Sáng 13/11, trình bày Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2018 trước Quốc hội , Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình tội phạm tăng, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội tăng lên (1.451 người chết, tăng 3,9%). Một số loại tội phạm tăng như: cướp tài sản tăng 5,1%, giết người tăng 3,9%. Trong đó, có một số vụ án giết nhiều người với thủ đoạn dã man, tàn bạo gây bức xúc, lo lắng trong xã hội.
|
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp, tính chất vẫn nghiêm trọng, cường độ bạo lực gia tăng, số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật tăng. |
Và trong khi báo cáo này được đọc trước Quốc Hội, thì ngoài kia xã hội vẫn liên tiếp xảy ra những vụ án giết người, vi phạm pháp luật làm chết người rất đáng báo động.
Như vậy có một vấn đề đặt ra là: tội phạm bạo lực đang tăng, thì nguyên nhân là do đâu? Các nhà quản lý phải tìm ra được nguyên nhân này để khắc phục làm giảm tội phạm.
Người ta dễ nghĩ ngay đến do hình phạt pháp luật quá nhẹ nên tội phạm gia tăng, nên cho rằng phải tăng nặng hình phạt mới chặn đứng được tội phạm tăng.
Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra các vụ án nhiều người dù biết đối mặt với hình phạt tử hình nhưng vẫn quyết tâm phạm tội xong rồi tự sát, hoặc bị bắt tuyên án tử hình thì vẫn nhơn nhơn thách thức pháp luật chứ không hối hận. Như vậy, rõ rằng là hình phạt nặng vẫn không phải là tuyến phòng thủ hữu hiệu đối với tội phạm.
Cho nên trước khi bàn về vấn đề này, thì cần phải chú ý nhận ra một mối quan hệ biện chứng là: tội phạm tăng lên khi đạo đức xã hội đi xuống!
Những người phạm tội lỗi với đồng loại của mình thì đương nhiên là những người có đạo đức tồi tệ. Chẳng có ai đạo đức tốt lại đi xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người khác cả. Đó là điều không còn phải bàn cãi.
Như vậy, nguồn gốc của tội phạm lại là bắt đầu từ vấn đề đạo đức của con người. Có thể nhận ra rõ ràng là, ở đâu có những con người có đạo đức tốt thì không có ý thức phạm tội lỗi với nhau, và do đó chẳng bao giờ phải cần đến hình phạt của pháp luật. Có nghĩa, nơi nào có đạo đức tốt thì chẳng cần đến pháp luật xử lý vi phạm hành chính, pháp luật xử lý hình sự, họ cũng không xâm phạm đến quyền lợi của nhau.
Ngược lại, ở đâu mà con người đối xử tàn nhẫn với nhau thì dù pháp luật có đặt ra nhiều án tử hình chăng nữa vẫn không ngăn được tội phạm khi kẻ ác thậm chí còn sẵn sàng giết người xong rồi tự sát, mà không sợ sự răn đe của pháp luật.
Cho nên, khi tội phạm tăng do đạo đức xuống cấp thì việc pháp luật đặt ra hình phạt nặng chỉ có tác dụng kiềm chế tội phạm tạm thời mà thôi. Sau một thời gian bị kiềm chế chững lại, thì tội phạm lại bắt đầu quen với hình phạt nặng đó mà có tình trạng càng thách thức pháp luật khi tiếp tục phạm tội, ta gọi là nhờn luật.
Điều này giải thích vì sao nhiều chế tài, hình phạt nặng lên nhưng vi phạm, tội phạm sau một thời gian bị kiềm chế lại tăng lên.
Như vậy, không thể giải quyết được rốt ráo vấn đề tội phạm bằng sự răn đe của pháp luật. Pháp luật không thể cứ tiếp tục tăng sự răn đe lên mãi được.
Chẳng hạn, với tội cố ý gây thương tích, luật không thể cứ tăng nặng lên mãi, đến mức tử hình được vì lý do tội phạm này tăng. Hay xây dựng trái phép không thể phạt đến mức đi tù được. Chú ý rằng pháp luật là phải công bằng, cho nên hình phạt của pháp luật chính là để đòi lại sự công bằng đó khi đã bị tội phạm lấy đi.
Khi hình phạt nặng đi quá giới hạn sự công bằng, thì pháp luật lại trở thành công cụ trả thù, gây nên áp bức bất công. Do đó, cần lưu ý rằng khi hình phạt của pháp luật tăng nặng quá giới hạn công bằng thì pháp luật lại là xâm phạm đến quyền con người. Điều này cũng đúng với mọi chế tài cấm đoán của pháp luật, nếu mở rộng sự cấm đoán quá thì sẽ xâm phạm đến quyền con người.
