Toàn cảnh xét xử AVG - Mobifone trước nghị án: Thấy gì từ 13 bị cáo, án nào thuyết phục?

Google News

(Kiến Thức) - Phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua AVG đang bước vào phần nghị án. Dư luận đặt câu hỏi, từ các hành vi của các bị cáo trong các phiên xét xử vừa qua, mức án nào là thuyết phục.

Các bị cáo thừa nhận sai phạm, mong được khoan hồng
Ngày 24/12, phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đã kết thúc phần tranh luận và bước vào nghị án.
Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng TT&TT) thừa nhận sai phạm xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng và nhận ra vi phạm trách nhiệm người đứng đầu. Bị có gửi lời xin lỗi đến Tổng bí thư, Đảng, Nhà nước và nhân dân, cán bộ, đảng viên, công nhân viên ngành thông tin và truyền thông, MobiFone, gia đình các bị cáo khác. Đồng thời xin lỗi HĐXX, VKSND vì đã có những lời nói nhất thời, đã thay đổi lời khai về việc nhận hối lộ so với quá trình điều tra.
Bị cáo Son nói rằng, đây là bài học vô cùng đắt giá của cuộc đời. Bị cáo đã phải trả giá cho hơn 40 năm chiến đấu, công tác và mong được sống sau những năm cải tạo, để được trở về sống với vợ, con và các cháu.
Toan canh xet xu AVG - Mobifone truoc nghi an: Thay gi tu 13 bi cao, an nao thuyet phuc?
Các bị cáo trong phiên xét xử. Ảnh: TTXVN
Bị cáo Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT nói rằng trong 41 năm công tác, 10 năm quân ngũ, ông chưa bao giờ nghĩ có ngày phải đứng trước tòa và thừa nhận vai trò, vị trí của các bị cáo khác trong vụ án đã được cơ quan tố tụng làm rõ.
“Tôi thấy rằng sai phạm của mình thật lớn, như một nhát chém để lại vết sẹo trong tâm hồn tôi đến hết cuộc đời. Ngẫm lại thấy rằng con người không phải thánh nhân nên không thể tránh khỏi sai phạm. Nhưng sai phạm của tôi thật là nặng nề, thật đáng trách”, bị cáo Tuấn nói và gửi lời xin lỗi nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành Thông tin và Truyền thông, các đồng đội, bạn bè, người thân và gia đình.
Bị cáo Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch HĐTV Mobifone mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo có mức án khoan hồng và thành tâm xin lỗi, với những sai phạm của mình đã làm ảnh hưởng xấu đến thương hiệu Mobifone, phụ lòng tin của mọi người, gây dư luận xấu.
Bị cáo Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone nói rất đau xót khi nói lời sau cùng. “Hiện nay tôi đang thực thi bản án lương tâm”, bị cáo nói và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo Hồ Tuấn, nguyên thành viên HĐTV Mobifone nói bản thân đã nhận thức được vai trò và sai phạm của mình. Bị cáo Phạm Thị Phương Anh, nguyên Phó Tổng giám đốc Mobifone khóc và nói “việc truy tố là chính xác, không có ý kiến về tội danh”. “Việc đứng trước tòa là hình phạt rất nghiêm khắc và là bài học sâu sắc nhất, đau lòng nhất”...
Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son khắc phục 21 tỷ đồng
Tại phiên xử ngày 23/12, đại diện đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của các luật sư.
Nói về việc một luật sư có ý kiến quá trình điều tra Cơ quan điều tra đã “bưng bít thông tin” không thông báo lá thư bị cáo Son viết gửi vợ mà lại đưa vào hồ sơ vụ án, gây khó khăn cho bị cáo Son trong việc khắc phục hậu quả, VKS tiếp tục khẳng định, ông Nguyễn Bắc Son có ý thức khắc phục hậu quả nhưng gia đình không hợp tác, đồng thời công bố nội dung bức thư ông Son gửi vợ.
Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, việc luật sư cho rằng cơ quan điều tra “bưng bít thông tin” là không có căn cứ. Việc bị cáo Nguyễn Bắc Son không nộp lại số tiền 3 triệu USD nhận của bị cáo Phạm Nhật Vũ trong quá trình điều tra, truy tố, là do gia đình không hợp tác để nộp như nội dung bản cáo trạng số 89 ngày 17/10/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã nêu là hoàn toàn chính xác.
Cuối phiên xét xử chiều cùng ngày, thẩm phán Trương Việt Toàn thông báo đến thời điểm chiều 23/12, gia đình ông Nguyễn Bắc Son đã khắc phục được 21 tỷ đồng trong số 3 triệu USD ông Son nhận hối lộ.
Toan canh xet xu AVG - Mobifone truoc nghi an: Thay gi tu 13 bi cao, an nao thuyet phuc?-Hinh-2
 Bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Mức án VKS đề nghị đối với 14 bị cáo
Sáng 20/12, Viện kiểm sát đã trình bày quan điểm luận tội các bị cáo. VKS cho rằng kết quả điều tra, thẩm vấn công khai tại tòa xác định hành vi phạm tội của các bị cáo phù hợp với nội dung bản cáo trạng.
Theo đó, trong quá trìnhTổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ TT&TT và Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá. Sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng.
