“Tiến sĩ siêu lừa” đòi lương 40 triệu đồng/tháng, ứng tuyển trưởng khoa

Google News

Các trường đại học, cao đẳng từng tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển của vị "tiến sĩ siêu lừa" cho biết, người này đòi mức lương 40 triệu đồng, muốn làm trưởng khoa, tuy nhiên không chứng minh được năng lực.

“Tien si sieu lua” doi luong 40 trieu dong/thang, ung tuyen truong khoa
Tấm bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. (SN 13/08/1981) được xác định không khớp với hồ sơ dữ liệu (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Ứng tuyển vị trí lãnh đạo, mức lương cao
Sự việc một người sử dụng bằng tiến sĩ không có trong hồ sơ dữ liệu với tên N.T.H. để tham gia giảng dạy và được bổ nhiệm trưởng khoa tại Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng nói, người này từng giảng dạy tại một số trường đại học, thậm chí ứng tuyển vào các vị trí lãnh đạo như trưởng khoa, phó trưởng khoa bằng hồ sơ mà sau này được phát hiện là giả mạo.
Đại diện Trường Đại học Văn Hiến (VHU) cho hay, đơn vị này từng tiếp nhận hồ sơ của ông N.T.H. với bằng cấp tương tự như thông tin đã nêu trong bài báo "Phát hiện "tiến sĩ siêu lừa", giả bằng cấp dạy đại học, cao đẳng" của Dân trí. Người này ứng tuyển vào vị trí phó trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường.
"Khi thử việc, nhận thấy ứng viên không phù hợp với yêu cầu tuyển dụng, không hội nhập được với khoa nên nhà trường chấm dứt hợp đồng khi chưa hết tháng đầu tiên", đại diện trường cho hay.
Theo tiết lộ của đại diện VHU, mức lương ứng viên này đưa ra trong buổi phỏng vấn lên đến 40 triệu đồng/tháng, lương thử việc là 35 triệu đồng/tháng.
Tương tự, Trưởng phòng Hành chính - Tổ chức của một trường đại học ở quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết ông N.T.H. từng mang hồ sơ đến ứng tuyển vị trí trưởng khoa của đơn vị này với mức lương đề xuất trong buổi phỏng vấn là 35 triệu đồng/tháng.
"Mức lương quá cao cùng với việc không chứng minh được năng lực, bằng cấp nên chúng tôi từ chối tuyển dụng", người này cho hay.
Thỉnh giảng tại nhiều trường đại học
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, người này từng giảng dạy tại một số trường đại học.
Lãnh đạo một trường đại học ở quận Bình Thạnh, TPHCM, cho hay, ông N.T.H. từng làm giảng viên thỉnh giảng của trường này nhưng sau đó không còn mời dạy nữa.
Tương tự, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật THPCM cũng thừa nhận ông N.T.H. từng giảng dạy theo hình thức thỉnh giảng tại đơn vị này.
"Lúc người này dạy thỉnh giảng bên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật THPCM là đang làm bên một trường đại học khác", phía Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật THPCM cho biết.
Khi phóng viên Dân trí liên hệ số điện thoại 0983064xxx mà ông N.T.H. dùng để đi xin việc tại trường đại học, cao đẳng, người nghe máy phủ nhận mình là N.T.H. nhưng ảnh trên Zalo và giọng nói được nhiều lãnh đạo trường đại học, cao đẳng xác định chính là nhân vật N.T.H. đã từng đến xin việc.
Ngoài ra, trên mạng xã hội, người này chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới một số trường học khác.
Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM (HUIT) - xác nhận: "Nếu nhìn qua ảnh đại diện trên Zalo của ông N.T.H. có người nhầm là giảng viên của HUIT. Song, ông H. chưa từng là nhân viên của trường".
Từ vụ việc này, ông Sơn cho rằng các đơn vị nên có quy định chặt chẽ với giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng.
Ông dẫn chứng quy định của HUIT, có quy định về mời giảng viên thỉnh giảng, trong đó khoa chịu trách nhiệm về bằng cấp, tư cách, giảng dạy của giảng viên. Quy định xác minh, giảng dạy với giảng viên thỉnh giảng cũng được xây dựng chặt chẽ.
"Việc xác nhận văn bằng bây giờ dễ dàng hơn ngày xưa rất nhiều khi Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học đã có hệ thống tra cứu văn bằng, chứng chỉ. Các đơn vị tuyển dụng nhân sự chỉ cần tra cứu trên dữ liệu của Bộ hoặc phát công văn về trường cấp bằng để xác thực sẽ có ngay kết quả", ông Phạm Thái Sơn nói.
Như Dân trí đã phản ánh, lãnh đạo Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam xác nhận hồi tháng 10 vừa qua, đơn vị này đã xác định một trường hợp dùng bằng tiến sĩ giả để xin vào giảng dạy tại trường.
Bằng tiến sĩ có tên N.T.H. (SN 13/08/1981), ngành khoa học máy tính được cấp năm 2021 (số hiệu văn bằng QH: 22086798528xx). Trong lý lịch khoa học, ông này cũng cung cấp bằng thạc sĩ chuyên ngành tin học, cấp năm 2010.
Tất cả các văn bằng đều thể hiện nơi cấp là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM.
Sau khi nhận được một số thông tin phản ánh nghi ngờ về bằng cấp của ông H. vào tháng 10, Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam đã gửi nguyên bản công chứng bằng tiến sĩ mang tên N.T.H. sang Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để xác minh.
"Kết quả là bằng cấp không đúng với dữ liệu lưu trữ tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên", lãnh đạo trường cho hay.
Chưa từng là học viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM khẳng định ông N.T.H. (SN 13/08/1981) chưa từng là học viên của đơn vị này. Do đó, bằng thạc sĩ và tiến sĩ ông này đề cập trong hồ sơ cá nhân là không đúng.

Theo Huyên Nguyễn/Dân trí