Đẩy mạnh CNH-HĐH là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, một trong những nội dung của hội nghị là xem xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2022, kế hoạch năm 2023.
Đề cập đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phân tích, chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan và bài học kinh nghiệm; dự báo những khả năng sắp tới, trước hết là từ nay đến cuối năm 2022 và năm 2023. Trên cơ sở đó, cần xác định trúng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 6. Ảnh: Nhật Bắc |
Tổng Bí thư cũng nêu khó khăn nội tại như áp lực lạm phát, lãi suất, tỉ giá; khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro…
|
Ảnh: VGP |
Đề cập nội dung tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đẩy mạnh CNH-HĐH là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Đại hội XIII của Đảng đã xác định: cần phải "tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".
|
Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) lần này, Trung ương sẽ xem xét nội dung về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới - Ảnh: VGP
|
Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ráo riết chỉ đạo tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu xây dựng đề án trình Trung ương tại hội nghị lần này xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là vấn đề quan trọng, song phức tạp; hiện vẫn còn những vấn đề chưa thật rõ và không ít những ý kiến khác nhau, nhất là trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tổng bí thư đề nghị Trung ương tập trung thảo luận, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần được triển khai thực hiện để tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng Bí thư nhận định đây là nhiệm vụ lần đầu tiên thực hiện, rất mới, rất khó, chưa có kinh nghiệm, song rất quan trọng và cấp thiết, các bộ, các ngành, các địa phương trong cả nước đang rất mong đợi.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận để tạo sự thống nhất cao đối với dự thảo Kết luận của Trung ương về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, góp phần thiết thực cho việc lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nói riêng và các quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương trong cả nước nói chung.
Về nội dung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư cho biết, Hiến pháp 2013 đã có những sửa đổi và bổ sung quan trọng, hoàn thiện thêm cơ cấu bộ máy nhà nước, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và hệ thống các cơ quan tư pháp, phát huy ngày càng đầy đủ cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp theo đúng quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết phải "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam"; coi đây "là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị" ở nước ta.
Tổng Bí thư đề nghị tập trung thảo luận làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp lớn để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
|
Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), Trung ương sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo, đề án liên quan đến một số vấn đề lớn, rất cơ bản và quan trọng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, né tránh, sợ trách nhiệm
Với đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Tổng bí thư nhìn nhận đây là một nội dung rất quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đề nghị Trung ương tập trung nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) và những quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Những tồn tại được Tổng Bí thư chỉ ra là việc xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị còn chậm và lúng túng, nhất là trong việc xử lý tình trạng không rõ ràng về quyền hạn, trách nhiệm giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới và có đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn nhiều hạn chế...
Nhấn mạnh, các vấn đề thảo luận và quyết định tại Hội nghị Trung ương 6 đều rất quan trọng, nhưng cũng rất khó, phức tạp và nhạy cảm, Tổng bí thư lưu ý nhiều vấn đề đã có chủ trương, chính sách và đã được tiến hành từ lâu nhưng đến nay, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, cần tiếp tục được thực hiện ở tầm mức mới với những quyết tâm mới, quyết sách mới, nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Vì vậy, đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, thật sự dân chủ và đổi mới, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, sâu sắc để hoàn thiện các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trung ương bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư khóa XIII:
Hải Ninh