Tôm hùm Khánh Hòa tăng giá gấp đôi dịp cận Tết

Google News

Cận Tết, nhu cầu tôm hùm của Trung Quốc tăng cao, thương lái lùng sục từng bè để gom hàng xuất khẩu. Giá tôm hùm xanh ở mức 850.000 đồng/kg, còn tôm hùm bông 1,7 triệu đồng/kg.

Tom hum Khanh Hoa tang gia gap doi dip can Tet

Những ngày cận Tết, không khí mua bán tôm hùm trên các bè ở xã đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, vẫn nhộn nhịp.

“Còn mấy ngày đến Tết nhưng cũng tranh thủ gom cho đủ đơn hàng để xuất chuyến cuối cùng của năm. Đây là chuyến hàng thứ 4 của chúng tôi từ khi Trung Quốc mở cửa biên giới, nới lỏng công tác phòng, chống dịch”, chị Hà Phương, chủ một doanh nghiệp chuyên về thủy sản ở TP Cam Ranh, nói.

Nông dân lãi tiền tỷ

Nhớ lại cách đây 3 tháng, hơn 50 lồng nuôi tôm hùm sắp đến tuổi xuất bán nhưng không ai hỏi mua, ông Nguyễn Tấn Dũng, ngụ trên đảo Bình Ba, xã Cam Bình, TP Cam Ranh, đứng ngồi không yên.

“Lâu nay tôm hùm xuất bán đi Trung Quốc là chính, nên khi dịch ập đến người nuôi không biết bán cho ai. Tôm đến kỳ xuất bán phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên giá cả luôn biến động, có khi người nuôi lỗ nặng vì nuôi không ai mua”, ông Dũng cho biết.

Tom hum Khanh Hoa tang gia gap doi dip can Tet-Hinh-2

Tôm hùm đang tăng giá từng ngày. Ảnh: Xuân Hoát.

Hai tháng trước giá tôm hùm xanh xuống mức 450.000-500.000 đồng/kg, người nuôi may mắn thì huề vốn, còn đa phần "lấy công làm lời", thậm chí lỗ.

Tôi vừa chốt bán một tấn tôm hùm xanh với giá 850.000 đồng/kg. Ngày 19/1, thương lái sẽ đến bắt tôm. Mấy năm rồi mới có cái Tết đầy đủ, vui vẻ như năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, ngụ TP Cam Ranh

“Đầu tháng 1, phía Trung Quốc mở cửa biên giới nên giá tôm nhích lên từng ngày. Thương lái cũng gom hàng để đủ đơn xuất khẩu nên giá tôm tăng gấp đôi. Năm nay, trừ chi phí, tôi cũng lãi mấy trăm triệu, sau khi trả ngân hàng, dành vốn để chuẩn bị xuống vụ tôm mới, số còn lại cũng dư dã để sắm sửa một cái Tết đầy đủ cho gia đình”, ông Dũng vui vẻ nói.

Còn ông Nguyễn Hữu Hùng, ngụ phường Cam Linh, TP Cam Ranh, cho biết từ khi dịch bùng phát chưa năm nào dịp cận Tết tôm hùm giá cao, đắt hàng như năm nay. “Tôi vừa chốt bán một tấn tôm hùm xanh với giá 850.000 đồng/kg. Ngày 19/1, thương lái sẽ đến bắt tôm. Mấy năm rồi mới có cái Tết đầy đủ, vui vẻ như năm nay”, ông Hùng chia sẻ.

Theo người nuôi, năm nay thời tiết thuận lợi, Khánh Hòa không có bão nên việc nuôi tôm thuận lợi, tỷ lệ hao hụt thấp cộng thêm giá tăng cao dịp cuối năm nên ai cũng vui mừng.

“Dịp Tết nên nhu cầu tiêu thụ tôm hùm của người dân Trung Quốc tăng mạnh, cộng thêm công tác phòng dịch được nới lỏng nên việc xuất khẩu hàng thuận lợi hơn. Giá tôm đang tăng từng ngày nên thương lái như chúng tôi cũng dễ thu mua, người nông dân họ cũng phấn khởi”, chị Phương chia sẻ.

