Tiên tri linh nghiệm của Phật thầy Tây An về cá sấu 5 chân

Google News

Trong chuyến công tác An Giang, chúng tôi tình cờ được nghe lại câu chuyện thực về trận chiến giữa ông Đình Tây và cá sấu 5 chân hung hãn.

Cho đến nay, trải qua bao biến thiên của thời gian, cuộc đối đầu huyền thoại này vẫn được lưu dấu, như một minh chứng cho khả năng vô hạn của con người suốt hành trình chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt.
Ông Đình trình cho sư phụ xem thành quả của chuyến làm phước là con cá sấu 5 chân. Đức Phật Thầy Tây An nhìn kỹ con vật, tay bấm độn, ánh mắt nghiêm nghị bảo: “Đây là Ngặc ngư (cá sấu thần), phải trừ đi nếu không sau này sẽ là cái họa cho bách tính dương gian”.
Nhưng lòng đại lượng nhân từ, ông Đình Tây không nỡ xuống tay mà lén mang về nuôi tại hồ sen sau miếu tu của mình. Để rồi 3 năm, đúng như lời tiên tri của Đức Phật - Thầy Tây An, con “dị sấu” trở thành một quái thú tàn hại bách tính.
Cơ duyên với Đức Phật Thầy Tây An
Ông Đình Tây tên thật là Bùi Văn Tây (1826- 1914) là đệ tử thứ 3 trong số 12 vị môn đồ của Đức Phật Thầy Tây An (tục là Đoàn Minh Huyên - PV), một vị pháp sư cao đạo tại vùng Bảy Núi (An Giang). Pháp sư Tây An, được người đời lúc ấy tôn là “Phật sống” bởi ông chuyên hành thiện và chữa bệnh cho dân, lại có công với khai khẩn vùng đất này. Còn theo lời truyền, sinh thời ông Đình Tây là một cao nhân tu hành, tích đức thiện, trừ thú dữ, giúp đỡ dân lành.
Tích cũ kể rằng, trước kia ông Tây cũng từng có một gia đình êm ấm. Nhưng trong một cơn dịch bệnh, vợ của ông là bà Trần Thị Trị đã vĩnh viễn ra đi. Đau khổ trước cảnh tang thương, ông không còn muốn bám víu vào cuộc sống đầy hỉ - nộ - ái - ố chốn nhân gian. Đúng lúc ấy, pháp sư Tây An và hai môn đệ tìm tới chữa nạn dịch, ban phát thuốc cho mọi người.
Vì cảm phục thiện tâm của đức pháp sư Tây An, ông Tây tạ ơn, xin được theo hầu. Nhận thấy bản tính đức độ, Đức Phật Thầy Tây An đồng ý, nhận ông làm môn đệ thứ ba của mình. Sau khi hành đạo nhiều nơi, bốn thầy trò dừng lại tại vùng chân núi Thất Sơn (nay thuộc thị trấn Tri Tôn, An Giang - PV) dựng miếu tu hành. Đệ tử Tây được nhiệm vụ tiếp quản và trông nom đình Thới Sơn (nay thuộc xã Thới Sơn, huyện Tri Tôn- PV), từ đó người dân gọi là ông Tây coi đình, hay là ông Đình Tây.
So với các môn đồ của Đức Phật Tây An, ông Đình Tây là người nổi trội, với đức hạnh và võ nghệ siêu quần. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền nhau câu chuyện một lần vào rừng hái thuốc, ông Đình chạm trán hổ dữ. Với những miếng võ hiểm, chỉ dùng mấy chiêu quyền, ông đã buộc con thú phải thúc thủ, bỏ chạy. Lần khác, ông lại tiếp tục gặp lại nó, nhưng thay vì hung hăng như trước, chúa sơn lâm đã phủ phục dưới chân và dẫn đường cho ông trong rừng rậm.
Tien tri linh nghiem cua Phat thay Tay An ve ca sau 5 chan
Mộ ông Đình Tây tại xã Thới Sơn. Ảnh: T.G 
Theo nhiều cứ liệu lịch sử, ông Đình Tây có tướng mạo cao lớn, vai rộng, tay to, ánh mắt sáng, khuôn mặt tròn, hàm én, mày ngài. Khi già thì lưng còm, râu mọc cánh hùm và mình mẩy trổ đồi mồi. Không những thế, ông là biểu tượng của sức khỏe phi thường, bản lĩnh hơn người.
