Do đặc thù công việc nhiều năm làm phóng viên nội chính, tôi thường xuyên có dịp tiếp xúc với các nghi phạm, bị can, phạm nhân... Đó là thế giới khá phức tạp, mỗi người một tâm trạng, tính cách, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội khác nhau. Đằng sau đó có những câu chuyện vô cùng xót xa, để lại trong lòng người cầm bút như chúng tôi nhiều điều phải suy ngẫm, trăn trở.
Trong đó, có lẽ hình ảnh những đứa trẻ phải theo mẹ vào trại giam vì không còn ai chăm sóc đã khiến tôi cảm thấy day dứt mãi. Còn nhớ, trong chuyến công tác tại trại giam Quyết Tiến (Tổng cục VIII - Bộ Công an), tôi được Ban Giám thị trại tạo điều kiện cho gặp mấy cháu nhỏ là con của một số nữ phạm nhân phải theo mẹ vào đây.
Hoàn cảnh của các cháu rất đáng thương, mẹ phạm tội nghiêm trọng chủ yếu liên quan đến ma túy, còn các cháu dưới 36 tháng tuổi nếu ở ngoài thì không có ai chăm, thậm chí cả bố mẹ, người thân đều vào tù nên các cháu cũng phải theo mẹ vào trại giam.
Có nữ phạm nhân quê ở xa, gia đình lại nghèo nên có khi cả năm mới được người nhà vào thăm 2 mẹ con một lần. Thương các bé thiệt thòi về điều kiện sinh hoạt cũng như thiếu thốn tình cảm của những người thân khác trong gia đình (ngoài người mẹ luôn ở bên) nên Ban Giám thị và cán bộ quản giáo trại giam rất quan tâm đến các cháu. Họ thường thăm hỏi, mua quần áo, bánh kẹo, đồ chơi cho các cháu. Thậm chí cả tổ chức Trung thu cho các bé… Chỉ có mấy cháu nhưng trại giam cũng bố trí một khuôn viên mẫu giáo cho các cháu vui chơi.
|
Bé G.L. hôn tạm biệt nhà báo Nguyễn Hường. |
Các cháu bé thiệt thòi về cuộc sống nhưng tôi có cảm giác các cháu là những thiên thần được trời phú cho sự nhạy cảm, thông minh hơn người. Ngày tôi vào thăm, hầu hết các cháu ở tuổi lên ba, như bầy chim non ùa ra đón khách, hát líu lô: “Ba sẽ là cánh chim cho con bay thật xa, mẹ sẽ là nhành hoa cho con cài lên ngực...”.
Bé G.L. có mẹ bị kết án buôn bán ma túy lúc cháu còn là bào thai trong bụng. Khi tôi và nữ đồng nghiệp vào thăm, ngay giây phút đầu tiên tiếp xúc, G.L. đã khiến những người có mặt phải ngạc nhiên bởi sự thông minh, đáng yêu của cô bé.
Thấy chúng tôi cầm máy ảnh và chia quà cho các bé, G.L. bảo với các bạn rằng: “Lại đây đi, chuẩn bị chụp ảnh đấy! Nhà báo đấy!”. Rồi, G.L. quay lại bảo mẹ (phạm nhân tên Nguyễn Thị H.): “Mẹ mặc quần áo đẹp cho G.L. đi! G.L. sẽ vào buồng 25, đứng trên sân khấu để chụp ảnh!”.
Giải thích về những câu nói, cử chỉ của G.L., mẹ bé giải thích với chúng tôi: “Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, có một đoàn nhà báo vào đây cũng cho các cháu bánh kẹo rồi chụp ảnh kỷ niệm với các cháu nên G.L. cũng đoán các chị là nhà báo. Vì vậy cháu mới gọi các bạn lại để chuẩn bị chụp ảnh đấy! Vì buồng ở của tôi mang số 25 nên cháu cũng biết số 25 là buồng của hai mẹ con”.
Khi chúng tôi ra về, G.L. còn chạy lại thơm lên má tôi để tạm biệt. Cảm xúc của tôi lúc đó thật khó tả, vừa cảm nhận được sự đáng yêu của con trẻ, vừa thấy thương các bé rất nhiều. Cho đến bây giờ, đây là bức ảnh duy nhất tôi đưa lên báo mà có mặt mình.
Tôi vẫn luôn cảm thấy day dứt, ám ảnh bởi những ánh mắt trẻ thơ trong hoàn cảnh đặc biệt đó. Mong rằng, những người lớn trước khi làm điều gì hãy luôn nghĩ đến những đứa con của mình, đừng để chúng vì mình mà mất đi tuổi thơ hạnh phúc!
Theo Nguyễn Hường/Người Đưa Tin