Sau hai tháng áp dụng mức điều chỉnh quy định về phí tham quan tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố, nhiều khách tham quan và học sinh, sinh viên trở nên e ngại hơn khi đến với các di tích, các công ty du lịch cũng đã phải cân đối, tính toán lại chi phí tour.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, việc tăng giá vé tham quan cần nghiên cứu kỹ và có lộ trình thích hợp.
|
Tăng giá vé tham quan tại Văn Miếu. |
Theo PGS.TS Bùi Thị An, việc tăng giá vé tham quan di tích, thắng cảnh để tăng chất lượng dịch vụ cho du khách là cần thiết. Nhưng thời điểm tăng giá vé cũng cần được bảo đảm hài hòa cùng lợi ích của người dân.
Cần nghiên cứu kỹ và có lộ trình thích hợp, bởi thời điểm này Hà Nội đang xây dựng là điểm đến hấp dẫn, cần làm cho người dân hiểu thêm về truyền thống, lịch sử Thủ đô.
Cũng theo PGS Bùi Thị An, hiện nay, các điểm di tích danh thắng Hà Nội đều tăng giá vé vào tham quan nhằm tránh quá tải du khách, ảnh hưởng tiêu cực đến sức sống của di sản cũng như có thêm nguồn lực bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đây cũng là xu thế chung của thế giới và Việt Nam, để mong muốn du khách thể hiện trách nhiệm của mình đối với di tích.
“Tuy nhiên, cần phải giải trình minh bạch, công khai các khoản thu, chi tại di tích và tính toán lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan, nhất là học sinh, sinh viên và các nhóm yếu thế khác trong xã hội để bảo đảm khả năng tiếp cận của họ đến di tích. Cần có những chính sách giá đặc thù như miễn, giảm giá vé cho những nhóm đặc biệt”, PGS Bùi Thị An chia sẻ.
>>> Mời quý độc giả xem video đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ (đoàn Hà Nội) nói về Luật Đất đai (sửa đổi):
Thiên Tuấn