Trách nhiệm của ngành giáo dục trong thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh

Google News

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực từ 01/01/2015, quy định rõ: Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc toàn dân, trong đó học sinh, sinh viên (HSSV) là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Thúc đẩy học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế
Vai trò gắn liền với trách nhiệm của nhà trường đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên đã được quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế cùng hệ thống các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe học sinh, sinh viên là mối quan tâm rất lớn của toàn xã hội; là một trong những nội dung quan trọng trong mục tiêu giáo dục, đào tạo toàn diện con người của Đảng và Nhà nước ta.
Trach nhiem cua nganh giao duc trong thuc hien Bao hiem y te hoc sinh
Học sinh, sinh viên là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT 30%. Ảnh: CPV 
Chính sách Bảo hiểm y tế được thực hiện với học sinh, sinh viên trên hai thập kỷ qua đã chứng minh tính đúng đắn, sự cần thiết khách quan, là giải pháp hữu hiệu giúp cho thế hệ trẻ đủ sức khỏe để học tập, rèn luyện, là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; trong đó, ngành giáo dục, đào tạo, hệ thống trường học các cấp có vai trò nòng cốt.
Trước khi đưa ra quy định về Bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân, trong 25 năm thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế ở nước ta, ở từng giai đoạn phù hợp, lộ trình Bảo hiểm y tế bắt buộc đối với từng nhóm đối tượng cũng được triển khai, ban đầu là với nhóm người lao động trong khu vực chính thức, đối tượng người có công với cách mạng, gia đình chính sách, trẻ em dưới 06 tuổi, sau mở rộng dần đến người nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn…
Học sinh, sinh viên cũng là một trong những nhóm đối tượng sớm được triển khai bảo hiểm y tế bắt buộc từ 01/01/2010, theo quy định tại Luật Bảo hiểm y tế năm 2008.
Với quan điểm công tác chăm lo sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, để sớm hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân, bên cạnh quy định Bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định cụ thể trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong triển khai Bảo hiểm y tế.
Trong đó, trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng được nêu rõ: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc xác định, quản lý đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên.
Tiếp theo đó, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 02/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện mở rộng Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế;
Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 – 2020, nhấn mạnh phải đẩy mạnh thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, theo đó giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên.
Từ những chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật nói trên, có thể thấy việc thực hiện Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên đã được quy định, luật hóa một cách thống nhất, nằm trong chủ trương thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân và mang tính bắt buộc.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014 quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế.
Về trách nhiệm thu Bảo hiểm y tế của các trường học, Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện Bảo hiểm y tế đã quy định: Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 06 tháng hoặc 01 năm/lần nộp vào Quỹ Bảo hiểm y tế.
Tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Như vậy, ngoài trách nhiệm phải thu Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, các nhà trường còn có trách nhiệm bảo đảm sử dụng 7% tổng thu Quỹ Bảo hiểm y tế tính trên tổng số học sinh, sinh viên đang theo học để tổ chức thực hiện công tác y tế học đường theo quy định.
Nghị định số 105/2014/NĐ-CP quy định trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế để mua thuốc, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường để tổ chức khám, chữa bệnh trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em, HS, SV. Mức trích để lại cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bằng 7% tổng thu Quỹ BHYT tính trên tổng số HS, SV đang theo học tại cơ sở giáo dục có tham gia BHYT (kể cả học sinh, sinh viên tham gia Bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng khác).
Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/05/2016 của Liên Bộ Y tế - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, chi tiết các nội dung của y tế trường học đã quy định việc bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học; điều kiện về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường; các điều kiện về phòng y tế, nhân viên y tế trường học; hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh, sơ cấp cứu; hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe.
Nhiều quyền lợi cho học sinh sinh viên
Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Theo đó, đối tượng tham gia là HSSV đang theo học tại các cơ sở giáo dục, nhà trường, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác. Nơi tham gia là tại cơ sở giáo dục, nhà trường HSSV đang theo học.
Mức đóng của HSSV bằng 4,5% mức lương cơ sở. Học sinh sinh viên được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ 30% mức đóng, chỉ phải đóng 70% còn lại. Do vậy, số tiền HSSV đóng BHYT hiện tại là: 70% x 4,5% x 1.390.000 đồng = 43.785 đồng/tháng. NSNN hỗ trợ tiền đóng BHYT của HSSV là: 30% x 4,5% x 1.390.000 đồng = 18.765 đồng/tháng. Về phương thức đóng, HSSV có thể đóng định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng tại cơ sở giáo dục, nhà trường đang theo học.
