Thế giới chỉ có thể bền vững nếu mỗi quốc gia, mỗi cá nhân ý thức được hai trách nhiệm đồng thời: Trách nhiệm với quốc gia mình và trách nhiệm với toàn cầu - phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ sáng nay (giờ Việt Nam) được dư luận đánh giá cao, cho đây là tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với tương lai phát triển của một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ lần thứ 73. Ảnh: TTXVN |
Chuyện gắn trách nhiệm cá nhân với cộng đồng xã hội; gắn trách nhiệm của một quốc gia riêng lẻ với sự phát triển của cộng đồng quốc tế, vì một thế giới đại đồng đã được nhiều người nói đến ở nhiều diễn đàn khác nhau.
Không phải bây giờ - khi chúng ta nghe nhiều đến khái niệm công dân toàn cầu, hội nhập quốc tế, công nghiệp 4.0, mà từ rất xa xưa, nhiều nhà tư tưởng, nhiều triết gia đại diện cho những nền văn hóa lớn trên thế giới đã từng đề cập.
Thế nhưng, phải đặt lời phát biểu này trong bối cảnh một thế giới đầy biến động, mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa một số quốc gia vẫn chưa kết thúc; chiến tranh thương mại giữa các cường quốc có khả năng xảy ra, kéo theo nhiều hệ lụy cho thế giới và khu vực… thì mới thấy được hết tinh thần trách nhiệm của những người đang nắm giữ vận mệnh của quốc gia và thế giới, đặc biệt là vai trò nhạc trưởng của LHQ.
Thế giới đang chuyển động không ngừng với những tiến bộ vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thành tựu về khoa học công nghê, cùng với xu thế tất yếu của toàn cầu hóa có khả năng tạo ra những thay đổi lớn, đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tuy nhiên, thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới, khi nền hòa bình vẫn chưa được bảo đảm; Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương để giải quyết các tranh chấp là những mối đe dọa nguy hiểm đối với hòa bình, ổn định quốc tế...
Là dân tộc phải thường xuyên đương đầu với chiến tranh, từng bị kẹt giữa những âm mưu, tính toán vụ lợi của các cường quốc, phải hy sinh quá nhiều xương máu cho nền độc lập và chủ quyền lãnh thổ, dân tộc Việt Nam luôn ý thức rất rõ những gì mình đang có.
Những người lãnh đạo đất nước, chắc chắn càng ý thức cao hơn thế! Vì vậy, khi trước Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nâng cao “trách nhiệm kép, mỗi quốc gia ngoài trách nhiệm với đất nước mình, còn phải có trách nhiệm đối với các vấn đề toàn cầu; mỗi cá nhân ngoài trách nhiệm công dân với nước mình còn cần phải có trách nhiệm như một công dân toàn cầu”, thì đó cũng chính là những lời gan ruột của hàng triệu triệu người dân Việt Nam từng một thời “tay cày tay súng” để giành lấy độc lập, thống nhất đất nước.
Lịch sử đã chứng minh, chưa một cường quốc nào đủ sức giải quyết trọn vẹn những vấn đề toàn cầu. Các cuộc chiến tranh mang tầm khu vực và thế giới từ Cổ đại - Trung đại đến Hiện đại, cuối cùng cũng kết thúc bằng những cuộc chia chác chiến lợi phẩm, lôi kéo đồng minh, lập lại trật tự thế giới nhằm thỏa mãn nhu cầu quyền lực của các ông lớn mà thôi.
Phía sau ánh hào quang ấy, là máu xương của muôn triệu sinh linh; là những nỗi đau mang tên “di chứng chiến tranh” đến hàng chục năm sau vẫn chưa thể xóa nhòa.
Thực tế cũng chứng minh, không có mô hình phát triển nào thực sự là hoàn hảo cho tất cả các quốc gia. Mà chỉ có sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo các thành tựu của nhân loại cho mình mới đảm bảo con đường phát triển tốt nhất cho quốc gia đó.
Mọi sự áp đặt của một cường quốc nào đó về chính trị, văn hóa, kinh tế, dân chủ, nhân quyền… lên một hoặc nhiều quốc gia khác đều không mang lại hiệu quả. Nguy hiểm hơn khi ngày nay, một số nước đang có xu hướng đặt quyền lợi quốc gia của mình lên trên hết, mà không quan tâm đến lợi ích của quốc gia khác, dân tộc khác.
Vì thế, giải quyết những thách thức to lớn mang tính toàn cầu hiện nay, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên thế giới, trên cơ sở vai trò là trung tâm đoàn kết của LHQ. Thế giới chỉ có thể phát triển bền vững nếu mỗi quốc gia, mỗi cá nhân ý thức được đồng thời trách nhiệm riêng - chung.
Hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc. Thế giới văn minh không chỉ đo bằng những thành tựu về khoa học, công nghệ mà trước hết phải là nền hòa bình, thịnh vượng, là khi mọi dân tộc có thể sống an vui mà không phải lo sợ chết chóc, khủng bố.
Hơn 600 năm trước, khi được giao soạn nhã nhạc cho triều đình, Nhà thơ Nguyễn Trãi đã tâu với vua Lê Thái Tông rằng: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… cúi xin Bệ hạ thương tình coi sóc muôn dân, sao cho cho mọi xóm thôn không còn tiếng oán hờn buồn khổ, thế mới giữ được cái gốc của nhạc”.
Chỉ khi tiếng nói của một nước nhỏ, hay khát vọng của những người yếu thế được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ, thì khi đó chúng ta mới có nền tảng để phát triển bền vững, bao trùm và không còn ai bị bỏ lại phía sau.
Lời phát biểu của Thủ tướng trước Đại hội đồng LHQ, vì thế, được xem như đã nói thay khát vọng của nhân dân Việt Nam về một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Theo Vietnamnet