Ông tu tại đình Thới Sơn và có những cách chữa bệnh kỳ diệu, ai bệnh gì chỉ cần dùng một miếng sành cắt ra làm hai rồi đưa cho con bệnh là sẽ khỏi. Với mọi người xung quanh ông hết mực quý mến, ai có khó khăn gì ông đều giúp đỡ. Chuyện về ông khá nhiều, nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là câu chuyện ông nuôi cá sấu Năm Chèo, một con mãnh thú được lưu truyền là có mệnh trời định trước.
Lời tiên tri linh nghiệm của Đức Phật Thầy
Chúng tôi tìm về ngôi mộ ông Đình Tây tại xã Thới Sơn (huyện Tri Tôn). Hiện tại, bà Nguyễn Thị Nguyên (63 tuổi) và bà Hồ Thị Cưng (74 tuổi) vẫn ngày ngày làm công việc dọn dẹp, trông nom hương đường cho pháp sư Đình Tây. Là hậu duệ đời thứ tư của ông Đình Tây nên hai bà đều nhớ rất rõ tiểu sử về ông. Bà kể, khi Đức Phật Tây An về đây dựng miếu thì dân chúng các nơi cũng đổ về sinh sống ngày càng đông hơn.
Một hôm khi ông Đình Tây đang coi đình thì có người sư đệ chạy tới báo Đức Phật Thầy có lời triệu tới thỉnh an. Giao việc coi sóc đình lại cho môn đệ, ông Đình Tây vội trở ra chùa gặp Thầy. Vừa gặp ông Đình Tây, Phật Thầy phán bảo: “Ta xem thiên văn thấy mấy hôm nữa sẽ có điều kỳ lạ xảy ra với con, tuy chưa biết tốt xấu thế nào nhưng con phải chuẩn bị tinh thần đón nhận lấy. Ngày mai, con chuẩn bị cơm cho ba ngày đường rồi cứ thẳng hướng Đông mà đi, tới khi nào hành hiệp việc thiện xong xuôi thì hãy trở về”.
Tien tri linh nghiem cua Phat thay Tay An ve ca sau 5 chan-Hinh-2
Bà Nguyên kể chuyện về sư phụ mình. Ảnh: T.G 
Nghe lời Thầy, đêm hôm ấy đến canh ba, ông Tây dậy thổi cơm, gói lại trong tàu chuối bỏ vào tay nải lên đường. Thời đó, cây cối hoang vu, đường đi lại chưa có nên ông phải băng qua rất nhiều khu rừng rậm rạp, vượt qua những dãy núi dài. Đi từ nửa đêm tới tận lúc trời đứng bóng, ông tạm nghỉ chân tại một gốc cây tại vùng Láng Linh (nay thuộc huyện Châu Thành- PV). Đúng lúc ấy thì tại một xóm nghèo gần đó vang lên những tiếng ồn ào, huyên náo.
Tò mò, ông Đình Tây tìm tới. Trong ngôi nhà là một người phụ nữ trẻ đang mang bầu trở dạ. Bà đỡ tới bảo sở dĩ chị chưa thể sinh được vì giường có ba chân, vì vậy phải thêm một chân để cân bằng. Mọi người lại nháo nhào chạy đi tìm gỗ làm chân giường, nhưng ai cũng không làm đặng. Thấy vậy, ông Đình Tây liền đi tới, dùng hết sức mình xốc phần giường thiếu chân lên vai, tự mình làm cái chân còn lại.
Khi người chồng tên Xinh trở về cũng là lúc người phụ nữ kia đã sinh xong một câu con trai kháu khỉnh. Nghe chuyện kể, anh chồng biết ơn bèn mở vạt áo, nói với ông Đình Tây: “Hôm nay, tôi đi bắt cá vô tình có được con cá sấu này. Làm nghề ở vùng này hơn chục năm chưa từng có cá sấu nên tôi thấy quý, mang về nuôi chứ không bán, giờ tôi xin biếu ông”.
Cầm con vật nhỏ trong lòng bàn tay, ông Đình Tây không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện nó có 5 chân, trong đó một chân mọc thêm ở bụng, mỗi chân lại có 5 móng dài như ngón tay người. Kỳ lạ hơn, đầu con vật to hơn cả mình, mũi màu đỏ tươi rất đẹp, mình mẩy không sần sùi nổi đốm mà lại nhẵn mịn, bằng phẳng. Nhận món quà quý, ông cảm ơn hai vợ chồng nọ và xin phép cáo từ. Ông Đình Tây nghĩ rằng điều sư phụ dặn là làm phước đã hoàn thành, nên quyết định quay về báo ơn.