VKS cho rằng, các bị cáo hầu hết giữ chức vụ cao nhưng đã lợi dụng chức trách nhiệm vụ được giao, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước. Hành vi của các bị cáo xâm phạm đến uy tín, ảnh hưởng niềm tin của quần chúng nhân dân, tạo ra dư luận xấu cho xã hội. Đồng thời, biểu hiện một phần của tệ nạn tham nhũng, hậu quả không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn gây bức xúc, giảm niềm tin của quần chúng nhân dân.
Toan canh xet xu AVG - Mobifone truoc nghi an: Thay gi tu 13 bi cao, an nao thuyet phuc?-Hinh-3
Bị cáo Lê Nam Trà. Ảnh: TTXVN 
VKS đề nghị mức án 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình tội Nhận hối lộ với bị cáo Son. Hình phạt chung, VKSND đề nghị HĐXX tuyên với ông Son là tử hình.
Ông Trương Minh Tuấn bị đề nghị 6-7 năm tù tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 8-9 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng mức đề nghị 14-16 năm tù.
Ông Lê Nam Trà bị đề nghị 7-8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng hình phạt 23-25 năm tù. Cao Duy Hải bị đề nghị 4-5 năm tù tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 10-11 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng mức án đề nghị là 14-16 năm tù.
Với tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Phạm Đình Trọng bị đề nghị 5-6 năm tù; Phạm Thị Phương Anh 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Nguyễn Mạnh Hùng 2 năm 6 tháng-3 năm tù; Nguyễn Bảo Long 2 năm 6 tháng-3 năm tù; Nguyễn Đăng Nguyên 2 năm-2 năm 6 tháng tù; Phan Thị Hoa Mai 3 năm-3 năm 6 tháng tù; Hồ Tuấn 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Võ Văn Mạnh 4-5 năm tù; Hoàng Duy Quang 3-4 năm tù. Với tội Đưa hối lộ, ông Phạm Nhật Vũ bị đề nghị 3-4 năm tù.
Làm rõ điều kiện “cần và đủ” trong thương vụ mua AVG
Tại phiên xét xử ngày 18/12, các luật sư tham gia xét hỏi các bị cáo, làm rõ những điều kiện “cần và đủ” để hoàn tất việc MobiFone mua AVG.
Trong thương vụ MobiFone mua AVG, điều kiện đầu tiên bắt buộc phải có là Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone (thể hiện tại Quyết định số 236 do Trương Minh Tuấn ký). Sau khi có Quyết định 236, điều kiện tiếp theo phải có là đại diện MobiFone ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG (do Lê Nam Trà ký ngày 25/12/2015). Đây là hai điều kiện “cần và đủ” bắt buộc phải có thì việc chuyển nhượng cổ phần mới hoàn tất, việc thanh toán tiền mua AVG mới được triển khai và như vậy thương vụ mới diễn ra trót lọt.
Đáng chú ý, ông Son trực tiếp chỉnh sửa, duyệt nội dung dự thảo Quyết định 236, nhưng lại không ký mà chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn ký. Tại tòa, ông Son lý giải, đã giao dự án này cho ông Trương Minh Tuấn từ đầu nên việc để bị cáo Tuấn ký là hợp lý.
Tuy nhiên, bị cáo Trương Minh Tuấn khai việc bị cáo ký Quyết định 236 là theo bút phê của bị cáo Nguyễn Bắc Son nên mới ký bởi bị cáo xác định đây không phải là thẩm quyền của mình, cũng không phải các lĩnh vực mà bị cáo được giao phụ trách.
Bị cáo Trà khai, việc ký Thỏa thuận và Hợp đồng này không có trong kế hoạch công tác tuần của MobiFone. Khi Lê Nam Trà ký thỏa thuận và Hợp đồng thì chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo thực hiện.
Đề nghị áp dụng triệt để tình tiết giảm nhẹ cho Phạm Nhật Vũ
Phiên xử vụ AVG ghi nhận sự vắng mặt liên tiếp của ông Phạm Nhật Vũ do gặp vấn đề sức khỏe. Cựu Chủ tịch AVG chỉ đến tòa ngày đầu khi được xét hỏi.
Khi ông Nguyễn Bắc Son phủ nhận việc nhận 3 triệu USD, tòa định đưa bị cáo Vũ trở lại tòa. Tuy nhiên, cựu bộ trưởng sau ít giờ đã rút lại lời khai nên cựu Chủ tịch AVG vắng mặt từ hôm đó.
Bị cáo Vũ đã chi 6,2 triệu USD cho các bị cáo Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà, Trương Minh Tuấn và Cao Duy Hải dù không thỏa thuận. Theo khai báo, đây là tiền cá nhân ông Vũ có được từ việc làm ăn khác. Sau này, khi hoàn trả gần 9.000 tỷ cho MobiFone, Phạm Nhật Vũ nói ngoài số tiền đã nhận từ thương vụ, ông còn tự nguyện bỏ thêm 450 tỷ để thanh toán các khoản khác phát sinh.
Trong bản luận tội, đại diện VKS trình bày trước khi khởi tố vụ án, bị cáo Vũ đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại, tự thú về hành vi Đưa hối lộ, tích cực cung cấp các tài liệu liên quan để làm rõ bản chất vụ án.
Xét các hoạt động từ thiện, đóng góp của bị cáo, đại diện cơ quan công tố cho rằng cần áp dụng triệt để quy định về nguyên tắc xử lý khoan hồng đối với người phạm tội để giảm nhẹ đáng kể hình phạt.
Trước đó, ngày 16/12, phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã diễn ra.
>>> Mời độc giả xem video Xét xử sơ thẩm vụ Mobifone mua AVG:

Nguồn: VTV 24.

Tâm Đức