghị của tỉnh này.
Trong quá trình chờ Long An đắp đập suốt hai tuần qua, nước mặn từ sông Vàm Cỏ Tây đã xâm nhập rất sâu vào nội đồng tỉnh Tiền Giang. Độ mặn đo chiều 5/4 có nơi đã gần 2 g/lít, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngọt dự trữ để cung cấp cho hai nhà máy nước ở Tiền Giang.
Ông Dương Quốc Xuân, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An và phó Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, không đồng tình việc Long An từ chối đắp đập theo yêu cầu của Tiền Giang và nói sẽ trao đổi với lãnh đạo tỉnh Long An về vấn đề này.
Trước đó, trong cuộc họp về cấp nước sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL tổ chức tại Tiền Giang ngày 1/4, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Bộ NN&PTNT, đã giao tỉnh Long An đắp đập ngăn mặn theo đề nghị của Tiền Giang.
Chiều 5/4, khi nghe phóng viên Tuổi Trẻ thông tin Long An từ chối, ông Tỉnh nói sẽ liên hệ với tỉnh này để yêu cầu đắp đập ngăn mặn cho Tiền Giang.
Từ 7/4, bắt đầu cải thiện tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL
Ngày 5/4, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết Tây nguyên đang có gần 63.000 ha lúa và cây trồng cạn bị hạn, 36.000 hộ gia đình thiếu nước ngọt, ĐBSCL có khoảng 250.000 hộ gia đình, nhiều trạm xá, khách sạn, cơ sở sản xuất thiếu nước ngọt...
Còn theo ông Trần Đức Cường - Phó chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong VN, từ ngày 15/3 đến nay phía Trung Quốc đã xả nước thông qua hồ thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng bình quân 2.200 m3/giây, gấp 3-3,5 lần so với lưu lượng nước tự nhiên và tăng hơn so với phương án ban đầu 10%.
“Nhờ lượng nước này, mực nước ở khu vực cửa ngõ sông Tiền và sông Hậu trung bình tăng 0,1 m. Trung Quốc sẽ tiếp tục xả nước đến ngày 29/4 và mực nước có thể tăng trung bình 0,71 m, với lưu lượng dòng chảy 4.300 m3/giây, cao hơn gấp rưỡi so với bình thường là khoảng 3.000 m3/giây.
Toàn bộ đợt xả khu vực hạ lưu như VN nhận được 1,44 tỷ m3, là lượng nước giải quyết đáng kể tình trạng hạn, mặn” - ông Cường cho biết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, từ ngày 7/4 sẽ bắt đầu cải thiện tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL.
Dù vậy, tình hình vẫn rất căng thẳng và dự kiến ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất tới giữa năm 2016, thậm chí xa hơn. Hiện hạn hán đã ảnh hưởng tới 70% diện tích canh tác khu vực Tây nguyên và đến giữa tháng 4 này thì số diện tích thiếu nước, hạn hán còn tăng mạnh, đặc biệt trong đó có 150.000 ha cà phê.
Hiện đang có 36.000 gia đình Tây nguyên thiếu nước sinh hoạt, thời gian tới sẽ tăng lên 60.000 hộ, nặng nhất là Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Nếu mùa mưa đến muộn (tháng 5/2016 mà chưa có mưa), hạn hán ở Tây nguyên sẽ rất nghiêm trọng.
Theo đại diện Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNN, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 là thời gian xuống giống tập trung vụ hè thu ở ĐBSCL, với tổng diện tích được xuống giống lúa lên tới 1,7 triệu ha đợt này, nhưng do hạn và mặn xâm nhập nên nhiều diện tích sẽ phải tạm hoãn xuống giống.
Theo Tuổi Trẻ