Theo Tiền Phong, nhóm của "bác sĩ Khoa" với người có tên Phong Lam thường dựng lên những câu chuyện lấy nước mắt cư dân mạng, từ đó kêu gọi quyên góp từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh mà nhóm này tự vẽ ra.
Điển hình như câu chuyện một bà cụ bán vé số không nơi nương tựa, sau khi chồng và con mắc bệnh ung thư qua đời, bà cụ sau đó cũng bị đột tử được nhóm này đăng lên mạng kêu gọi ủng hộ tiền làm đám tang, hay như câu chuyện bản thân Lam bị ung thư máu từ nhỏ, người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra và được ba hiến tủy để cứu sống…Tất cả nhằm mục đích kêu gọi từ thiện dưới danh nghĩa quỹ ung thư 82, kèm số tài khoản của một người tên Nguyễn Thị Minh Thy ở Bến Tre, nhiều người đã chuyển tiền ủng hộ.
Do đó, câu chuyện về “bác sĩ Khoa” rút ống thở của mẹ để nhường sự sống cho sản phụ nguy kịch sắp sinh lan trên facebook được cho rằng cũng là một trong vô số những chiêu lừa đảo đó.
|
"Bác sĩ Khoa" lấy cắp hình PGS ở Singgapore.
|
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nhóm đối tượng trên theo quy định của pháp luật.
Luật sư Cường phân tích, người Việt Nam hay cả tin và giàu lòng thương người cùng với việc thông tin trên mạng xã hội không được kiểm chứng, khó kiểm soát nên có rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của nhóm đối tượng như thế này. Bởi những người nhẹ dạ cả tin, sống bằng cảm xúc rất dễ bị các đối tượng lừa đảo khi đánh vào lòng trắc ẩn, tình thương con người.
Tuy nhiên, với những người có hiểu biết, từng trải, am hiểu về pháp luật, không dễ dàng tin vào những câu chuyện như trên. Bởi mỗi một thông tin, nguồn tin chỉ là một sự kiện, một dữ liệu là cơ sở để thu thập thêm các thông tin khác, làm cơ sở để kết luận sự việc là đúng hay không.
Có thể thấy, bài đăng trên FB Trần Khoa kể một câu chuyện mùi mẫn cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở. Câu chuyện được nhiều người thêm thắt, chia sẻ khiến nhiều người tiếp cận, tỏ lòng thường xót và ủng hộ.
Song khi đọc kỹ nội dung đăng tải, không khó để phát hiện câu cú, văn phong có vấn đề, sự việc trong câu chuyện khó có thể diễn ra trong đời sống thực tế vì không phù hợp với đạo đức xã hội và pháp luật. Chuyện người điều trị COVID-19 nặng lại bố trí cùng khu vực với sản phụ là phi lý. Bởi việc bố trí khu điều trị, bác sĩ điều trị, phân loại mức độ diễn biến bệnh nặng được TP HCM và các địa phương thực hiện bài bản. Bác sĩ điều trị COVID-19 có trình độ chuyên môn và được phân công công việc khác với bác sĩ khoa sản. Không cơ sở y tế nào nhẫn tâm để cho bác sĩ tự tay rút ống thở của chính cha mẹ mình, kể cả trường hợp họ không còn cơ hội sống nữa... Bên cạnh đó, nhiều người đã tìm thấy điểm sơ hở như bức ảnh em bé là bức ảnh do bác sĩ Thịnh đăng lên mạng xã hội từ 21/7. Người trong ảnh đại diện nick "Trần Khoa" lại là một vị phó giáo sư (PGS) đang sống tại Singapore.
Đây chỉ là nội dung được hư cấu, thêu dệt để lấy lòng thương, lừa gạt mọi người là bác sĩ này đã không lựa chọn cha mẹ mình và thực tế Sở Y tế TP HCM, trung tâm xử lý tin giả của Việt Nam đã khẳng định thông tin trên là giả.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng và cộng đồng mạng kịp thời điều tra, xác minh, phát hiện ra những yếu tố bất thường và kết luận đây là tin giả trước khi nhiều người mất tiền đối với các đối tượng này.
