Vì yêu mà nuôi
“Tôi muốn dạy con tình yêu với thú cưng, cũng là cách xả stress (căng thẳng) sau công việc”, là lý do chị Huyền Trang (ngụ tại chung cư Jamona city, quận 7) quyết định nuôi 2 chú mèo. Ban đầu, chị cũng có nhiều bỡ ngỡ trong việc sắp xếp, bố trí không gian, lo chuyện ăn uống cho chúng, nhất là vấn đề vệ sinh vì chị nuôi hoàn toàn trong nhà.
Trong khi đó, việc nhận nuôi một chú chó poodle của anh Minh Thái (ngụ đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận) đơn giản vì muốn có một người bầu bạn. Anh cho biết, sau khi quyết định ra ngoài ở riêng, thấy không gian sống khá trống trải, anh quyết định đón bé về.
“Lúc đầu thấy nhiều bạn bè nuôi, tôi cũng muốn nuôi theo phong trào. Nhưng nuôi rồi nghiện là có thật. Mỗi ngày đi làm về, dù mệt mỏi nhưng thấy nó chạy ra cửa đón là lòng mình có cảm giác vui khó tả”, anh tâm sự.
Theo chị Nguyễn Việt Nữ (ngụ tại chung cư Ehome4, Thuận An, Bình Dương), việc mở rộng lòng mình yêu thương, bảo vệ những sinh mệnh yếu thế là một điều tử tế, tốt đẹp.
|
Theo chị Việt Nữ, nuôi chó mèo ngoài yêu thương phải đi kèm trách nhiệm. Ảnh: NVCC
|
“Tôi vui khi thấy ngày càng có nhiều người thương yêu chó, mèo và lên án hành vi ngược đãi động vật. Còn việc dành thời gian, chi phí như thế nào là quyền tự do và khả năng của mỗi người”, chị cho biết. Hiện tại chị đang nuôi 3 chú mèo, mỗi tháng chị dành khoảng 5-6 triệu đồng tiền mua đồ ăn, cát và các chi phí phát sinh khác.
Tất nhiên, việc nuôi pet không hẳn lúc nào cũng chỉ có niềm vui. Ngoài việc mua máy lọc không khí, chị Trang còn thường xuyên phải chải lông cho mèo để giữ vệ sinh. Hay trường hợp của chị Việt Nữ từng chăm một bé mèo bị liệt, hàng ngày đều phải xoa bụng giúp bé tiểu tiện và thay tã cho bé.
Nuôi thú cưng giờ không còn phải trào lưu. Bằng chứng là trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm: nhóm Facebook công khai Nghiện chó mèo có hơn 357.000 thành viên, hay fanpage Nghiện mèo cũng có hơn 330.000 lượt theo dõi. Nhiều bài viết thu hút hàng ngàn lượt yêu thích, bình luận với đủ các cung bậc cảm xúc từ háo hức, hân hoan cho đến cả sự thương cảm nếu một pet nào không may bị bệnh, tai nạn, hay qua đời.
Qua nhiều bài viết, dễ nhận thấy không còn ranh giới giữa người nuôi và con vật. Nhiều người còn gọi pet của mình là boss, hoàng thượng, là con xưng ba, mẹ… Thậm chí, không ít người tự nhủ không kết hôn, chỉ sống với “boss” vì biết một ngày nó có thể rời xa mình nhưng sẽ không bao giờ phản bội mình.
Đừng chỉ được cho mình
Xung quanh quan điểm nuôi pet, nhất là ở các căn hộ chung cư vẫn còn không ít luồng ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt. Trên nhiều hội nhóm của các chung cư, một trong những phản ánh thường gặp nhất là các hộ gia đình nuôi chó mèo nhưng gây mất vệ sinh, ồn ào. Chị Mai Phương (chung cư Useful, quận Tân Bình) không ít lần chụp được những hình ảnh các chú cún đi vệ sinh ra hành lang chung cư rồi gửi lên các hội nhóm chung, nhắc nhở mọi người phải giữ ý thức.
Chị Như Hoa (ngụ chung cư An Lộc, Gò Vấp) từng liên tiếp nhận phản ánh với thái độ khó chịu khi căn hộ chị cho thuê có người nuôi chó nhưng không giữ gìn vệ sinh, làm phiền đến đời sống của hàng xóm. Cuối cùng, không còn cách nào khác chị buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
Từng là người rất “chăm” tranh luận chuyện thích và không thích nuôi thú cưng, nhưng sau này, chị Việt Nữ nhận ra yêu thương không phải việc có thể “giảng dạy”. Yêu thương pet phải bắt đầu từ sự làm gương của chính mình, đi kèm với trách nhiệm, trước hết với các thành viên trong gia đình và sau đó với những người xung quanh.
Chị chia sẻ câu chuyện, trước đây ba mẹ mình từng rất ghét nuôi chó mèo, nhưng khi nhìn thấy con gái học được sự nhẫn nại, kiên trì và yêu thương, bao gồm cả trách nhiệm, dần dần cũng khiến ba mẹ mở lòng chấp nhận và thương yêu bé. Hiện tại, ngoài 3 chú mèo trong nhà, ba mẹ chị còn nuôi cả mèo hoang, chăm các chú chó sinh đẻ.
Chị Huyền Trang bày tỏ: “Tôi nghĩ, ai cũng nên ý thức làm tốt việc của mình trong việc huấn luyện và giữ vệ sinh chung, tôn trọng môi trường sống chung”.
Đó là lý do cả chị và anh Thái đều chọn nuôi khép kín trong nhà để không làm phiền ai cả. Anh Thái cũng cho biết thêm, khi thử đặt mình vào vị trí của người khác sẽ nhìn nhận vấn đề đa chiều và thấu hiểu hơn. Đơn giản như nếu một ngày nào đó pet của bạn phá phách, gây mất vệ sinh trong nhà mình còn khó chịu, huống hồ điều đó xảy ra ở các không gian sinh hoạt chung.
Theo HẢI DUY/SGGP