Đây thực sự là một cuộc chiến khốc liệt
Hơn 40 ngày tham gia chống dịch tại TP HCM là những tháng ngày thật đặc biệt với thiếu tá, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác. Được gần dân, cùng dân chiến đấu với dịch bệnh là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy vinh dự và tự hào đối với bác sĩ Tuấn cũng như các đoàn tình nguyện hỗ trợ TP HCM chống lại đại dịch COVID-19.
|
Những hình ảnh này là những ký ức không bao giờ quên. |
Cùng 40 cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác vào miền Nam làm nhiệm vụ chống dịch từ sáng ngày 23/8/2021, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn với vai trò trưởng đoàn công tác đã hứa phát huy cao nhất năng lực, trình độ chuyên môn, y đức của người thầy thuốc quân đội nhân dân sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chung tay, nhanh chóng khống chế thành công đại dịch COVID-19 tại TP HCM khi đó đang diễn biến rất phức tạp.
“Đã vào đến tận tuyến đầu, danh dự không cho phép người lính bỏ cuộc dù khó khăn, thách thức đến đâu. Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là cuộc chiến đặc biệt, không tiếng súng mà vẫn có thương vong, trong trận chiến dù không cầm súng nhưng khi đó chúng tôi tin chắc chắn sẽ chiến thắng trở về”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Vào nam trong những ngày dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh nhất, ngay khi đến nơi, tổ công tác đã phân chia thành nhiều nhóm, sẵn sàng cho công tác cứu trợ, chống dịch tại các điểm nóng. Biển chữ “tổ quân y cơ động” được dán ngay tại “tiền đồn”. Lực lượng quân y cơ động do bác sĩ Tuấn phụ trách tham gia vào tất cả các mặt trận ở khu vực phía Nam.
|
Thiếu tá, tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác |
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đóng quân tại tổ quân y cơ động 316 (phường 1, quận 8, TP HCM). Những ngày đầu, các chiến sĩ quân y tiến hành xét nghiệm diện rộng cho các quận vùng đỏ, rà soát ca lây nhiễm, đồng thời cấp phát thuốc cho người dân, cấp cứu các trường hợp được thông báo và trực tiếp cứu trợ tại các điểm nóng.
Nhớ lại thời điểm lên đường cấp cứu F0 điều trị tại nhà, bác sĩ Tuấn chia sẻ, mỗi tổ công tác quản lý 50 đến 100 F0, hàng ngày đi khám cấp cứu, chuyển tuyến cho từ 5 đến 10 trường hợp. Các bác sĩ phải chui vào hang cùng ngõ hẻm của khu gầm cầu, ổ chuột nghèo nhất thành phố. Khoảng 5,6 nhà, mỗi nhà từ 4 đến 6 người chung một lối đi 60cm, mùi cực kỳ ẩm thấp, muốn lên gác lửng vào nhà có 2/5 người là F0 đang điều trị phải đi thang ngoài trời, bệnh nhân khó thở, chỉ số SpO2 dưới 90%, nhờ tổ công tác bệnh nhân sau đó được chuyển lên viện dã chiến điều trị.
Bên cạnh trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Tuấn cùng các chiến sĩ quân y còn tham gia công tác phân phát lương thực, vận chuyển bình oxy và túc trực luân phiên hàng đêm. Tổ quân y luôn trực 24/24h thăm khám, tư vấn, cấp cứu điều trị cho người dân. “Mưa hay nắng, ngày hay đêm hễ dân cần là có tổ quân y cơ động” là khẩu hiệu của tổ công tác. Dù nỗ lực tiến hành cấp cứu, điều trị nhưng cũng có lúc đau xót khi người bệnh không qua khỏi.
Sau 2 tuần đầu tiên của đợt công tác, những tín hiệu tích cực về tốc độ lây lan nhiễm bệnh đã giảm xuống đáng kể. Từ giữa tháng 9/2021, có những thời điểm 2 ngày không có cuộc gọi cấp cứu nào, công việc của các bác sĩ chỉ còn đi phát thuốc cho các F0.
“Không còn những buổi cấp cứu đêm tại các hẻm sâu ngõ cụt. Không còn những cuộc chạy khi đang dang dở bữa cơm. Không còn những tiếc nuối khi không thể giữ được sinh mạng. Không còn những ca chuyển viện khẩn cấp trong đêm. Cảm giác của tổ quân y khi đó rất nhẹ nhàng so với thời điểm mới vào”, bác sĩ Tuấn nhớ lại.