Bà Nguyên còn cho biết thêm, Ông Đình Tây không chỉ nổi danh với tích nuôi dị sấu Năm Chèo, chữa bệnh, đánh hổ mà cũng chính ông là người đã có công lớn trong việc khai phá sơn lâm vùng chân núi Thất Sơn, lập ra xã Thới Sơn như ngày hôm nay. Để lưu truyền công đức to lớn ấy, người dân đã lập đền thờ ông tại khu mộ ông và tại đình Thới Sơn, nơi trước kia ông tu luyện.
Trở về Thất Sơn, ông kể lại chuyến đi với Phật Thầy Tây An và không quên nhắc tới món quà đặc biệt mà gia đình kia tặng. Ông Đình mang ra từ tay nải con vật nhỏ. Nhìn con vật thật kỹ như suy tính điều gì đó, Phật Thầy Tây An đưa tay lên bấm độn và cất giọng nghiêm nghị: “Đây là loài Ngặc Ngư (cá sấu Thần), không nên nuôi giữ mà phải nhanh chóng diệt trừ, nếu không sau này sẽ là cái họa cho muôn dân bách tính". Nghe thầy mình nói vậy ông Đình cũng hết sức bất ngờ, thể theo lệnh sư phụ, ông xin mang con vật về Thới Sơn rồi sẽ hóa kiếp.
Phật Thầy Tây An đồng ý. Mang con vật về nhà, mấy đêm liền, ông Tây không sao chợp mắt được bởi những lời tiên đoán của sư phụ về số mạng con vật nhỏ. Nhưng cuối cùng do lòng từ bi, ông quyết định không giết nó mà lén mang ra hồ sen sau miếu để nuôi. Bà Nguyên kể bằng giọng tôn nghiêm: “Lúc bấy giờ, hồ sen này còn hoang vu lắm, xung quanh chưa từng có ai đặt chân tới nên việc cụ nhà tôi nuôi Năm Chèo hoàn toàn không có ai biết. Cái tên Năm Chèo được cụ tôi đặt cho ông cá sấu, bởi “ông” có 5 chân, Năm Chèo chính là chỉ 5 cái chân của ông cá sấu”.
Hàng ngày khi ra hái sen mang về miếu thờ cúng là ông Đình đều nhìn thấy con vật nhỏ bé của mình bơi giữa dòng nước. Nhiều hôm, nó nhìn thấy ông chèo thuyền ra giữa hồ là ngay lập tức bơi theo, ông Đình Tây quý và coi cá sấu như đứa con của mình. Tuy nhiên, thời gian yên bình qua đi cho đến ba năm sau, một ngày nọ con vật bắt đầu trở chứng. Vào một đêm mưa gió, “dị sấu” đã trốn khỏi ao sen, ẩn mình nơi rừng sâu núi thẳm, giết oan nhiều mạng sinh linh, gieo bao nỗi kinh hoàng cả một vùng. Lúc này, ông Đình Tây mới thấm lời tiên tri của Phật Thầy Tây An và lên kế hoạch trừ khử.
Tại ngôi cổ đình mà ông Đình Tây từng lưu dấu, bà Nguyễn Thị Nguyên (63 tuổi, hậu duệ đời thứ tư của ông Đình Tây) vẫn nhớ như in những chuyện kể liên quan đến tiền nhân và con Ngặc Ngư bí ẩn. Bà bảo: “Ba tôi kể, dù ông Đình Tây chăm nom và dành hết tình thương nhưng dị sấu Năm Chèo càng lớn càng có dấu hiệu hung hăng, dữ tợn, nhiều lần bỏ ao sen bò lên bờ phá phách. Khi những nhà ở quanh đình than vãn mất gà, vịt, một cách bí ẩn, ông Đình nghi hoặc liền theo dõi thì quả thực Năm Chèo đã lột xác, trở thành một con sấu tinh ranh. Lo sợ nó sẽ gây chuyện không hay cho con người, ông liền đi rèn một sợi dây xích to rồi cột con vật cạnh gốc cây cổ thụ lớn cạnh hồ nước. Nhưng càng về sau, Năm Chèo càng to lớn hơn trước, bản tính hung dữ của loài ác thú lộ rõ, nó vùng vằng sợi xích, há miệng và gầm gừ với chính người nuôi nó từ thuở chỉ bằng ngón tay”.
