Đến nay loạt vết nứt trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) tiếp tục lan rộng và sâu hơn rất nhiều so với lúc phát hiện (cách đây 4 ngày). Có điểm sạt trượt từ 2-3m, chia cắt làn đường dành cho xe gắn máy và xe thô sơ, thậm chí vết nứt còn lan sang làn đường dành cho ô tô. Nhìn từ trên cao, vết nứt trên như nhát dao bị phay mạnh từ trên đồi xuống, lan dần xuống khu dân cư.
Cũng tại phường Nghĩa Thành, một bồn chứa xăng thuộc Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Minh Phương 3 ở đường Tôn Đức Thắng bất ngờ trồi lên mặt đất khoảng 1,2m. Theo cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, mấy ngày qua ở Gia Nghĩa xuất hiện mưa lớn kéo dài, khả năng phía dưới bồn chứa xăng có mạch nước ngầm nên đã đẩy bồn trồi lên mặt đất.
|
Vết nứt trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa, Đắk Nông) tiếp tục lan rộng
|
Tại bon (buôn) Bu Krắk (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), loạt vết nứt xuất hiện sau tiếng nổ lớn trong đêm 31/7 và rạng sáng 1/8 cũng đang diễn biến phức tạp. Vết nứt lan rộng (đến nay hơn 1,5 cây số) và tiếp tục mở rộng hàng chục xăng-ti-mét. Trong khi đó, trên địa bàn xã còn có mưa, chính quyền địa phương nhận định khả năng sụt lún, nứt gãy đất sẽ còn nên tiếp tục sơ tán dân. Đến nay, chính quyền đã cho di dời 66 hộ dân với 222 nhân khẩu ở 2 bon Bu Krắk và Bu Prăng ra khỏi khu vực nứt lún; đồng thời lên phương án đề xuất tái định cư cho bà con.
Một “điểm nóng” về tình trạng sạt trượt ở Đắk Nông đang được theo dõi sát sao là khu vực hồ thủy lợi bon Đắk N’ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long). Hồ này có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, đã được xây dựng hoàn thành và chuẩn bị nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng thì khu vực đập tràn bất ngờ xuất hiện nứt lún vào ngày 2/8. Các vết nứt tiếp tục lan rộng, nứt gãy. Cây cầu bắc qua chân đập Đắk N’Ting cũng hư hỏng, dịch chuyển, mặt đường gần cầu có các vết trồi lún, đẩy mặt đường bê tông lên. Chính quyền huyện Đắk G’long đã di dời khẩn cấp 34 hộ dân vùng hạ du. Chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông) đã cho xả hết van đáy hạ mức nước hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị tư vấn, thiết kế cùng theo dõi, xây dựng phương án khẩn cấp, kể cả trong tình huống xấu nhất (vỡ đập).
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, tính đến ngày 5/8, mưa lũ làm 2 người chết; hơn 110 hộ dân phải di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, sụt lún cao; 147 căn nhà bị ngập; 646 ha cây trồng, gần 215 ha ao nuôi bị ngập…
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong phòng, chống thiên tai; tập trung theo dõi các khu vực có nguy cơ trượt sạt cao, kịp thời di dời người dân đến nơi an toàn.
Theo HUỲNH THỦY/Tiền Phong