Trong những ngày tháng không quên ấy, ấn tượng nhất với bác sĩ Tuấn chính là tình quân dân thắm thiết.
“Chúng tôi vào để điều trị cho các F0 tại nhà, vừa vào tổ dân phố mọi người đều tận tình chỉ bảo, hướng dẫn giúp đỡ. Người đưa chai nước, người gửi nước lau sàn nhà, ấm siêu tốc, người mang lạng chè, người mang đá lạnh. Khi vừa ăn cơm do tổ dân phố phát xong thì được nguyên nồi chè do con gái bác chủ nhà đối diện mang qua. Thực sự cảm thấy tình quân dân sao tuyệt vời đến vậy”, bác sĩ Tuấn nhớ lại.
Tạm biệt Sài Gòn với những ký ức không thể nào quên, bác sĩ Tuấn xúc động: “Hơn 40 ngày từ khi chúng tôi vào đây, khi Sài Gòn thực sự khó khăn nhất đến khi Sài Gòn đang hồi sinh, tuy vẫn còn không ít khó khăn phía trước. Những ngày tháng đó thật đặc biệt”, bác sĩ Tuấn nói.
Dù đã trở lại với công việc bình thường nhưng những hình ảnh về cuộc chiến đã qua, những biểu tượng về tình quân, dân tại TP HCM sẽ luôn là kỷ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất với bác sĩ Tuấn và các y, bác sĩ, tình nguyện viên tăng cường hỗ trợ thành phố chống lại đại dịch cam go.
Khó khăn, gian khổ vẫn sẵn sàng lên đường
Tối 30/6/2021, với 324 cán bộ, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là một ngày đáng nhớ khi được Bộ Y tế huy động chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch. Trong số đó, Chu Minh Đức (sinh năm 2001), sinh viên lớp Xét nghiệm 12A, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương có nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi chống dịch 3 lần. Khi nhận nhiệm vụ chi viện cho TP HCM, Đức khá lo lắng vì nhiệm vụ khó khăn hơn nhưng vẫn sẵn sàng lên đường với hi vọng góp một phần công sức để đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời có thêm cơ hội để học hỏi, làm quen với công việc liên quan ngành học.
Tại TP Hồ Chí Minh, Đức được phân công lấy mẫu xét nghiệm ở phường 27, quận Bình Thạnh. Mỗi ngày, nhóm của nam sinh lấy mẫu cho khoảng 200-300 người dân. Thời gian này, số ca nhiễm trong thành phố tăng, các sinh viên của đoàn tình nguyện đều lo lắng, áp lực. Nhưng với tinh thần của sinh viên ngành y, tất cả đều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ấn tượng nhất với Đức là hình ảnh người dân TP Hồ Chí Minh nhiệt tình và phối hợp với nhân viên y tế.
Triệu Thị Linh, sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương có hơn 100 ngày tình nguyện tham gia chống dịch ở các điểm nóng tại Bắc Giang, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh...cho biết, dù dịch bệnh rất nguy hiểm nhưng chị xác định đây là nhiệm vụ của những "chiến sĩ áo trắng" nên sẵn sàng tham gia. Đây cũng là những trải nghiệm quý báu cho các sinh viên để làm tốt công tác chuyên môn sau này.
|
Cán bộ, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương từng nhiều lần lên đường hỗ trợ các địa phương chống dịch. |
Ngô Thị Hường, sinh viên lớp Xét nghiệm 12A, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương tâm sự, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với sứ mệnh sinh viên trường y, chúng em tình nguyện tham gia chống dịch. “Nếu ai đó hỏi chúng em có sợ hãi, có lo lắng không thì em sẽ nói rằng “có chứ !”. Em có sợ hãi, em có lo lắng, em có muộn phiền, em có cả sự nhụt chí. Dẫu sao chúng em là những cô cậu thanh niên đang chập chững trưởng thành. Thời gian chống dịch vừa qua, biết bao những kỉ niệm vui buồn trong đời sinh viên”.
“Dù biết bao lần kiệt sức, biết bao lần ướt đẫm áo quần vì mặc đồ bảo hộ trong nắng nóng, có khi là cả nước mắt đã rơi xuống nhưng vẫn không thể đánh gục được tinh thần của các sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương Chính những ngày tháng ấy giúp chúng em trưởng thành hơn, thanh xuân của chúng em có một dấu ấn sẽ mãi không bao giờ quên được”, Nguyễn Thị Vân, lớp xét nghiệm 12A chia sẻ.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19:
Hải Ninh