Tien tri linh nghiem cua Phat thay Tay An ve ca sau 5 chan-Hinh-3
Bộ pháp bảo thu phục quái sấu năm xưa. Ảnh: T.G 
Vào một ngày bão lớn, mưa như trút nước, ông Đình Tây lại bận đi xa nên cả ngày chưa mang đồ ăn cho Năm Chèo. Ngay sáng hôm sau khi trời vừa tạnh, ông liền vác theo buồng chuối chín mọng ra thăm. Thế nhưng đến nơi thì gốc cây cổ thụ bên bờ hồ chỉ còn trơ đoạn xích sắt, con sấu đã biến mất. Lần theo những dấu vết trên nền đất thì phát hiện ra một chân của con Năm Chèo còn buộc xích đã bị đứt lìa, vết máu loang lổ. Lúc này, ông Đình Tây mới nhớ lại lời tiên đoán năm xưa của đức Phật Thầy Tây An dặn nhưng giờ thì đã quá muộn. Bản tính hung tợn này của Năm Chèo càng làm ông lo sợ bởi khó có thể đoán được sắp tới nó sẽ gây tai họa gì.
Ngay trong ngày con Năm Chèo xổng xích, ông Đình Tây tìm tới sư phụ là đức Phật Thầy Tây An hối lỗi, kể lại sự tình. Nghe xong câu chuyện, ánh mắt Phật thầy không hề biến sắc, ngài nói: “Ta vốn không tin ông sẽ giết con vật ấy nhưng vẫn giao nó vì ông có cái duyên. Tháng trước đột nhiên trời có bão, ta đã thấy khí trời rất lạ. Mây đen từ phía hồ sen đầu đình của ông và phía Láng Linh lên cao. Đoán có chuyện không lành, ta cũng đã chuẩn bị trước bộ pháp bảo, nay ta giao cho ông, khi nào gặp Năm Chèo thì mang ra dùng, nghiệt súc ắt sẽ được thu phục”. Vừa nói Phật Thầy vừa giao cho ông một chiếc hộp gỗ, bên trong phủ một lớp vải vàng, đó là một lưỡi câu Bắc lớn, một mũi gỗ mun cổ phụng, hai cây lao nhọn, một đường dây băng.
Bà Nguyên còn cho hay, tương truyền khi giao cho ông Đình Tây bộ pháp bảo, Phật Thầy còn truyền một câu khẩu quyết, chỉ mình ông biết để khi nào dùng pháp bảo thì sẽ cùng đọc thần chú. Như thế dù quái vật có hung dữ thế nào vẫn sẽ bị bắt lại. Cầm bộ pháp bảo trên tay, ông Đình Tây còn chưa hiểu ra sao thì Phật Thầy dặn: “Bộ pháp bảo này là những vũ khí dùng đánh bắt Ngạc Ngư khi nó lên cạn. Riêng lưỡi câu Bắc thì sẽ phòng khi phải bắt nó dưới nước, chắc chắn Năm Chèo sẽ bị thu phục”. Về nhà, ông Đình Tây cả đêm không ngủ, hết đứng lại ngồi rồi lấy mang từng phần bộ pháp bảo ra xem và dự định quyết tâm sẽ buộc bằng được con sấu phản chủ về quy phục.
Dị sấu Năm Chèo mất tích đầy bí ẩn
Bà Nguyên dẫn chúng tôi vào gian trưng bày, bộ pháp bảo hiển hiện trước mắt mà ngỡ như huyền thoại. Mũi mun cổ phụng có chiều dài chừng 30cm, đường kính khoảng 0,5cm, phần đầu chĩa ra nửa mũi như đầu rồng. Hai lưỡi lao cũng có chiều dài và đường kính tương ứng, chỉ khác là chúng có đầu nhọn sắc thẳng tắp. Còn lưỡi câu Bắc không khác gì những lưỡi câu bình thường, đó là thanh thép lớn như cổ tay uốn cong, tưởng như chỉ có thể để câu loài cá khổng lồ. Riêng sợi dây băng là kỳ lạ nhất, dài khoảng 4 sải tay người lớn, chúng được tết lại từ những mẩu sợi nhỏ li ti như thân cói, nhưng đến nay không ai biết đó là chất liệu gì.
Bà Nguyên dẫn ra câu chuyện để minh chứng, rằng năm xưa từng có một trận hỏa hoạn, trong khi mọi thứ xung quanh thành tro thì sợi dây và bộ pháp bảo vẫn trơ trơ nhưng chưa qua lửa. Theo lời bà, năm xưa bản thân được cha truyền lại rằng bộ pháp bảo này được chính Phật Thầy Tây An ra công rèn giũa và yểm chú. Bởi dự cảm được sự tồn tại của Ngạc Ngư nên Người đã tính trước sẽ có ngày như vậy. Nếu có nó, Năm Chèo sẽ không dám manh động làm liều.
