Nhắc đến những đỉnh núi cao, người ta hay nghĩ đến Fansipan và những mỏm núi xung quanh, cao trên dưới 3.000m. Đây là những mỏm núi cao nhất Đông Dương. Ở độ cao này, khí hậu và địa chất khá đặc thù, quanh năm lạnh giá, nên chỉ có những loài thực vật đặc thù sống được. Trong số những loài thực vật đặc hữu, có không ít dược thảo quý hiếm, mà những vùng thấp không có.
Thế nhưng, ít ai biết rằng, ở phía tây của đỉnh Fansipan huyền thoại, của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, cũng có những mỏm núi quanh năm chìm nghỉm trong mây xanh, chỉ thấp hơn Fansipan một chút. Những dải núi ấy xa xôi tận cùng Tổ quốc, nên ít được khám phá và những loài đặc hữu, quý hiếm vẫn còn sót lại.
Mường Tè là vùng đất tận cùng Tổ quốc, thuộc tỉnh Lai Châu. Suốt từ huyện Tam Đường, Phong Thổ, ngay sau đỉnh Fansipan qua Sìn Hồ, đến tận Mường Tè, giáp biên Trung Quốc là những dải núi cao chất ngất.
|
Lương y Phạm Văn Thanh với cây tiết trúc sâm cực kỳ quý hiếm. |
Xã Pa Vệ Sủ thuộc huyện Mường Tè, nằm dưới chân đỉnh Pu Si Lung huyền thoại, cao 3.083m so với mặt nước biển. Từ đồn Pa Vệ Sủ, phải đi bộ 3 ngày mới lên đến đỉnh Pu Si Lung, rồi mất thêm 2 ngày trở về. Cả dải núi xa xôi hùng vĩ, chỉ có người La Hủ sinh sống.
La Hủ là dân tộc thiểu số, được Nhà nước quan tâm đặc biệt để bảo tồn nòi giống. Những con đường xe máy dốc ngược trên độ cao 2.000m đã đến được với những bản La Hủ, để đưa họ ra khỏi rừng già, tiến gần hơn với thế giới văn minh.
Tôi và lương y Phạm Văn Thanh cùng mấy thanh niên La Hủ gùi đồ và dẫn đường ở bản Sín Chải A cuốc bộ 2 ngày trời, thì đến cánh rừng nguyên sinh, trên độ cao 2.000m. Ở độ cao này, quanh năm giá lạnh, mây mù, độ ẩm cao, nên thân cây rêu mốc như khu rừng trong cổ tích.
|
Tác giả bên cây tiết trúc sâm. |
Là người đi rừng nhiều, rất rành về các loài thảo dược quý, nên nhìn chất đất, cảm nhận khí hậu, lương y Thanh tin rằng sẽ tìm được nhiều loại thảo dược quý. Tôi và lương y Thanh không theo đoàn chinh phục Pu Si Lung nữa, mà dựng trại và tìm vào khu rừng đặc biệt này.
Sớm tinh sương, khi mặt trời vừa ló dạng, thì tôi và lương y Thanh vạch rừng xuyên vào đại ngàn thâm u, cứ theo dải núi ở độ cao 2.000m mà đi. Ở bình độ này, với những cánh rừng chưa có dấu chân người, rất dễ tìm thấy những quần thể sâm.
Cuốc bộ từ sáng sớm đến trưa, chỉ toàn lần lục trong khu rừng già, thâm u, thì lương y Thanh ngồi trên một tảng đá và bảo tôi quan sát xung quanh, xem có thấy thứ gì quý không. Lần lục khu vực cây bụi phía trước mặt, nơi cây cổ thụ thưa thớt, cỏ hoang mọc nhiều, thì tôi chợt giật mình, khi nhận ra một quần thể toàn là thất diệp nhất chi hoa, tức cây bẩy lá một hoa.
Những cây thất diệp nhất chi hoa to nhỏ, mọc xen lẫn nhau, tạo thành một quần thể. Cây lớn cao quá đầu người. Theo lời lương y Thanh, thì chính cây lớn này, hàng năm ra hoa, kết quả, đã phát tán thành một quần thể. Gốc thất diệp lớn đó, có thể cho củ nặng cả ký. Rất may, khu vực rừng sâu hun hút này, chưa có dấu chân người, giới săn lùng thảo dược còn bỏ sót, nên quần thể thất diệp mới còn đến ngày nay.
|
Quần thể thất diệp nhất chi hoa. |
|
Tác giả bên một cây thất diệp nhất chi hoa. |
Chợt nhớ lại hồi năm 2009, khi tôi, lương y Phạm Văn Thanh và người rừng Trần Ngọc Lâm, chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh, nóc nhà Đông Bắc Việt Nam, thuộc tỉnh Hà Giang. Tôi đã mất tổng cộng 5 năm, với 4 lần thất bại trong cuộc chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Bắc, thuộc huyện Hoàng Su Phì. Tây Côn Lĩnh không cao bằng những đỉnh núi ở Tây Bắc, cũng không quá xa, nhưng không có người dẫn đường, nên không lên nổi. Đồng bào Mông ở đó sợ khu rừng có ma, sợ có hổ, sợ có mìn sót lại hồi Chiến tranh biên giới, nên không dám vào.
