Tiếng đàn là cầu nối tình yêu
Từ TP.Hà Tĩnh, chúng tôi vượt 100km đường rừng, men theo những cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn hình chữ U mới đến được bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Bản nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi trên dãy Ka Đay và thượng nguồn sông Ngàn Sâu.
|
Tiếng đàn Chư ra bon của dân tộc Chứt tham dự liên hoan nhạc cụ dân tộc miền trung Tây Nguyên (ảnh BĐBP cung cấp). |
Trong căn nhà gỗ đơn sơ của ông Hồ Phượng, bà Hồ Sen - nơi hiếm hoi còn lưu giữ cây đàn truyền thống của người Chứt - chúng tôi may mắn được thưởng thức tiếng đàn Chư ra bon của bà. Âm thanh của tiếng đàn nghe lạ lùng nhưng du dương, dễ đi vào lòng người.
Vào năm 1991, trong lúc tuần tra biên giới, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện khoảng 20 người Chứt sống trong hang động ở trên dãy Trường Sơn thuộc biên giới Việt-Lào nên đã đưa về giúp họ xây nhà, lập bản Rào Tre, thuộc xã Hương Liên, huyện Hương Khê. Tộc người này được gọi chung họ Hồ, tới nay đã có 42 hộ gia đình với 145 khẩu.
Bà Sen cho biết: “Vợ chồng tôi nên duyên cũng nhờ tiếng đàn này. Khi chúng tôi còn ở tận trong rừng sâu, người kéo đàn chủ yếu là phụ nữ, tuy nhiên ông Phượng được cha truyền cho cách làm đàn Chư ra bon, sau đó ông còn làm thêm được đàn Môi để đối đáp với tiếng đàn của tôi, từ đó chúng tôi nên duyên vợ chồng”.
Bà Sen không nhớ mình năm nay bao nhiêu tuổi và biết chơi đàn từ bao giờ. Bà chỉ biết khi còn ở trong hang đá tận rừng sâu thì đàn Chư ra bon đã có. Từ khi được cán bộ đưa về định cư tại bản Rào Tre, đàn Chư ra bon vẫn theo bà con về dưới chân núi Ka Đay, bên dòng sông Ngàn Sâu, ngân vang từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Chỉ gồm một ống nứa, hai dây cước chạy song song theo ống nứa và một thanh nứa dẹt, chiều dài tương đương với thân đàn (khoảng 68 – 70 cm), bản rộng chừng 1cm nên người Chứt gọi Chư ra bon là đàn nứa. Tuy nhìn cây đàn có vẻ thô sơ nhưng tùy vào nhịp của người kéo, đàn Chư ra bon có lúc réo rắt, có lúc du dương khiến ai đã một lần nghe đều khó có thể quên thứ âm thanh có vẻ hoang sơ ấy.
Theo bà Sen, để kéo đàn phát ra âm thanh trầm bổng, du dương, trước mỗi lần kéo phải làm ướt thanh nứa, bởi vĩ kéo bằng cật nứa nên sau khi kéo một lúc, ma sát kém đi làm giảm hiệu quả âm thanh. Bà con người Chứt đã khắc phục khó khăn này bằng cách thỉnh thoảng lại liếm lưỡi vào vĩ kéo, tạo ra một phong cách riêng khi chơi đàn.
Đàn Chư ra bon là loại nhạc cụ truyền thống của người dân tộc Chứt, đàn thường được bà con chơi vào những dịp như tìm bạn tình, Tết Chăm Cha Bới, cưới hỏi. Cây đàn thường được nghệ nhân nâng niu, cất giữ ở những nơi trang trọng trong nhà.
Những phụ nữ cuối cùng chơi đàn
|
Bà Hồ Sen bên cây đàn Chư ra bon. Ảnh: Q.N |
Người Chứt vốn sống khép kín, không giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài, đặc biệt là từ lúc mới được đưa về bản Rào Tre. Từ bao năm nay, họ vẫn quẩn quanh khoảng mấy chục hộ trong bản. Mặc dù vậy, nhiều phong tục, tập quán của người Chứt lưu giữ đến nay vẫn mang nhiều giá trị văn hóa trong kho tàng chung của cộng đồng người Việt. Đàn Chư ra bon qua bao năm vẫn tồn tại cùng dân tộc Chứt để chuyển tải những tâm sự, nỗi niềm con người với thiên nhiên.