“Sự việc diễn ra vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, rất nhiều bác sĩ, lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh vất vả, hy sinh cuộc sống cá nhân, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình cần được động viên, giúp đỡ, ủng hộ, những thông tin giả mạo, gian dối để chiếm đoạt tài sản như thế này khiến cho thật giả lẫn lộn, gây tổn thương đến tình cảm và niềm tin của con người vào lòng trắc ẩn”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Dẫn thông tin về việc nhóm đối tượng này có nhiều người, sử dụng nhiều tài khoản Facebook, đưa ra nhiều câu chuyện mủi lòng để đánh vào tâm lý, tình thương của mọi người rồi đề nghị quyên góp ủng hộ, chiếm đoạt tài sản, luật sư Cường cho rằng, với sức lan tỏa nhanh chóng của các câu chuyện này, chắc chắn sẽ có rất nhiều người đã mắc lừa và chuyển tiền cho nhóm đối tượng này.
Do đó, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 để tiếp tục điều tra làm rõ thông tin về đối tượng phạm tội, khi có đầy đủ thông tin về đối tượng thì sẽ khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với các đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đăng thông tin công khai về phía cơ quan điều tra để những nạn nhân cung cấp thông tin, trình báo sự việc làm căn cứ giải quyết vụ án.
Theo quy định của pháp luật, hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi lừa đảo. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015. Số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng lừa đảo sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Các đối tượng trong vụ án này sẽ phải bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội; Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội... nên chế tài đối với nhóm đối tượng này sẽ rất nghiêm khắc, mức hình phạt cao nhất có thể đến tù chung thân theo Điều 174 Bộ hình sự năm 2015.
“Hành vi lừa đảo như vậy ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, làm suy giảm lòng tin và sự tự tế của con người, làm xói mòn đạo đức xã hội. Sự việc khiến người ta nghi ngờ vào lòng tốt và sự tử tế trong con người, làm cho con người trở nên hoài nghi lẫn nhau, những người gặp khó khăn hoạn nạn thực sự thì sẽ ít có cơ hội được người khác giúp đỡ.
Bởi vậy, việc phát hiện, xử lý nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản này là rất cần thiết để đảm bảo giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến uy tín của các bác sĩ, ngành y tế và lực lượng chống dịch. Mọi hành vi lợi dụng dịch bệnh để phạm tội đều sẽ xử lý nghiêm minh theo tinh thần của văn bản số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao.”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Mới đây, cư dân mạng đã tìm ra người trong ảnh đại diện nick "Trần Khoa" lại là một vị PGS đang sống tại Singapore. Theo đó, nhân vật trong ảnh đại diện tên là Toh Wei Seong, là bác sĩ chuyên khoa Nha khoa, đồng thời là PGS đang làm công tác nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Sinh học tế bào gốc và tái tạo mô, Đại học Quốc gia Singapore. PGS Toh Wei Seong từng tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Melbourne (Úc), sau đó ông về nước và lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore, nơi mà ông gắn bó tới hiện tại.
Đáng chú ý, các thành viên mà “bác sĩ Khoa” sau khi đăng bài rồi tag các facebook như PhongLam, Thy Nguyễn… vào đều đã “biến mất”. Trước đó, tất cả những facebook trong nhóm đều có chung một đặc điểm, phần lớn là lấy hình của các giáo sư đầu ngành về y khoa của Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) hay Úc ghép vào.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM lên tiếng khẳng định thông tin "Bác sĩ Khoa rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ" lan truyền trên mạng xã hội là không đúng sự thật. Sở Y tế TP.HCM cho biết tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố không hề có việc rút ống thở để nhường cho bệnh nhân, cũng không có "Bác sĩ Khoa" nào công tác ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
>>> Mời độc giả xem thêm video Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.
Hải Ninh