Cho nên, bản chất hình phạt của pháp luật chỉ là biện pháp để giải quyết hậu quả xảy ra. Khi đã có tội phạm rồi thì bắt buộc pháp luật phải trừng phạt để chặn lại ý thức phạm tội. Tức là, nó chỉ là công cụ để giải quyết phần ngọn của vấn đề tội phạm đã xảy ra. Để giải quyết vấn đề gốc của nó là sinh ra từ đạo đức xuống cấp, thì phải dùng đến một công cụ khác.
Công cụ đó chính là văn hóa. Văn hóa luôn có đặc điểm là của số đông dân cư, cho nên theo nguyên tắc tâm lý đám đông, mỗi cá nhân sẽ bị văn hóa của cộng đồng cuốn vào và phải thuận theo lối ứng xử văn hóa của cộng đồng đó.
Một cộng đồng mà xây dựng được một nền văn hóa đạo đức tốt, và tôn sùng nó để cho nó có sức mạnh bắt buộc mọi cá nhân phải tuân theo, thì cái gốc tội phạm sẽ không được hình thành. Mọi ứng xử tồi khi mới manh nha trong cộng đồng thì đã bị cộng đồng lên án mạnh mẽ, đấu tranh bài trừ , tẩy chay nó thì nó sẽ không có cơ hội phát triển lên thành tội phạm.
Nhưng nếu như dù đã có một nền văn hóa đạo đức tốt rồi mà cộng đồng ấy lại không tôn sùng nó để cho nó có sức mạnh lôi cuốn, bắt buộc các cá nhân phải tuân theo thì tức là nền văn hóa ấy đã bị suy yếu, và nó sẽ không đủ sức giữ được đạo đức của các cá nhân trong xã hội. Đó chính là tình trạng tội phạm bạo lực gia tăng hiện nay, đã minh chứng cho quy luật này.
Mặc dù văn hóa đạo đức truyền thống của cha ông ta đã có dạy "Đói cho sạch, rách cho thơm", "Giấy rách phải giữ lấy lề" rất phổ biến trong xã hội xưa, thế nhưng ngày nay, trong xã hội đã không còn tôn sùng văn hóa đó nữa khi sự nhắc đến đã vắng bóng, mà bắt đầu nghiêng dần sang lối sống coi trọng vật chất hơn.
Do đó, làm cho đạo đức trở nên bị thất thế, lép vế đi khi đứng cạnh vật chất.
Ngày nay, người có tiền được trọng vọng hơn là người có đạo đức. Điều này dẫn đến lối sống thực dụng, lừa dối, hãm hại nhau cốt sao để lấy lợi ích vật chất cho mình. Bởi có tiền, họ được số đông xã hội kính nể, chứ không bị coi thường như khi họ có đạo đức mà nghèo. Và cái giá phải trả là quá đắt, như những tội phạm bạo lực, man rợ là thảm họa băng hoại đạo đức đã xảy ra kia.
Và khi tội phạm đã xảy ra như vậy thì bắt buộc phải có pháp luật hình sự chặn lại. Thế nhưng cần hiểu ra rằng, sinh ra pháp luật hình sự chỉ là để răn đe các ý thức phạm tội lỗi đã được hình thành rồi, khi văn hóa đã không còn giữ được đạo đức cho con người ta nữa. Mà khi ý thức phạm tội lỗi đã hình thành, thì dù pháp luật có răn đe đến mấy, nếu người ta quyết tâm phạm tội thì sẽ tìm cách né tránh hoặc chấp nhận trả giá để thực hiện cho bằng được, như những vụ án giết người xong rồi tự sát, hay đứng yên chịu bị bắt bị tuyên án tử hình mà không hề hối hận.
Cho nên khi cơ quan bảo vệ pháp luật không thể canh gác 24/24 giờ tất cả mọi người trong xã hội để ngăn chặn họ không thể thực hiện tội phạm, ngăn chặn tội phạm tăng thì cứu cánh tốt nhất vẫn chỉ có là bằng văn hóa.
Cần hiểu ra một nguyên tắc rằng, hình phạt của pháp luật chỉ là để chống lại số ít chứ không phải chống lại số đông. Nhà tù chỉ dành cho số ít dân số chứ không thể dành cho số đông được. Khi mà tình trạng vi phạm pháp luật là số đông trong khi không thể tăng nặng thêm hình phạt được nữa, thì chỉ có dùng văn hóa mới uốn nắn được tư tưởng đạo đức của số đông, khi tư tưởng đạo đức của họ tốt thì tất nhiên họ không muốn phạm tội lỗi với đồng loại của mình.
Phạm Mạnh Hà