Trở lại câu chuyện sấu dữ Năm Chèo, sau khi sổng xích về vùng Láng Linh (nay là huyện Châu Thành - PV), dị sấu 5 chân nhiều lần bỏ sông, trườn lên bờ, vào nhà dân ăn gà, vịt, trâu, bò… gây nên bao cảnh hãi hùng. Trai tráng trong vùng tổ chức thành từng toán hòng thu phục quái vật nhưng đều thất bại, thậm chí nhiều người còn bị nó ăn thịt rồi quật sóng đánh chìm xuồng nhỏ trên sông. Quá sợ hãi, nhiều người đã tập trung lại cầu khẩn và tôn con vật thành "ông", gọi là “ông Năm Chèo”. Thế nhưng, khi ông Đình Tây tới nơi định ra tay thu phục, con quái thú khôn ngoan đã xuống sông lặn mất tăm. Mọi người đều nghĩ chắc do sợ hãi uy của ông Đình Tây nên con vật đã theo dòng sông bỏ đi nơi khác.
Sau một thời gian yên ắng, ông đành trở về Thới Sơn gặp Phật Thầy Tây An, giao lại bộ pháp bảo. Lần này, Phật Thầy bảo: “Cơ duyên của ông và Năm Chèo hãy còn dài, chưa thể kết thúc như vậy được đâu. Ông hãy giữ lấy chúng, khi nào gặp con vật thì dùng”. Tuy nhiên, ông Đình Tây cũng nói với thầy mình rằng, khi tới nơi không thể giáp mặt Năm Chèo được. Nghe học trò giãi bày, Phật Thầy cũng dặn phải luôn mang pháp bảo theo, nếu cả đời không dùng được thì phải truyền lại cho hậu duệ để họ tiếp bước.
Vâng lệnh thầy, ông Đình Tây mang bộ pháp bảo về nhà cất giữ. Vừa về tới nơi chưa kịp nghỉ thì có tin báo, Năm Chèo lại xuất hiện và giết người xung quanh vùng phía Bắc Láng Linh. Ngay lập tức, ông Đình Tây cầm pháp bảo cùng mấy người chạy tới nơi mà quái thú vừa xuất hiện. Nhưng cứ khi nào tới, con nghiệt súc lại nhanh chân lẩn xuống lòng sông. Kiên trì rình bắt, một ngày nọ pháp sư Đình Tây đi tới bờ đê sông Vàm Nao, trỏ xuống lòng sông hét lớn: “Bớ Năm Chèo, ta và mi vốn có số mạng khác nhau. Vì thương tình nên năm xưa, ta đã không xuống tay giết, để nay mi hoành hành quậy phá. Nếu biết ăn năn hối cải, hãy nằm im dưới lòng sông mà tu thân tích đức, bằng không hãy nhanh chóng nổi lên cho ta thu phục”. Sau đó, ông Đình Tây ngồi chờ một ngày một đêm nhưng Năm Chèo vẫn không nổi lên, ông liền bảo với mọi người yên tâm làm ăn sinh sống bởi con nghiệt súc đã biết tội mình, sẽ không lên lại nữa.
Quả thật, sau khi ông Đình Tây đi rồi, người dân không còn thấy ông Năm Chèo nổi lên nữa. Có người nói, quái thú đã bỏ đi nơi khác. Cũng có lời đồn, nó đã nghe lời ông Đình Tây nên nằm im dưới lòng sông, không hại người như trước. Về câu khẩu quyết biệt truyền, bà Nguyên kể rằng, lúc lâm chung, ông Đình Tây giao lại bộ pháp bảo cho con cháu mình thờ cúng và bảo, sấu Năm Chèo sẽ không xuất hiện nữa nên không cần thiết phải duy trì câu thần chú trên đời. Từ bấy đến nay, trải qua đã trăm năm, chuyện về ông Đình Tây nuôi sấu Năm Chèo vẫn mang trong mình nhiều bí ẩn đầy thú vị.
Bộ pháp bảo linh thiêng
Hiện nay, bộ pháp bảo được xem là do Phật Thầy Tây An làm ra ấy vẫn còn được lưu giữ và thờ chung với linh vị của pháp sư Đình Tây tại di tích Đình Tây (xã Thới Sơn, huyện Tri Tôn, An Giang). Theo như sử đình ghi lại cùng lời kể của những hậu duệ ông Đình Tây thì tính tới thời điểm này bộ pháp bảo đã có hơn trăm năm. Trải qua ba đời con cháu, đến nay, nó được xem là báu vật linh thiêng không ai dám động tới.
Mời quý độc giả xem video Trâu điên tấn công người (nguồn VTV):
Theo Hữu Huấn /Gia đình & Xã hội