Khu rừng hoang sơ, nên còn nhiều thảo dược quý. Anh Thanh và ông Lâm đã phát hiện ra quần thể thất diệp nhất chi hoa, mà người Dao Đỏ ở Tây Bắc thường gọi là củ rắn cắn. Sở dĩ, nó có tên như vậy, vì từ lâu đời, người dân tộc sử dụng nó chữa rắn cắn. Nó có tác dụng giải độc mạnh.
|
Cạo nhẹ lớp đất lộ ra phần củ như con sâu của tiết trúc sâm.
|
Thời kỳ đó, người Việt gần như chưa biết đến thảo dược quý này. Chỉ có một số nhà khoa học nghiên cứu về nó. Tuy nhiên, người Trung Quốc vẫn âm thầm thu mua nhiều năm với giá rất rẻ. Họ thu mua ở Việt Nam đến cạn kiệt rồi trồng ở nước họ. Sau bài viết ấy, thì người Việt mới nhận thức được giá trị của thất diệp nhất chi hoa, và người Việt mới sử dụng nó để tăng cường sức khỏe, trị bệnh hiểm nghèo.
Lương y Thanh lách chân, vạch đám thất diệp nhất chi hoa, rồi chỉ vào một khóm cây nhỏ, với những chiếc lá xòe làm 5 cánh. Tôi sững người, khi nhận ra, đó chính là tiết trúc sâm. Cào lớp đất mùn bề mặt, thì thấy phần củ như con sâu bò lổm ngổm.
Lương y Thanh, với kinh nghiệm đi rừng nhiều, anh khẳng định rằng, sự xuất hiện tiết trúc sâm ở khu rừng chưa có dấu chân người, báo hiệu rằng, sẽ có một quần thể.
Đúng như đự đoán của lương y Thanh, chốc lát chúng tôi lại gặp một vài cây sâm tiết trúc mọc lẫn với đám cây bụi, ở những khu vực thoáng, nơi có ánh sáng yếu ớt lọt xuống vào một thời điểm ngắn trong ngày.
|
Sâm tiết trúc ruột đen đặc trưng với thân cây màu tím thẫm. |
|
Tiết trúc sâm ruột đen này còn được đánh giá cao hơn cả sâm Ngọc Linh. |
Loài tiết trúc sâm không chỉ kén đất, kén khí hậu, mà còn kén cả thời tiết. Nó không sống được ở bóng râm hoàn toàn, không sống được dưới ánh nắng chói chang, mà chỉ phù hợp với khu vực có ánh nắng vừa phải, hoặc chỉ chịu được một thời gian ngắn dưới ánh mặt trời. Dựa vào những đặc điểm sinh thái đó, nên lương y Thanh biết chỗ để phát hiện ra sự có mặt của tiết trúc sâm, giữa khu rừng mênh mông chen chúc cả trăm loài thực vật.
Nhìn những chiếc lá giống hệt sâm Ngọc Linh hoang dã và cả sâm trồng ở vùng Nam Trà My (Quảng Nam), tôi không khỏi ngạc nhiên. Gạt lớp đất phủ một củ sâm, tôi dùng móng tay cấu nhẹ một miếng ở u mấu, thì lộ ra màu tím thẫm, đến mức gần như màu đen. Nhai miếng sâm nhỏ xíu thì thấy vị đắng, rồi vị ngọt hậu quấn quyện ở đầu lưỡi, cuống họng. Thêm một lần nữa kinh ngạc, khi lần đầu tiên được tận mắt củ tiết trúc sâm quý như vàng ròng, vô cùng hiếm hoi, ở khu rừng bị lãng quên này. Loài sâm này, là anh em gần nhất của sâm Ngọc Linh hoang dã, thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả sâm Ngọc Linh hoang dã hiện có giá hàng trăm triệu đồng một kg ở dãy núi Ngọc Linh huyền thoại.
Theo Phạm Ngọc Dương/VTC News