Tổng Bí thư: Chống tham nhũng "làm đến cùng, không bỏ dở"

Google News

Khi “lò đã nóng rực lên rồi” và trước những mong muốn của nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công cuộc chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm và phải làm đến cùng, không bỏ dở giữa chừng.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp “tâm huyết, cô đọng và sâu sắc” tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) vào sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến một số vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm, đặc biệt việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là công việc hết sức quan trọng, cũng vô cùng khó khăn, vất vả, nhưng đã nhận được sự động viên, khích lệ, cử tri và nhân dân thấy hài lòng về kết quả đã đạt được trong thời gian qua.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng sẽ làm đến cùng - Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Tổng Bí thư cho rằng, nếu không có sự đồng lòng, ủng hộ của toàn thể nhân dân, cử tri, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không thành công. “Vừa qua làm được là có sự đồng thuận rất lớn trong nhân dân, tạo thêm niềm tin, củng cố quyết tâm để chúng ta làm tiếp”, Tổng Bí thư nói.
Tuy nhiên, điều quan trọng theo Tổng Bí thư, "chúng ta không chỉ chống mà lâu dài cần phải xây". Chống tham nhũng tiêu cực phải làm quyết liệt, xảy ra thì phải chống, nhưng không phải cứ nhăm nhăm chống, mà quan trọng là phải xây để ngăn ngừa, răn đe. “Như tôi đã từng nói, ai chót nhúng chàm rồi thì tự gột rửa đi. Như thế là tốt nhất. Không phải cứ xử tử, hay chung thân mới là kết quả tốt. Cái chính là người đó phải nhận ra sai lầm, phải thu hồi được tài sản, không để thất thoát. Bất đắc dĩ lắm mới sử dụng đến biện pháp không ai mong muốn là tử hình…”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Công tác chống tham nhũng đang phát triển thành xu thế, báo chí nói “lò nóng rực lên rồi”, trước những mong muốn của cử tri và nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, với đà này không bỏ dở giữa chừng được. Còn nhiều việc phải làm và phải làm đến cùng, nhưng phải có phương pháp, làm cho đúng đắn, hiệu quả.
Để công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí hiệu quả, theo Tổng Bí thư, vai trò giám sát của Quốc hội, kể cả HĐND các cấp rất quan trọng, rồi nhân dân, cử tri cũng phải cùng giám sát, tập thể chi bộ cùng giám sát để cán bộ “không dám, không thể và không cần tham nhũng”.
Đề cập đến khía cạnh thu hồi tài sản, theo Tổng Bí thư, hiện chúng ta đang khuyến khích theo hướng này. Riêng vụ Mobifone mua AVG, gây thiệt hại 8.800 tỷ, họ đã hứa trả lại toàn bộ số tiền, cộng với lãi suất ngân hàng. Hay một số vụ án gần đây xét xử, một loạt bị cáo đã xin nộp phạt tiền…
Theo Tổng Bí thư, chống tham nhũng phải kết hợp với thực hiện các Nghị quyết của T.Ư cho đồng bộ, như Nghị quyết T.Ư 6 về sắp xếp, tin giản bộ máy, hay Nghị quyết T.Ư 7 về cải cách tiền lương, BHXH, cũng là tạo điều kiện, phối hợp và ngăn chặn lãng phí.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, tinh thần là phát huy kết quả đã đạt được vừa qua, và sắp tới phải quyết liệt, làm có hiệu quả hơn, có sự đồng lòng cao hơn nữa, nhưng cũng phải xác định đây là việc làm lâu dài, không sốt ruột.
“Tại buổi tiếp xúc cử tri lần trước, cử tri nói trường hợp ông Đinh La Thăng xử như vậy nhẹ quá. Nhưng tôi bảo trường hợp này còn đang làm. Giờ toà án đưa ra mức 30 năm tù, rồi bị khai trừ đảng. Với một nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, bị xử lý như vậy, trong lịch sử đã có chưa?”, Tổng Bí thư nêu.
 

 Tổng Bí thư và các cử tri.
Trước đó ít phút, dẫn lại nhiều vụ quan chức vi phạm, bị đưa ra xét xử trong thời gian qua, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) bày tỏ, quyết tâm của Đảng và của Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã và đang lấy lại niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, cũng theo cử tri Hoàn, cử tri và nhân dân cũng còn nhiều nỗi niềm khi có những trường hợp cán bộ vi phạm trong thời gian dài nhưng gần đây mới phát hiện như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, hay trường hợp ông Đinh La Thăng vi phạm nghiêm trọng nhưng lại được thăng tiến.
“Liệu có sự buông lỏng trong công tác cán bộ hay không? Liệu có người chống lưng cho cán bộ vi phạm hay không?”, ông Hoàn đặt câu hỏi. “Tham nhũng là nạn nội xâm, làm mất lòng tin của nhân dân. Thế nên nhân dân mong Đảng, Nhà nước quyết tâm quét sạch tham nhũng như đã quét sạch giặc ngoại xâm”, ông Hoàn bày tỏ.
Còn theo cử tri Nguyễn Khắc Thịnh, trước thực trạng “lò đang cháy đùng đùng”, trung ương quyết liệt nhưng địa phương "lại im ắng quá". "Vì sao có tình trạng chống tham nhũng "trên nóng dưới lạnh”. Làm thế nào để "chuyển lửa" chống tham nhũng về địa phương?", cư tri Nguyễn Khắc Thịnh đặt vấn đề và khẳng định để chống tham nhũng hiệu quả phải có sự vào cuộc mạnh mẽ ở địa phương.
Theo Luân Dũng/TP