Tổng giám đốc Công ty Alibaba sẽ bị xử lý thế nào về tội lừa đảo?

Google News

(Kiến Thức) -  Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập Công ty Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.

Tối ngày 18/9, Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định Khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh, sinh năm 1989, Tổng giám đốc Công ty Alibaba (thường trú tại xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; tạm trú tại quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Nguyễn Thái Lĩnh và đồng bọn đã thành lập công ty cổ phần địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Dư luận quan tâm, với hành vi trên, Tổng giám đốc Công ty Alibaba sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Tong giam doc Cong ty Alibaba se bi xu ly the nao ve toi lua dao?
Ông Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty Alibaba. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, không có nhiều người ngạc nhiên khi biết tin Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) bắt tạm giam ông Nguyễn Thái Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty Alibaba để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Bởi trước đó, báo chí dư luận liên tục phản ánh về việc công ty này lập dự án trái phép, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp để phân lô, bán nền... nhiều dự án đã bị chính quyền tổ chức cưỡng chế. Điều bất thường hơn là một số cán bộ, nhân viên của công ty địa ốc này còn thể hiện thái độ bất chấp pháp luật, ngang nhiên coi thường, thách thức dư luận, một số nhân viên còn đập phá phương tiện cưỡng chế, tấn công người thi hành công vụ. Không dừng lại ở đó, công ty này vẫn tiếp tục lập dự án “ma” thu tiền trái phép của nhiều người dân.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở thương mại, xây dựng khu chung cư, khu biệt thự, nhà ở cao cấp ... phân lô bán nền hoặc bất cứ dự án về bất động sản nào thì cũng đều có sự quản lý của Nhà nước. Phải lập thành dự án bất động sản, phải được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất hoặc cho chuyển mục đích sử dụng đất và phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định pháp luật.
Tất cả các quy trình, thủ tục, căn cứ, điều kiện kinh doanh bất động sản đều phải tuân thủ theo quy định của Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản... và các văn bản pháp luật có liên quan. Theo quy định pháp luật thì việc góp vốn vào các dự án Bất động sản cũng phải tuân thủ các điều kiện luật định và với mức độ nhất định, việc bán nhà ở, căn hộ hay đất nền cũng phải tuân theo điều kiện và thủ tục luật định...
Theo thông tin mà báo chí phản ánh thì công ty Alibaba đã lập các dự án “ma”, không có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, tự ý san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ rồi phân lô bán nền như các dự án bất động sản thực sự khiến nhiều người bị mắc lừa nộp tiền cho công ty này. Nếu kết quả điều tra xác minh của cơ quan điều tra là đúng như trên thì lãnh đạo công ty này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật năm 2015.
Như vậy với hành vi giả mạo thông tin về dự án bất động sản, lập dự án “ma” để phân lô bán nền đất ở (bản chất là đất nông nghiệp chưa được chuyển đổi) hoặc nhận tiền của người dân từ các dự án bất động sản khác bằng các thông tin, thủ đoạn gian dối thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Với số tiền lừa đảo nhiều tỷ đồng của nhiều người thì chắc chắn các đối tượng lừa đảo sẽ chịu mức hình phạt hết sức nghiêm khắc theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu thực hành tích cực và những đối tượng hưởng lợi lớn sẽ chịu mức án rất nghiêm khắc, có thể sẽ là tù chung thân.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra nếu cơ quan điều tra phát hiện có cán bộ địa phương đã buông lỏng quản lý, tiếp tay cho công ty này vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quản lý đất đai, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân thì tuỳ thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, bị kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu hành vi thể hiện là cố ý làm trái các quy định về quản lý đất đai, quy định về quản lý trật tự xây dựng hoặc có các hành vi vi phạm khác tội phạm về chức vụ, kinh tế thì tùy vào từng hành vi cụ thể mà sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ96 .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g)97 (được bãi bỏ)
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b)98 (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b)99 (được bãi bỏ)
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tâm Đức