Tới lúc nên sống chung với COVID-19?

Google News

Sống chung với dịch COVID-19 là ý kiến của nhiều người sau gần 2 năm Việt Nam chống chọi lại đại dịch. Nhiều chuyên gia cho rằng, để sống chung với đại dịch, chúng ta phải đảm bảo được điều kiện phủ sóng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc.

Làn sóng dịch COVID-19 đợt 4 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành. Số lượng ca mắc mới ghi nhận từ ngày 27/4 đến nay trên cả nước là 11.794 ca (tính đến 6h sáng 26/6). Nhiều tỉnh, thành có số lượng ca mắc mới lớn như TP HCM 2.958 ca, Bắc Giang 5.530, Bắc Ninh 1.599.
“Đã đến lúc, chúng ta cần phải sống chung với dịch COVID-19” – là ý kiến được đưa ra sau gần 2 năm cả nước chống chọi cùng đại dịch.
Toi luc nen song chung voi COVID-19?
 Nhiều chuyên gia cho rằng, để sống chung với đại dịch, chúng ta phải đảm bảo được điều kiện phủ sóng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc.
Thực tế trên thế giới đã có nhiều quốc gia tính đến phương án sống chung với COVID-19. Điển hình như Canada, Anh đang bước vào giai đoạn học cách chung sống với đại dịch. Hay tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore tính sống chung với COVID-19. Nhiều quốc gia cho rằng, COVID-19 không thể xóa sổ và “vẫn có thể chung sống bình thường với nó. Phương án sống chung với dịch COVID-19 được các quốc gia tính đến khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 được triển khai trên diện rộng, tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Ở Việt Nam đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, vừa tích cực, chủ động phòng chống dịch, vừa khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện mục tiêu kép được xem là một cách thức để cùng chung sống với đại dịch.
Tuy nhiên đến nay, để đạt đến việc chung sống an toàn với COVID-19  cần một điều kiện tiên quyết và hết sức quan trọng là tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 để tạo miễn dịch cộng đồng.
“Có thể chúng ta cần tính tới phương án ''sống chung với lũ'' – là ý kiến của bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP HCM chiều 25/6.
Dẫn số liệu tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM, hiện tại không có triệu chứng lên đến 68%, trong khi đó, thời gian đầu của đợt bùng phát dịch thứ 4 có đến 68% bệnh nhân có triệu chứng. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng chỉ ra điểm trái ngược này và nhấn mạnh các ca mắc COVID-19 chỉ điểm hiện nay hầu như không có triệu chứng hoặc "có nhưng mơ hồ".
Nhận định dịch COVID-19 lây qua nhiều thế hệ sẽ xuất hiện hai trạng thái: Độc lực tăng hoặc độc lực giảm, Giám đốc HCDC cho rằng, dịch ở thành phố đang có xu hướng thứ hai và phân tích nếu độc lực giảm, sự lây lan vẫn tồn tại nhưng người bị nhiễm không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
"Có thể chúng ta cần tính tới phương án 'sống chung với lũ'" - ông Dũng đề xuất và cho rằng thời gian tới, TP.HCM cần bảo vệ những nhóm người có nguy cơ, có bệnh nền. Còn những nhóm khác có thể coi là mắc cúm.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, sống chung với COVID-19 là khi chúng ta có đủ miễn dịch cộng đồng như một số nước như Mỹ, một số quốc gia ở châu Âu hay Israel đã tiêm phòng COVID-19 tốt hay như ở cộng đồng họ đã nhiễm rất nhiều. Ví dụ như ở Mỹ nhiễm gần 40 triệu người, người ta lại tiêm phòng đến 70%, việc mở cửa sống chung với dịch là bình thường.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà cho rằng, khi Việt Nam đã tiêm phòng vắc xin diện rộng, chúng ta hoàn toàn có thể chung sống an toàn với dịch COVID-19.
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: "Với tình hình dịch COVID-19 hiện nay ở Việt Nam không thể nói đến việc sẽ sạch bóng COVID-19. Bởi trong cộng đồng vẫn có thể có nhưng chúng ta phải duy trì như một đốm lửa, đừng để bùng phát thành đám cháy. Khi để bùng dịch với số lượng ca nhiễm lớn sẽ quá tải bệnh viện, bệnh nhân không được chăm sóc như các nước sẽ dẫn đến con số tử vong cao như Indonesia, Malaysia, Campuchia hay Thái Lan, tỷ lệ tử vong cao hơn Việt Nam. Nên chúng ta phải giữ làm sao để không xảy ra tỷ lệ tử vong cao mà vẫn làm ăn, phát triển kinh tế."
“Nguy cơ như hiện nay, bảo không có ca nào rất khó. Chủng lây lan nhanh, Quốc tế cũng nhiều, Việt Nam trong cộng đồng cũng vẫn có. Chúng ta cần phải giữ để số ca mắc không tăng nhiều. Sống chung với dịch chúng ta phải giữ được như hiện nay sau đó tiêm vắc xin COVID-19 tạo miễn dịch cộng đồng và quốc tế cũng tiêm vắc xin, nguy cơ lây lan giảm đi khi đó mới thành công” - PGS.TS Trần Đắc Phu nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Cảnh báo nguy hiểm khi người trẻ mắc COVID-19:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh