Ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, sau một ngày tổ chức lại giao thông trên cầu Vĩnh Tuy theo phương án mới của Sở GTVT Hà Nội, sáng 19/10, nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung (quận Long Biên, Hà Nội) thông thoáng hơn hẳn, không còn tình trạng ùn tắc kéo dài như thường lệ.
|
Cầu Vĩnh Tuy. |
Trong khung giờ cao điểm 7h-8h, dòng xe cộ lưu thông dễ dàng theo hướng từ quận Hai Bà Trưng sang quận Long Biên và ngược lại.
Tại các lối lên, xuống cầu Vĩnh Tuy (đối diện số nhà 86 Đàm Quang Trung, quận Long Biên), các phương tiện đều lưu thông thuận lợi.
Theo người dân sinh sống hai bên tuyến đường Đàm Quang Trung, trước đây, tại nút giao Cổ Linh - Đàm Quang Trung thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào khung giờ cao điểm.
"Lưu lượng phương tiện lớn khiến khu vực này đông đúc, nghẹt thở vào mỗi buổi sáng cũng như vào giờ tan tầm. Từ khi cầu Vĩnh Tuy 2 được thông xe và phân luồng đã giảm ùn tắc giao thông cho khu vực, giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn", chị Hà (quận Long Biên) chia sẻ.
Trước đó,
Sở GTVT Hà Nội đã ban hành phương án phân luồng tổ chức giao thông trên cầu Vĩnh Tuy mới (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2) và cầu Vĩnh Tuy cũ (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 1). Phương án được đưa ra sau khi hạ tầng giao thông, biển báo được xây dựng, lắp đặt đồng bộ giữa hai chiều cầu và có hiệu lực từ ngày 18/10.
Theo đó, trên cầu Vĩnh Tuy mới (chiều Hai Bà Trưng - Long Biên), tổ chức giao thông một chiều theo hướng nội thành - QL5.
Tại chiều cầu này, mặt cầu được phân làn phương tiện theo hướng: 3 làn xe cơ giới - làn cạnh dải phân cách giữa với chiều rộng 3,75m/mỗi làn, tốc độ khai thác tối đa 60km/h; 1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) - làn cạnh lan can phải cầu với chiều rộng làn 4,8m, tốc độ khai thác tối đa 40km/h.
Giữa làn xe cơ giới với làn xe hỗn hợp được phân làn bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng dẫn phân làn xe ở hai đầu cầu.
Người và phương tiện đi 1 chiều hướng từ Hai Bà Trưng đi cầu Vĩnh Tuy mới qua 3 nhánh lên cầu gồm: từ đường đê Nguyễn Khoái theo hướng từ cầu Thanh Trì về cầu Vĩnh Tuy rẽ phải vào nhánh cầu CV1B với bề rộng làn xe 6m; đi theo đường đê Nguyễn Khoái, hướng từ cầu Chương Dương về cầu Thanh Trì muốn đi Long Biên rẽ phải theo nhánh CV1A lên cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2 với bề rộng làn xe 7m; đi từ đường Minh Khai và cầu cạn trên cao Vành đai 2 muốn đi Long Biên sẽ đi thẳng lên cầu Vĩnh Tuy - Giai đoạn 2.
Với chiều cầu Long Biên - Hai Bà Trưng (cầu cũ - giai đoạn 1), tổ chức giao thông một chiều trên mặt cầu theo hướng từ Long Biên đi Hai Bà Trưng và phân làn phương tiện theo các hướng gồm: 3 làn xe cơ giới - làn cạnh dải phân cách giữa với chiều rộng làn 3,75m/mỗi làn, tốc độ khai thác tối đa 60km/h; 1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) - làn cạnh lan can phải cầu với chiều rộng 4,8m, tốc độ khai thác tối đa 40km/h.
Các làn xe cơ giới với làn xe hỗn hợp được ngăn cách bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng dẫn phân làn trên giá long môn ở hai đầu cầu.
Ở chiều cầu Long Biên - Hai Bà Trưng, người và phương tiện ô tô lưu thông theo hướng Phố Trạm - ngõ 202 Cổ Linh - Cổ Linh - Đàm Quang Trung - cầu Vĩnh Tuy; cấm các phương tiện ô tô lưu thông từ Phố Trạm lên cầu Vĩnh Tuy đi trung tâm thành phố.
>>> Mời độc giả xem thêm video Loạt cầu vàng tại Việt Nam làm bấn loạn giới trẻ thời gian qua:
Thiên Tuấn