Thủ tục tham gia BHYT cũng rất đơn giản. HSSV chỉ cần kê khai tờ khai được cơ quan BHXH cung cấp thông qua cơ sở giáo dục đang theo học. Trường hợp HSSV đã có mã số BHXH thì chỉ cần cung cấp mã số BHXH, không phải lập tờ khai. HSSV nhận thẻ BHYT sau 5 ngày kể từ ngày cơ sở giáo dục hoặc nhà trường lập danh sách cấp thẻ BHYT gửi cơ quan BHXH. HSSV được đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, huyện và tương đương không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi học tập, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB...
Theo ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, sự gia tăng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT khá bền vững qua các năm và hiện tại tiệm cận với mục tiêu 100% số lượng HSSV tham gia BHYT. Nếu như năm học 2013 - 2014 số HSSV tham gia BHYT đạt khoảng 85%, thì đến năm học 2017 – 2018 tỷ lệ này khoảng 93,5%, tương đương 16,5 triệu em, trong đó 12,3 triệu em tham gia tại nhà trường và 4,2 triệu em tham gia theo các nhóm đối tượng khác.
Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ Quỹ BHYT. Về mức hưởng BHYT, nếu KCB đúng thủ tục quy định, 100% chi phí KCB BHYT đối với các trường hợp sau: HSSV có mã thẻ BHYT là BT, HN, DT, DK, XD, TS; KCB tại tuyến xã; tổng chi phí của một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (hiện nay là 208.500 đồng); có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên, đồng thời có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (8.340.000 đồng) thì được cơ quan BHXH cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. HSSV có mã thẻ BHYT là TC, CN được hưởng 95% chi phí KCB và được hưởng 80% chi phí KCB đối với mã thẻ HS, SV, TA, TQ, TY, TV.
Về việc chi trả khi đi KCB tại các cơ sở y tế, trong thời gian qua, Quỹ BHYT đã chi trả hàng nghìn ca bệnh cho các em HSSV với mức chi phí rất cao, từ vài trăm triệu đồng tới vài tỷ đồng. Thông tin về vấn đề này, ông Đàm Hiếu Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến phía Bắc (BHXH Việt Nam) cho biết, trong niên học 2017 - 2018, BHYT đã chi trả 237 trường hợp HSSV có chi phí KCB BHYT từ 200 triệu đồng trở lên. Trong đó, trường hợp chi trả cao nhất là trường hợp của bệnh nhân là học sinh có mã thẻ BHYT là HS4…, địa chỉ tại quận Lê Chân, Hải Phòng, điều trị 6 đợt tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương với chuẩn đoán là giảm tiểu cầu, tổng chi phí BHYT chi trả là 1,8 tỷ đồng.
Theo tính toán, với mức đóng BHYT của HSSV năm học 2017 - 2018 là 525.000 đồng, để có thể chi trả 1,8 tỷ đồng trường hợp này thì phải cần có 3.426 em học sinh mua thẻ BHYT nhưng không ốm đau, không phải đi KCB mới đủ tiền chi trả. Đây là ví dụ rất điển hình cho nguyên tắc chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT.
Bên cạnh việc được chi trả khi đi KCB tại các cơ sở y tế, HSSV còn được hưởng các quyền lợi thông qua công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường (sơ cấp cứu, xử lý ban đầu khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập). Trong khi nguồn NSNN còn hạn chế thì cơ chế BHYT đã từng bước đảm bảo hơn cho bằng việc dành một tỷ lệ trích lại nhất định từ nguồn thu BHYT phục vụ phát triển y tế học đường.
Đến nay, quỹ BHYT là nguồn tài chính chủ yếu với tỷ trọng trên 80% kinh phí của hoạt động y tế học đường hiện nay. Nhờ vậy, đã thực hiện được quản lý sức khỏe học sinh bằng hồ sơ sức khỏe; kiến thức phòng chống bệnh tật của học sinh được nâng cao. Nhiều địa phương đã nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV thông qua các cơ sở y tế trên địa bàn như trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện…
Theo Đảng Cộng Sản