Sáng 17/7, sau khi tạm dừng gần 2 tiếng, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục ngày làm việc thứ 5 với phần công bố quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với 54 bị cáo của VKS. Trước đó, vào sáng cùng ngày, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy thông báo luật sư hỗ trợ các bị cáo trong việc cung cấp các tài liệu liên quan đến việc nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án đến bàn thư ký làm việc. Để tạo điều kiện cho luật sư và các bị cáo thực hiện việc "cập nhật" tiền khắc phục hậu quả vụ án nên HĐXX tạm dừng phiên tòa.
|
Toàn cảnh phiên tòa. |
Trong 54 bị cáo, có 23 cựu quan chức bị cáo buộc nhận hối lộ, trong đó 18 người bị truy tố khung hình phạt tử hình. 21 người bị cáo buộc đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay giải cứu, những người còn lại bị cáo buộc môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cựu Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và 3 bị cáo bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” theo khoản 4 Điều 365 Bộ Luật hình sự với mức hình phạt tù từ 8 năm đến 15 năm tù.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái cùng 3 thuộc cấp bị truy tố "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo khoản 3 Điều 356 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 10 năm đến 15 năm tù. Bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu Trưởng phòng Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an (từng là điều tra viên trong vụ án này) bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bị cáo Trần Minh Tuấn - Giám đốc Công ty Thái Hòa bị truy tố về 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ Luật Hình sự và tội “Đưa hối lộ” theo khoản 3 Điều 364 Bộ Luật hình sự.
Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Lợi dụng chủ trương trên, một số cá nhân thuộc các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ cấp phép chuyến bay, cách ly ở địa phương và một số cá nhân đại diện doanh nghiệp, cùng một số đối tượng khác đã thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Trong đó, Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.
Từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao, nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10,4 tỷ đồng. 23 bị cáo là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ hơn 226,7 tỷ đồng; 4 bị cáo môi giới hối lộ số tiền hơn 74,4 tỷ đồng và 2 bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 24,5 tỷ đồng.
>>> Xem thêm video: Báo cáo rõ vụ Việt Á và chuyến bay giải cứu sau giám sát
Gia Đạt