Theo các thương lái, giá thu mua tại bè ngày 18/1, đang ở mức 800.000-900.000 đồng/kg đối với tôm hùm xanh, còn tôm hùm bông lên mức 1,5-1,7 triệu đồng/kg. Với giá thu mua này, người nuôi tôm hùm có lãi hàng trăm triệu, điều này trái ngược với cảnh tôm lớn không ai thu mua cách đây 2-3 tháng trước.

Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, đảo Bình Ba có 3 thôn là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An với hơn 1.000 hộ dân, 3.800 nhân khẩu. 85% dân số trên hai đảo đều làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

“Kinh tế chính của người dân xã đảo chính là nuôi tôm hùm. Nghề nuôi tôm hùm đã phát triển từ năm 1990, ban đầu chỉ có 5 lồng với lưới đơn giản bằng lưới sắt B40 nhưng đến nay đã phát triển lên 400 bè với hàng nghìn lồng nuôi tôm hùm các loại”, ông Ân cho biết.

Chủ tịch UBND xã Cam Bình cũng chia sẻ bản thân cảm thấy vui lây khi gần Tết mà giá tôm hùm tăng vọt. Hiện xã có trên 20 hộ là tỷ phú, thu nhập vài tỷ đồng mỗi năm; nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm đều nhờ vào tôm hùm.

Nỗi lo thị trường

Hiện, xã Cam Bình có gần 90 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó trên đảo Bình Ba 58 ha và đảo Bình Hưng 30 ha, với 469 bè nổi, gần 20.000 lồng chủ yếu nuôi tôm hùm xanh.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hoà, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Cam Bình, cho biết những năm gần đây nghề nuôi tôm hùm đứng trước những rủi ro bởi nguồn nước biển bị ô nhiễm và thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái khi chỉ xuất bằng đường tiểu ngạch đi Trung Quốc.

“Người nuôi tôm biết rõ cái khó nên mấy năm nay cũng mở rộng thị trường, liên kết để tiêu thụ tôm hùm, nhưng hiệu quả chưa cao vì chưa có doanh nghiệp nào xuất khẩu chính ngạch đi nước ngoài nên giá cả không ổn định”, ông Hòa cho biết.

Tom hum Khanh Hoa tang gia gap doi dip can Tet-Hinh-3

Tôm hùm chủ yếu xuất tiểu ngạch, phụ thuộc thị trường Trung Quốc nên giá cả không ổn định, đầu ra bấp bênh. Ảnh: Xuân Hoát.

Một vấn đề nữa mà người nuôi tôm hùm lo lắng là môi trường nước mỗi năm lại ô nhiễm nặng hơn.

“Ngày xưa lồng nuôi tôm chưa nhiều nên ít rác thải từ thức ăn thừa của tôm, nguồn nước vẫn đảm bảo. Hiện nay, nghề nuôi tôm phát triển mạnh, số lượng lồng nuôi dày đặc đã tác động lớn đến môi trường nên dịch bệnh cũng nhiều hơn”, ông Nguyễn Tấn Dũng cho biết.

Còn theo Chủ tịch UBND xã Cam Bình Nguyễn Ân, để giải quyết vấn đề môi trường cần sự chung tay người dân. “Việc thu gom rác thải từ thức ăn của tôm phải từng người dân chung tay, tự giác. Sau khi thu gom thì đưa vào bờ xử lý chứ không thải ra môi trường sẽ ô nhiễm, ảnh hưởng nguồn nước. Nếu giải quyết được vấn đề đó sẽ tăng được năng suất tôm và phát triển bền vững hơn”, ông Ân nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, TP Cam Ranh có khoảng 56.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó phần lớn là tôm hùm xanh. Từ khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại, mỗi ngày có khoảng 55 ghe của thương lái ra các vùng nuôi để thu mua tôm, với sản lượng khoảng hơn 80 tấn.

Tại các vùng nuôi khác trong tỉnh Khánh Hòa, như Vạn Ninh với khoảng 28.000 lồng, Nha Trang với gần 3.000 lồng… việc mua bán tôm hùm cũng diễn ra sôi động. Ước tính, mỗi ngày, toàn tỉnh có hơn 100 tấn tôm hùm được thu mua phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa dịp Tết.

Theo Xuân Hoát/ Zing