Tổng Bí thư chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Google News

Sáng 30/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cùng một số Ủy viên Bộ Chính trị là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và của Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tong Bi thu chu tri hoi nghi tong ket 10 nam phong chong tham nhung, tieu cuc
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức tập trung tại Hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành Trung ương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tư pháp.
Đồng thời kết nối đến 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; nhiều địa phương kết nối trực tuyến đến các điểm cầu ở cấp huyện, cấp xã với hơn 4.100 điểm cầu. Trong đó, 44 địa phương tổ chức điểm cầu đến cấp huyện, xã với hơn 500 điểm cầu cấp huyện, hơn 3.500 điểm cầu cấp xã. Hơn 81.000 đại biểu tham dự Hội nghị.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác này trên phạm vi cả nước.
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, Ban chỉ đạo đã nhiều lần tổ chức Hội nghị toàn quốc vào các năm 2014, 2018 và 2020.
Bộ Chính trị quyết định tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 nhằm: Đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tạo sự thống nhất, đồng bộ và quyết tâm cao hơn nữa của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhiều kết quả đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 diễn ra ngày 12/12/2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo (tháng 2/2013) đến nay, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tham nhũng đang “từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực theo đúng phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nhưng vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương.
Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản bị kỷ luật
Trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng . Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 08 Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỷ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2.000 văn bản pháp luật.
Quyết liệt điều tra, truy tố, xét xử “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”
Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 03 cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc; các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án/1083 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Đặc biệt thời gian gần đây, đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ...
Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực; cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%). Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%.
Từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở đực quan tâm hơn, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” . Số địa phương không phát hiện, khởi tố vụ án tham nhũng mới hàng năm có xu hướng giảm dần. Riêng năm 2021, 100% các địa phương đã khởi tố các vụ án mới về tham nhũng. Một số địa phương phát hiện, khởi tố vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên...
Từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và PCTN; Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 2.000 nghị định, quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hóa và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN,TC, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả.
 >>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng:

(Nguồn: VTV1).


 
Hải Ninh