Liên quan đến việc trạm trộn bê tông không phép của liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (tại thôn Phú Giã, xã Song Mai, TP Bắc Giang) cố tình hoạt động dù nhiều lần bị cơ quan chức năng Bắc Giang "tuýt còi" mà Báo Tri thức và Cuộc sống phản ánh, chiều 16/4, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Thi - người đại diện liên danh nhà thầu trên thừa nhận trạm trộn vẫn đang hoạt động và cho biết vẫn tiếp tục vận hành hết tháng 5/2021, vì đang phục vụ một số dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
|
Bê tông nhựa từ trạm trộn không phép của liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 đổ tại dự án sửa chữa mặt đường QL 17 và bản cam kết lắp đặt trạm trộn để phục vụ tuyến đường Trần Quang Khải (ảnh nhỏ).
|
Khi được hỏi việc trạm trộn không phép của liên danh này đang cung cấp bê tông nhựa cho các dự án, đặc biệt là dự án cải tạo sửa chữa mặt đường QL 17 và gói thầu mở rộng, nâng cấp mặt đường đoạn từ Km 72+500 - Km 88, dài 12,84 km (có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương và Ngân sách tỉnh Bắc Giang) do Sở GTVT Bắc Giang làm chủ đầu tư có ký hợp đồng hay không?
Vị đại diện trạm bê tông không phép này cho biết: "Chúng tôi không cấp 1 tấn nào ra ngoài, chỉ cấp cho các công trình trong tỉnh. Việc này đều được tỉnh ủng hộ" - ông Thi nói và đề nghị PV "gặp anh Sơn, Giám đốc Sở (ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc GTVT tỉnh Bắc Giang - PV) thì sẽ hiểu".
PV Báo Tri thức và Cuộc sống cũng đã liên hệ với ông Bùi Thế Sơn để làm rõ phát ngôn của ông Thi những vẫn chưa có hồi đáp.
Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV, bê tông của trạm trộn liên danh này đang được "tuồn" ra các công trình khác ngoài mục tiêu ban đầu là phục vụ xây dựng tuyến đường Trần Quang Khải.
Năm 2018, liên danh nhà thầu Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường và Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang một biên bản cam kết về việc lắp đặt trạm trộn bê tông với nội dung: "Căn cứ hợp đồng kinh tế số 31/2017/HĐ.DA2.TCXL ngày 12/12/2017 giữa Ban Quản lý dự án ĐTXD số 2 thành phố Bắc Giang và liên danh nhà thầu về việc thực hiện gói thầu NCB số BG1: Xây dựng tuyến đường Trần Quang Khải thuộc dự án Phát triển các khu đô thị dọc hành lang tiểu vùng Mê Không mở rộng (GMS) lần 2, dự án thành phần tỉnh Bắc Giang.
Hiện nay, nhà thầu đã hoàn thành công tác huy động máy móc thiết bị và trạm trộn bê tông xi măng lên tới vị trí thi công cầu Bến Hướng tại Km34+750 đê hữu sông Thương. Nhưng do vị trí cầu Bến Hướng và hai đường đầu cầu nằm trong thành phố Bắc Giang không có vị trí mặt bằng phù hợp để lắp đặt trạm trộn nên để đẩy nhanh tiến độ và thuận tiện trong quá trình thi công cầu Bến Hướng, nhà thầu Vạn Cường kính đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang, Sở NN&PTNN tỉnh Bắc Giang xem xét, tạo điều kiện cho đơn vị thi công được xây dựng trạm trộn tại vị trí Km34+750".
Đặc biệt, biên bản được ông Lê Quý Hợi, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, đại diện liên danh nhà thầu ký còn thể hiện rõ: "Thời gian hoạt động của trạm trộn dự tính đến tháng 12/2020. Nhà thầu xin cam kết chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những ảnh hưởng trong công tác hoạt động của trạm trộn gây ra với hệ thống đê tại khu vực Km34+750 đê hữu sông Thương".
Ngày 29/12/2020, UBND TP Bắc Giang đã ban hành văn bản số 3696/UBND-KT yêu cầu liên danh nhà thầu trên tháo dỡ máy móc, trả mặt bằng với lý do thời gian “mượn” đã hết theo cam kết; dự án thi công đường Trần Quang Khải đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng thực tế trạm trộn trên vẫn được duy trì gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho nhân dân.
“Thời gian tháo dỡ, trả mặt bằng xong trước ngày 30/1/2021. Sau thời gian trên, UBND TP tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đê điều, môi trường theo quy định" - văn bản UBND TP Bắc Giang nêu rõ.
Video: Tận thấy trạm trộn bê tông nhựa không phép gây ô nhiễm môi trường ở Bắc Giang
Dù vậy, liên danh nhà thầu này vẫn cố tình chây ì, duy trì trạm trộn hoạt động với các cột khói vẫn bốc cao, tỏa vào khu dân cư. Nước thải trong quá trình sản xuất bê tông được xả thẳng xuống sông Thương gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, hệ thống thoát lũ và kết cấu hạ tầng đê điều đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, dư luận đặt ra nghi vấn về việc các công trình trọng điểm của tỉnh Bắc Giang, trong đó có dự án của Sở GTVT Bắc Giang làm chủ đầu tư đang tiêu thụ bê tông của trạm trộn không phép và không rõ chất lượng bê tông nhựa khi không được các cơ quan chức năng đánh giá, thẩm định.
Hiểu Lam