Liên quan đến việc Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh thành trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc quản lý, sử dụng nhà khách, khách sạn, trung tâm nghỉ dưỡng, điều dưỡng của các bộ, ngành, cơ quan Trung Ương. Trong đó có việc yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo Thủ tướng về việc bán tài sản gắn liền với đất tại số 7 đường Thanh Niên, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa.
|
Tài sản gắn liền với đất tại số 7 đường Thanh Niên, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa đã bị bán. |
Về góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Tùng - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc sắp xếp lại tài sản công đã được quy định rất rõ trong Nghị định 167/2017/NĐ-CP. Với hình thức xử lý nhà, đất khi thực hiện sắp xếp lại bao gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng; Thu hồi; Điều chuyển; Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Chuyển mục đích sử dụng đất; Chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý; Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng; Sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao.
Không những vậy, Điều 11 nghị định này quy định về việc bán, chuyển nhượng tài sản trên đất hoặc quyền sử dụng đất như sau:
Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị được thực hiện trong các trường hợp sau: Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại; Tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương.
Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp được thực hiện trong các trường hợp: Nhà, đất dôi dư không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại; Tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án và ban hành Quyết định: Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP; Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định thuộc một trong các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai trên cơ sở đề nghị của bộ, cơ quan trung ương (đối với nhà, đất thuộc trung ương quản lý), Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với nhà, đất thuộc địa phương quản lý) và ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
Theo Luật sư Tùng, thẩm quyền quyết định bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với nhà, đất do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc địa phương quản lý thực hiện theo phân cấp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Việc tổ chức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá và quy định tại Điều 24 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Việc xử lý nhà, đất trong trường hợp đấu giá không thành thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Luật sư Hoàng Tùng nhấn mạnh, việc xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức chỉ định được quy định như sau:
Giá bán tài sản trên đất phải bảo đảm phù hợp với giá trị thực tế còn lại theo kết quả đánh giá lại; giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất phổ biến trên thị trường theo mục đích sử dụng mới của khu đất theo quy định của pháp luật về xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất, không thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tương ứng với mục đích sử dụng mới nhân (x) với hệ số điều chỉnh giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá bán tài sản trên đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất đảm bảo không thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có nhà, đất thuê tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá để xác định giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gửi Sở Tài chính (nơi có nhà, đất). Sở Tài chính chủ trì, phối hợp vơi các cơ quan liên quan thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Trường hợp không thuê được tổ chức có đủ điều kiện hoạt động thẩm định giá thì Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thành lập Hội đồng để xác định giá bán tài sản trên đất, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định...
"Như vậy, việc bán tài sản gắn liền với đất đối với cơ sở nhà, đất số 7 đường Thanh Niên, phường Trường Sơn, TP Sầm Sơn do Trung tâm Điều dưỡng Thủy sản Sầm Sơn Thanh Hóa thuộc Công đoàn ngành Thủy sản quản lý, sử dụng cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc và quy trình được nêu trong Điều 11 nghị định nêu trên" - luật sư Hoàng Tùng nói và cho biết, trường hợp việc bán tài sản nêu trên có sai phạm thì trước tiên cơ quan chủ quản có trách nhiệm kiểm tra, xác định và báo cáo đến cơ quan cấp trên để tiến hành xử lý. Trường hợp cần thiết, các ban ngành thanh tra nên vào cuộc, có dấu hiệu của hành vi phạm tội thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Tùng cũng nhận định: "Trách nhiệm cần xem xét ngay lúc này là trách nhiệm của đơn vị được giao quản lý là Trung tâm Điều dưỡng Thủy sản Sầm Sơn Thanh Hóa thuộc Công đoàn ngành Thủy sản quản lý, sử dụng. Trách nhiệm của những cán bộ, người có liên quan đến việc bán tài sản trên đất. Quan trọng nhất là những cán bộ có chức vụ quyền hạn".
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Giả mạo công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân
Hiểu Lam