Vào những đêm xuân, ánh trăng nhuộm vàng bờ suối, con khe, những đôi nam thanh nữ tú trong bản lại đi tìm bạn đời. Khi tiếng đàn cất lên da diết dưới chân núi Ka Đay, các chàng trai, cô gái vừa chơi nhạc vừa lắng nghe tâm sự của bạn tình, ưng bụng sẽ tìm đến nhau. Chàng trai muốn lấy cô gái về làm vợ phải một mình vào rừng chặt một bó củi rồi bó gọn gàng mang về đặt trước cửa nhà cô gái. Sớm hôm sau người con trai đến cổng nhà cô gái để kiểm tra. Nếu bó củi không còn ở đó, tức người con gái đã đồng ý làm vợ mình. Còn nếu bó củi vẫn còn nguyên trước nhà cô gái thì chàng trai sẽ lẳng lặng đưa bó củi về để đi tìm một người khác.
Với con đường tình duyên không kém phần lãng mạn ấy, ông Hồ Phượng đã chinh phục được bà Hồ Sen như một câu chuyện cổ tích mà hàng chục năm nay nhiều người dân trong bản vẫn còn biết đến.
Khi nói về chuyện tình từ cây đàn Chư ra bon se duyên các cặp đôi trong bản, ông Hồ Kính - người dân bản Rào Tre nhớ lại: “Khi chúng tôi đã đến tuổi dựng vợ gả chồng, vào những đêm trăng sáng thanh niên lại lên rừng tìm bạn tình. Khi nghe bà Hồ Sen gảy đàn chúng tôi ai cũng thích, cũng muốn bà Sen là vợ mình. Ngay buổi tối ấy ông Hồ Phượng nói với tôi: “Tao sẽ lấy con Sen”. Nói là làm, ngay tối hôm đó đợi các trai trong bản về hết, ông Hồ Phượng đốt đuốc đi chặt củi, rồi mang đến nhà bà Hồ Sen. May mắn, sáng hôm sau đến nhà bà Sen, ông Phượng không còn thấy bó củi ở trước cổng nữa, ít ngày sau họ tổ chức đám cưới”.
Bà Hồ Thị Sen cho biết, hiện trong bản chỉ có vợ chồng bà, và bà Hồ Thị Linh biết chơi nhạc cụ này.
Bài toán giữ gìn, bảo tồn đàn Chư ra bon
Cây đàn trông thô ráp nhưng tiếng nhạc phát ra đầy vẻ hoang sơ, bí ẩn, réo rắt như lối sống tự nhiên, phóng khoáng của bà con dân tộc Chứt. Vượt ra khỏi bản làng, tiếng đàn Chư ra bon và tiếng khèn môi của người Chứt ở bản Rào Tre đã được tham dự Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc khu vực miền trung Tây Nguyên.
Cách nhà bà Hồ Sen không xa là gia đình bà Hồ Thị Linh. Theo những người dân trong bản thì bà Hồ Linh thời trẻ cũng là một trong những bông hoa được rất nhiều chàng trai trong bản để ý, bởi Hồ Linh không những là cô gái xinh đẹp mà còn chơi đàn cừ khôi.
Đón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn, bà Hồ Linh vui vẻ nói: “Tôi sinh ra ở trong rừng sâu, ngày ngày nghe mẹ kéo đàn thành thuộc và thích nhịp điệu trầm bổng của nó, từ đó biết kéo đàn lúc nào không biết”.
Ngồi quây quần bên bếp lửa, bà Hồ Sen cho biết: “Trước đây, đa phần phụ nữ trong bản đều biết chơi đàn này, nhưng khoảng hơn 20 năm lại nay người chơi đàn Chư ra bon ít dần đi. Cả bản chỉ còn tôi và bà Hồ Linh biết chơi thôi, nhưng cả hai đều đã cao tuổi rồi, không biết về với ông bà khi nào. Đàn Chư ra bon là loại nhạc cụ được ông bà thời xưa truyền lại cho con cháu, vậy mà bây giờ người trẻ trong bản ít người biết chơi đàn chúng tôi cũng buồn”.
Trung tá Võ Anh Tuấn-Chính trị viên đồn Bản Giàng (thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi cắm bản ở đây cũng gần 10 năm, thỉnh thoảng nghe bà con chơi đàn tôi cũng thích lắm. Để bảo tồn nét văn hóa của bà con, cấp trên đã chỉ đạo mở lớp dạy đàn do bà Hồ Sen và bà Hồ Linh “đứng lớp”, mỗi tuần hai buổi, nhưng tiếc là các em bảo đàn này khó chơi nên chưa học được. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp giúp người Chứt lưu giữ hồn cốt tiếng đàn Chư ra bon - linh hồn, nhạc cụ truyền đời trong sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân tộc Chứt”.
Theo Quỳnh Nga/Dân Việt