Nghề “đi trên trời, ăn dưới đất”
Khác hẳn với các nghề khác, những này được các ông gọi vui là nghề “đi trên trời, ăn dưới đất”, bởi đặc thù liên quan đến độ cao, các ông chồng thường xuyên tiếp xúc với điều kiện làm việc nguy hiểm, môi trường không đảm bảo an toàn.
|
Những công việc này hết sức nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy là mất đi tính mạng. |
Đó có thể là công việc chăm sóc cột điện, đường dây, là việc trèo cao để sơn sửa một tòa nhà cao tầng nào đó, hay vô số những công việc liên quan đến độ cao khác...
Đã có rất nhiều những tai nạn gây nên bao cái chết thương tâm của người dân lao động khi làm việc trên độ cao. Như anh M.C.B. ( 26 tuổi, quận 10) khi đang sửa chữa mái xưởng cho một công ty ở độ cao hơn 10 mét, bất ngờ anh bị trượt chân, rơi xuống đất, tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.
|
Tuy đã có bảo hộ lao động, khi làm việc ở các tòa nhà cao tầng nhưng chỉ cần sơ suất là mất mạng. |
Hay trường hợp của anh N.V.T. (28 tuổi, quận 7) tử vong tại chỗ lúc đang kéo đường đây điện trên tòa nhà. Vì bất cẩn, a T. trượt chân rồi rơi xuống đất, để lại vợ cùng hai đứa con, đứa bồng đứa bế, nỗi đau quá lớn cho vợ và người thân.
Trước những tai nạn có thể bất ngờ ập tới đó, những bà vợ đều mang chung một nỗi lo cho công việc của chồng mình. Sự sống và cái chết chỉ xảy ra trong gang tấc, không ai biết trước được gì. Tâm sự với chúng tôi, không ít chị em cùng chung nỗi niềm, ánh mắt thoáng buồn, mắt nhìn xa xăm.
Trải lòng của những bà vợ
Có chồng là "thợ chăm sóc" cột điện kéo đường dây, chị N.T.T.H (quận Thủ Đức, TP. HCM) mỗi khi thấy chồng xách đồ đạc trèo lên những trụ điện cao 60 - 120m để sửa chữa, tuy đã có đồ bảo hộ an toàn nhưng chị H. vẫn nơm nớp lo sợ.
|
Nhiều người bất chấp nguy hiểm, đùa giỡn với tử thần. |
Chị H tâm sự: “Mỗi lần ảnh xách túi đi là lại lo lắng không yên, đến lúc thấy ảnh về mới thở phào nhẹ nhõm, khuôn mặt ảnh bơ phờ, tóc tai rối bời, ánh mắt thất thần. Nhìn những vết sẹo của chồng do ngã khi làm mà thương. Càng xót xa hơn khi mà có những đợt gặp sự cố lớn, phải mang mọi đồ đạc, thậm chí cả đồ ăn, nước uống lên trên cao để làm”.
Cùng mang nỗi lo với chị H, chị L.T.H ( quận Bình Thạnh) cũng run cầm cập khi thấy chồng mình treo lơ lửng bằng những dây bảo hộ thiếu chắc chắn để sửa chữa cho một tòa nhà cao tầng, hắt tiếng thở dài, chị H. chậm rãi nói: "Biết là nguy hiểm, nhưng làm công việc đó lương lại cao.
|
Bất chấp nguy hiểm, người thợ này 1 tay giữ, một tay sơn cầu. |
Cũng khuyên chồng nên từ bỏ công việc, kiếm việc chi đó nhẹ nhàng hơn, tốn sức hơn một chút cũng được, miễn là không bỏ mạng trong một phút bất cẩn, nhưng chồng kêu chịu cực chịu khổ để nuôi thằng út ăn học cho bằng bạn bằng bè. Thương và lo cho chồng mà không biết làm như thế nào".
“Đôi khi, chọc vui ổng là làm việc mà được đi trên trời, ngắm cảnh đẹp, nhiều khi thích chơi sang, mang cơm lên trời ăn cùng chim thì sướng quá”, câu nói bông đùa của chị N.T.M (quận 7) khiến không ít người cười ngoài nhưng bên trong lại mang nỗi xót thương.
Bởi đằng sau câu nói đùa, nụ cười đó là ẩn chứa biết bao lo lắng, cũng chỉ vì nhu cầu “cơm, áo, gạo, tiền” mà họ bất chấp sự nguy hiểm, bất chấp tính mạng chỉ trong gang tấc để có thể bám nghề, để rồi yêu nghề và rồi cũng có thể “sinh nghề và tử nghiệp”.
Dẫu biết khi đi làm sẽ có thiết bị an toàn, có dây tiếp địa, nhưng nếu một giây lơ đãng, sơ ý bị trượt chân thì họ có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình. Và có lẽ, đó cũng là lúc “trời kêu ai nấy dạ”, là số phận của những ông chồng, còn những nỗi lo canh cánh trong lòng vẫn cứ đeo bám suy nghĩ người vợ.
Theo Báo Phụ Nữ