Ngày 2-8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Hà Nội, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất Bộ GD&ĐT có cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục TP.
Đề xuất cơ chế đặc thù cho ngành giáo dục TP
Trong báo cáo tham luận tại hội nghị, vấn đề đầu tiên Sở GD&ĐT TP.HCM đề cập là nên chăng Bộ GD&ĐT giao cho Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm với UBND TP tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh (HS). Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.
Cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức tuyển sinh sau khi HS tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT cần linh hoạt trong một số quy định như định hướng mở trong biên chế năm học (thay vì chín tháng/năm học như hiện nay); cơ cấu giờ, tiết học cũng linh hoạt học một buổi, hai buổi hay cả ngày để tiếp cận xu hướng thế giới, giảm ùn tắc giao thông, phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Đề xuất tổ chức xét tốt nghiệp THPT từng được TP.HCM đưa ra năm 2016 và được Bộ GD&ĐT đồng ý về chủ trương. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD&ĐT lại có văn bản không đồng ý với lý do đề án chưa được xây dựng xong. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo thực hiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 và các năm tiếp theo theo phương án đã được Bộ công bố.
Vấn đề thứ hai, Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng đặc thù của TP là số lượng người nhập cư đông, mỗi năm đều tăng bình quân 60.000 HS, TP luôn dành ngân sách để xây dựng trường lớp nhằm đảm bảo chỗ học cho HS. Ngoài tăng phòng học mới, việc phải tăng biên chế giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy và học cũng rất cấp bách. Tuy nhiên, việc tăng biên chế giáo viên hiện gặp khó khăn do phải được sự chấp thuận của Bộ Nội vụ…
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bên phải) và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Nóng chuyện biên chế, thi cử
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang, nêu ý kiến trong kỳ thi THPT vừa qua đã xảy ra sai phạm ở một số địa phương trong khi nhiều nơi khác thực hiện nghiêm túc. Do đó, toàn ngành phải đấu tranh phòng ngừa sai phạm. “Chúng tôi đề nghị Bộ GD&ĐT nên rút kinh nghiệm, có phương án đấu tranh phòng ngừa vi phạm bằng cách kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn. Kỳ thi năm sau nên giữ ổn định, không nên thay đổi gây hoang mang trong xã hội” - bà Giang nói.
Giáo dục phải theo xu thế của thế giới
Nhỏ như tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cũng cần có lộ trình từ năm 2015 đến 2021 mới xong. Vì vậy, đổi mới giáo dục là một quá trình, không phải ngày một ngày hai. Và trong lộ trình đó không có giải pháp nào là hoàn hảo. Khi triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng cần kiên trì, kiên định thực hiện. Cạnh đó, giáo dục nhất định phải theo xu thế của thế giới. Sắp tới các trường THPT cũng sẽ đổi mới quản lý giáo dục, các trường sẽ tùy vào điều kiện để tự chủ về lương cho giáo viên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Cũng theo bà Giang, tỉnh Kiên Giang đang thiếu 700-1.000 giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non. “Tỉnh đã tìm nhiều giải pháp và kiến nghị trung ương nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết cụ thể. Chúng tôi kiến nghị các bộ, ban, ngành cần xem xét và có định mức giáo viên phù hợp với đặc thù mỗi địa phương. Cần căn cứ vào quy mô lớp học để giao cho địa phương quyết định định mức giáo viên” - bà Giang kiến nghị.
Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cũng cho biết tỉnh đang gặp khó trong việc sắp xếp lại hệ thống trường lớp, tinh giản đội ngũ giáo viên. “Vấn đề đặt ra với các tỉnh là giảm biên chế giáo viên thế nào trong khi số lượng HS tăng lên mỗi năm. Biện pháp đưa ra là chuyển HS từ trường công sang trường tư nhưng chính sách lại không rõ và gần như chưa có quy định nào về việc này” - ông San nêu.
GS-TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), cũng kiến nghị đề thi phải có sự phân hóa nhất định, bộ phận ra đề cần rút kinh nghiệm nghiên cứu kỹ phổ điểm, coi thi nên có sự tham gia của các trường đại học. Cạnh đó, công tác chấm thi cần tổ chức chấm chéo hoặc chấm theo cụm, bài thi trắc nghiệm phải có sự cải thiện về mặt công nghệ.
Đề thi THPT năm nay khó hơn yêu cầu
Đề thi chưa thật sự phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao nhằm mục đích phân hóa kết quả thi của thí sinh nhưng đã làm cho đề thi khó hơn đề thi các năm trước, khó so với yêu cầu của thi THPT.
Phần mềm chấm trắc nghiệm đã được hoàn thiện một bước, cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi chính xác. Tuy nhiên, còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.
Trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi, vai trò giám sát của Bộ GD&ĐT trong tất cả khâu tổ chức thi tại địa phương cũng như trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thi chưa thật sự đầy đủ; còn để xảy ra tình trạng tiêu cực và gian lận có tổ chức tại một số hội đồng thi, gây tâm lý lo ngại trong HS và dư luận xã hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Theo Nguyễn Quyên/PLO