Ngày 1/4, Quỹ Xúc tiến Phát triển Du lịch TP Đà Nẵng phối hợp Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm “Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2021”.
|
Ông Đặng Hòa với đề nghị thay vì mặc áo phao suốt trên hành trình của tàu thì để áo phao gần bên cạnh. (Ảnh VTC News)
|
Đóng góp ý kiến, ông Đặng Hòa, Chủ tịch Chi hội Vận chuyển du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng đề nghị thành phố “cởi trói” cho một số quy định mà theo ông là “không còn phù hợp” như việc bắt buộc du khách phải mặc áo phao khi lên tàu.
“Quy định mặc áo phao thì đúng rồi, nhưng mà về mùa hè, mặc áo phao mà ăn uống này kia thì khách vô cùng bức bối. Cho nên, chúng tôi đề nghị thay vì mặc áo phao suốt trên hành trình thì để áo phao gần bên cạnh đó để sử dụng mà thôi” - ông Hòa đề xuất.
Trước đề xuất trên, ông Lê Thành Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng cho hay, UBND TP Đà Nẵng đã họp rất nhiều lần về quy định bắt buộc khách mặc áo phao khi lên tàu.
“Trước đây, UBND TP Đà Nẵng đã giao các ban, ngành nghiên cứu lại mẫu áo phao cho hợp lý. Nhưng sau khi đưa ra một số mẫu, chi phí quá cao nên các doanh nghiệp đầu tư phao không hiệu quả.
Tuy nhiên, về vấn đề an toàn thì phải duy trì việc mặc áo phao. Sau này, nếu nghiên cứu loại áo phao thuận tiện hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi có sự cố xảy ra, Sở GTVT sẽ hỗ trợ theo hướng phù hợp nhất. Yêu cầu cốt lõi đặt ra vẫn là đảm bảo toàn khi giao thông đường thủy” - ông Hưng khẳng định.
Sau khi đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng giải thích, Chủ tịch Chi hội Vận chuyển du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng tiếp tục phản bác: “Theo thông báo của Bộ GTVT, chỉ bắt buộc các chuyến đò ngang sông Hàn mới phải mặc áo phao, còn tuyến tàu du lịch thì không có. Tôi không biết thành phố dựa vào đâu mà ra quyết định đó. Theo tôi nghĩ chỉ cần để áo phao bên cạnh là đã an toàn rồi”.
Về quy định mặc áo phao, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, Đà Nẵng đã có một bài học rất đau đớn vào năm 2016 khi chìm tàu Thảo Vân 2.
“Do vậy, chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định an toàn tính mạng của hành khách là trên hết. Khi xảy ra, phải xử lý hậu quả để lại rất phức tạp” - ông Minh nói.
Đồng quan điểm, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Quỹ xúc tiến phát triển du lịch TP Đà Nẵng cho rằng, quan trọng nhất là sinh mạng con người.
“Chúng ta làm gì cũng phải phục vụ nhân dân. Kinh doanh dịch vụ gì cũng phải đặt an toàn lên hàng đầu” - ông Dũng khẳng định.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về đề xuất trên của Chủ tịch Chi hội Vận chuyển du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng, ông Hoàng Hải Bình, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Hưng Yên cho rằng: “Không bắt buộc mặc áo phao khi tàu đã đủ cam kết và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho hành khách”.
Từng trao đổi trên Báo Giao thông, ông Trần Sỹ Duy, nguyên Trưởng phòng Pháp chế Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, theo quy định tại Thông tư số 15/2012 của Bộ GTVT về trang bị và sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện thủy nội địa vận tải hành khách ngang sông, người điều khiển phương tiện có trách nhiệm trang bị và hành khách có trách nhiệm mặc, sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trong suốt hành trình phương tiện. Trường hợp không thực hiện là vi phạm và có thể bị xử phạt.
Đề cập trường hợp hành khách đi trên phương tiện khác như: tàu du lịch dọc tuyến, tàu cao tốc chở khách tuyến cố định, ông Duy cho biết, hiện không có quy định pháp luật bắt buộc hành khách phải sử dụng trong suốt hành trình của phương tiện mà chủ yếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn.
“Dù hành khách không buộc phải mặc áo phao, sử dụng phao cứu sinh trên suốt hành trình phương tiện, nhưng quy định pháp luật yêu cầu trên phương tiện phải trang bị đầy đủ phao, dụng cụ nổi cứu sinh cho hành khách. Trường hợp vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử phạt đối với người điều khiển phương tiện” - ông Duy cho biết trên báo Giao thông.
PGS. TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng (thành viên VUSTA) thì cho rằng: “Giao thông mục tiêu tối cao nhất là an toàn. Tính mạng con người là quan trọng nhất. Nếu không giữ được tính mạng thì còn tính gì đến thẩm mỹ, vướng bận. Việc mặc áo phao khi tham gia các phương tiện thủy là cần thiết”.
“Việc lấy lý do quy định không bắt buộc mặc áo pháo khi đi tàu du lịch để “từ chối” sự an toàn của người dân thì cần phải xem lại. Nếu Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn thì cũng cần phải thay đổi” - PGS. TS Bùi Thị An nói.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Những Vấn Đề Nhức Nhối Xung Quanh Dự Án BT Giao Thông ở Khánh Hòa
Hiểu Lam