Trẻ em liên tục bị đuối nước: “Đừng mất bò mới lo làm chuồng“

Google News

Cần phải dự đoán, đón đầu mọi tình huống, đừng để sự việc đau lòng xảy ra rồi mới lo việc này việc khác, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

"Cần thiết phải đưa bơi lội thành một môn học chính thức trong nhà trường, ngay từ bậc tiểu học”, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng nêu ý kiến.
Cần chuẩn hóa môn bơi lội cho học sinh
Ngày 5/4, thi thể học sinh cuối cùng trong vụ 5 học sinh trường Trung học cơ sở xã Thiệu Duy (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bị đuối nước đã được lực lượng chức năng tìm thấy.
Trước đó, vào chiều 4/4, một nhóm học sinh lớp 6 trường THCS Thiệu Duy ra khu vực đập tràn Hợp Thắng trên sông Mậu Khê thuộc xã Thiệu Hợp để chơi, không may bị đuối nước và mất tích.
Hiện trường vụ việc tại khu vực đập tràn Hợp - nơi 5 học sinh gặp nạn không có biển cảnh báo nguy cơ xảy ra đuối nước. Được biết, đập tràn Hợp Thắng trên sông Mậu Khê do UBND huyện Thiệu Hóa làm chủ đầu tư vừa hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2021. Công trình có giá trị xây lắp cộng với thiết bị sau điều chỉnh là hơn 6,5 tỷ đồng. Đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Vạn Hà có địa chỉ tại tiểu khu 3, thị trấn Thiệu Hóa.
Bên cạnh việc đề nghị làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu khi không bảo đảm hệ thống cảnh báo an toàn tại dự án dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, dư luận còn bày tỏ sự đau xót và chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý học sinh trước những vụ đuối nước thương tâm.
Tre em lien tuc bi duoi nuoc: “Dung mat bo moi lo lam chuong“
Thi thể các em học sinh bị đuối nước ở Thanh Hóa được đưa về hậu sự. 
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng bày tỏ sự thương tiếc khi đề cập đến vụ việc đuối nước của 5 em học sinh ở Thanh Hóa và cho rằng: “Cần thiết phải đưa bơi lội thành một môn học chính thức trong nhà trường, ngay từ bậc tiểu học”.
Theo PGS.TS Bùi Thị An, chưa nói đến chuyện đuối nước của các em học sinh mà ngay việc thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cũng là vô cùng quan trọng, nhất là trong trường học, từ cấp nhỏ cho đến cấp lớn. Trẻ em không chỉ cần phát triển về trí tuệ mà còn phải chú trọng phát triển trí lực, thể lực, thể mĩ. Câu chuyện thể dục thể thao không chỉ đơn thuần là rèn luyện thân thể mà còn là ý thức cộng đồng.
“Khi chơi các môn thể dục thể thao, các em sẽ rèn luyện được cả ý thức về sự đoàn kết, giúp đỡ những người xung quanh. Do đó, tôi thấy thể dục thể thao càng ngày càng cần chú trọng trong môi trường nhà trường”, PGS.TS Bùi Thị An nói và cho biết môn bơi lội càng cần phải phát triển mạnh mẽ, đưa thành bài học bắt buộc và hiệu quả trong trường học. Bởi Việt Nam là đất nước có nhiều sông ngòi, kênh rạch và đường bờ biển kéo dài từ Bắc chí Nam.
“Việc đưa môn bơi lội vào trong trường học, tôi nghĩ không phải bây giờ mới là cần thiết mà nó cần thiết từ rất lâu rồi, cần phải làm được từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, khi đưa vào thành chương trình học thì phải thực sự dạy và học có hiệu quả, có sự giám sát, dạy đến nơi đến chốn chứ không được lơ là hay làm cho qua, làm lấy thành tích”, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng nhấn mạnh.
Thêm một lần nữa, sự ra đi của các em tuổi còn quá nhỏ là tiếng chuông cảnh tỉnh với toàn xã hội. Ngành giáo dục cần nhanh chóng thúc đẩy và đưa môn bơi lội vào chương trình học, dạy và học thực chất, nhất là với những địa phương có mật độ sông ngòi dày đặc.
Cần phải có những dự báo, dự đoán rồi có hoạch định cho tương lai, đón đầu mọi tình huống, đừng để sự việc đau lòng xảy ra rồi mới lo việc này việc khác, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Phải dự phòng trước mọi tình huống và có những biện pháp đón đầu, khắc phục hạn chế hậu quả đau lòng một cách tối đa.
Vận động gia đình chủ động đưa con đi học bơi
Ngay sau vụ đuối nước thương tâm của 5 em học sinh ở Thanh Hóa, Uỷ ban Quốc gia về trẻ em đã có Công điện về tăng cường công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.
Theo đó, từ đầu năm 2022 đã xảy ra nhiều trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước, dự báo tình trạng đuối nước trẻ em có nguy cơ gia tăng do học sinh trở lại trường học sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến. Du lịch mùa hè thu hút số lượng lớn du khách, trong đó có trẻ em.
Để bảo đảm môi trường sống an toàn, cứu sinh mạng trẻ em, đặc biệt phòng, chống đuối nước trẻ em, Ủy ban quốc gia về trẻ em đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em trong đó có phòng, chống đuối nước cho trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã có kế hoạch cụ thể, phân công cán bộ, công chức, các ngành, đoàn thể liên quan triển khai kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước, rơi, ngã và các nguy cơ mất an toàn khác tại địa bàn và các hộ gia đình, trường học, lớp học; có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh giới, nhắc nhở để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em.
Uỷ ban Quốc gia về trẻ em yêu cầu chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện trách nhiệm và phối hợp giữa các ngành, tăng cường truyền thông; hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng trường học, lớp học kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em.
Triển khai bàn giao và tổ chức việc phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức, cá nhân tình nguyện quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời điểm bão, lũ, thiên tai. Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Đầu tư ngân sách địa phương và vận động xã hội xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.
Chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em trong mùa hè; ngăn chặn, xử lý việc cung cấp, lan truyền các sản phẩm, nội dung phản cảm, có hại, tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt tại các địa phương, địa bàn xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích nghiêm trọng và có trẻ em tử vong.
>>> Mời quý độc giả xem thêm video: Đã Tìm Thấy 5 Thi Thể Học Sinh Đuối Nước Ở Sông Mộc Khuê
Thiên Tuấn