Chiều ngày 27/3, UBND TP.HCM đã có văn bản chỉ đạo đến lãnh đạo các sở ngành và chủ tịch UBND quận, huyện về việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19.
Đáng chú ý, việc không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 300.000 đồng (theo điểm a, khoản 1, điều 11 nghị định số 176/2013).
Việc phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng của TP HCM nhằm kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hiện số ca nhiễm bệnh ở Việt Nam đã tăng lên 169 ca đã có hiện tượng lây nhiễm đối với cán bộ y tế, xuất hiện lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là tại một số thành phố lớn trong đó có TP HCM, gây lo lắng trong nhân dân.
Trong Chỉ thị 15 ngày 28/3 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực, cố gắng hơn nữa trong thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
|
Nhiều người dân đã chấp hành quy định đeo khẩu trang nơi công cộng. Ảnh: Hà Nội Mới. |
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Thủ tướng cũng đề nghị nhân dân bình tĩnh, yên tâm, tiếp tục tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi người dân hãy là một chiến sỹ phòng, chống dịch; tiếp tục chung sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh. Trước mắt thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người; chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật cần thiết, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường tự bảo vệ sức khỏe.
Đồng thời, Chỉ thị yêu cầu Bộ: Công an, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý nghiêm, kể cả xử lý theo pháp luật hình sự các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực; trốn tránh, chống đối, không chấp hành biện pháp cách ly y tế…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo, kể từ ngày 16/3 thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe, trên các phương tiện giao thông công cộng..
Do vậy, việc TP HCM xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng là cần thiết. Dư luận đặt câu hỏi, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành khác ban hành chế tài xử phạt hành vi trên như thế nào?
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 chiều 28/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người ở các địa điểm công cộng, kể cả mọi người đi chợ, đi siêu thị mua rau củ quả cũng phải thực hiện đeo khẩu trang, đi cách nhau 2 m.
Trong ngày 27/3, Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, xử phạt hành chính đối với bà Đ.T.T. (người địa phương) số tiền 200.000 đồng về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng.
Lãnh đạo Công an phường Hàng Trống xác nhận vụ việc và cho biết bà T. không đeo khẩu trang theo quy định của Chính phủ. Đơn vị này đã lập biên bản, tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của phường xử phạt theo quy định.
Hành vi không đeo khẩu trang của bà T. đã vi phạm điểm a khoản 1, Điều 11 Nghị định 176/2013 của Chính phủ, về việc không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Tại Đà Nẵng, Sở Công thương Đà Nẵng mới đây chính thức triển khai các biện pháp tăng cường kiểm soát, quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng. Trong đó, bắt buộc các hộ tiểu thương, khách hàng vào chợ phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ. Trước đó TP Đà Nẵng cũng yêu cầu bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
Nhiều tỉnh thành khác cũng yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Người dân vi phạm sẽ bị xử phạt theo điểm a, khoản 1, điều 11 nghị định số 176/2013.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đối với quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng là yêu cầu của chính quyền mà bắt buộc mọi cá nhân đều phải tuân thủ chấp hành.
“Đây là một trong những việc làm để bảo vệ cá nhân theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu cá nhân nào không đeo khẩu trang nơi công cộng khi đã có quy định bắt buộc như vậy thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo quy định tại khoản 1, điều 11 của nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế”, Luật sư Cường cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, ngày 16/3/2020 Thủ tướng Chính Phủ đã yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng, hay nơi làm việc, cơ quan đoàn thể. Việc đeo khẩu trang là một trong những cách phòng chống bệnh, bảo vệ bản thân và góp phần đầy lùi dịch Covid – 19.
“Covid-19 đang là dịch bệnh được công bố toàn thế giới, tại Việt Nam đã được liệt vào danh sách nhóm A – nhóm dịch bệnh nguy hiểm. Vì vậy khi chính phủ đưa ra yêu cầu phải đeo khẩu trang thì mọi người dân cần phải chấp hành nghiêm túc. Nếu người dân không đeo khẩu trang, không thực hiện theo yêu cầu thì có thể sẽ áp dụng chế tài theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Thẩm quyền xử phạt được xác định có thể là thanh tra y tế hoặc chủ tịch UBND xã, phường”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Cụ thể, điều 11. Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch quy định: “1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế ;...”
>>> Mời độc giả xem video Trốn cách ly, không đeo khẩu trang bị phạt thế nào?
Hải Ninh