Triệu đô quảng cáo và nhà xe đuổi khách

Google News

Dù bất kể lý do gì thì hành vi nhà xe đuổi khách nước ngoài, chửi bới và dọa đánh là không thể chấp nhận được.

Không chỉ là để tăng thu cho nền kinh tế, du lịch là kênh ngoại giao hiệu quả để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Như Hà Nội đã mạnh tay chi hàng triệu USD cho việc này, UBND Thành phố này đã ký kết hợp tác tuyên truyền quảng bá giai đoạn 2017 - 2018 với mạng tin tức truyền hình CNN. Đây được xem là bước đột phá giúp Hà Nội thu hút du khách quốc tế.
CNN có hàng tỷ khán giả trên toàn thế giới và là nhà cung cấp tin tức cho hơn 200 đài phát thanh và truyền hình trên toàn cầu.
Trieu do quang cao va nha xe duoi khach
 Hình ảnh Việt Nam trên CNN.
Theo đó, CNN sẽ hợp tác với thành phố Hà Nội sản xuất 3 phim quảng cáo 30 giây cùng các phim 60 giây, phóng sự 3-5 phút, chương trình đặc biệt 30 phút trên truyền hình. Cùng với đó là các trang giới thiệu riêng về Hà Nội như “Hà Nội - Trái tim Việt Nam”, “Hà Nội của tôi” hay “Hà Nội Góc nhìn” trên trang cnn.com và bài viết trên mạng xã hội Facebook; Twitter cùng các banner quảng cáo.
Kênh phát trên cả 2 nền tảng truyền hình và kỹ thuật số như trên máy tính, ứng dụng trên các thiết bị cầm tay. Khu vực phát sóng: Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ và Nam Á.
Đà Nẵng, TP.HCM không công bố con số cụ thể nhưng tôi biết họ cũng bỏ ra nguồn lực không nhỏ. Du khách và các hãng du lịch nước ngoài thích thú với Slogan của du lịch TP.HCM “TP.HCM điểm đến thân thiện - an toàn” và toàn bộ hệ thống chính trị cũng đặt các tiêu chuẩn đó làm chương trình hành động.
Tiếc rằng chỉ với những việc lùm xùm gần đây đã ảnh hưởng không hề nhỏ tới hình ảnh du lịch Việt, thậm chí có nhiều vị khách đã “thề” trên mạng xã hội “một đi không trở lại Việt Nam”.
Đó là chuyện nhân viên nhà xe đuổi khách du lịch, ngược đãi rồi đổ ngược lại do hút khách hút thuốc, soi gương và đối xử không đúng mực.
Chính thái độ phi văn hóa kiểu này sẽ làm cho du lịch Việt mất điểm trầm trọng.
Trieu do quang cao va nha xe duoi khach-Hinh-2
 Phụ xe tên Thanh B. đang đuổi du khách nước ngoài
Trước đó, tài khoản Facebook có tên Celine Lin thông tin, sự việc diễn ra ngày 25/7. Nữ du khách Lin đi cùng xe với nhóm du khách nói tiếng Anh từ Hà Nội đến TP.HCM. Đến TP.Nha Trang thì xảy ra việc nhà xe đuổi khách du lịch xuống.
Trong clip, một nhân viên (sau này được xác định là Đặng Mậu Thanh B. - 30 tuổi) yêu cầu nhóm nữ du khách xuống xe, nhưng nhóm du khách này không đồng ý và muốn giải thích.
Thanh B không đồng ý, chửi tục và ném hành lý du khách. Một nam du khách khác khuyên can thì B. chạy vào trong xe tìm một cây gậy dài đòi đánh.
Clip mà nữ du khách Lin đăng trên mạng xã hội đã có hàng chục nghìn lượt chia sẻ.
Tới ngày 29/7, nhân viên Thanh B. đã bị cho nghỉ việc và thanh tra Sở GTVT TP.HCM cũng vào cuộc với hãng xe này.
Trieu do quang cao va nha xe duoi khach-Hinh-3
 Rồi vác gậy dọa đánh.
Trước việc nhà xe nói rằng du khách bị vứt đồ vì uống rượu, hút thuốc, nhổ nước bọt vào nhân viên B. nên B. mới mất kiểm soát. Thế nhưng, chiều hôm qua, người quay clip, du khách Celine Lin đã lên tiếng khẳng định nhà xe nói sai sự thật.
Nữ du khách Lin khẳng định chính Thanh B. mới là người hút thuốc và vứt tàn thuốc khắp nơi và cũng không có chuyện nhà xe tìm và xin lỗi nữ du khách kia.
Thực tế, sự thô bạo không giới hạn ở cung cách phục vụ của dân làm du lịch như nhà xe, hướng dẫn viên, nhân viên điểm phục vụ ăn uống mà còn chính là thái độ hung hăng, sử dụng nắm đấm bất kỳ lúc nào nổi nóng của những người này.
Thời gian qua, nhiều người tham gia giao thông khi xảy ra va chạm đã tấn công thô bạo du khách nước ngoài. Nhẹ thì xây xát, nặng thì phải nhập viện khiến công an vào cuộc khởi tố, điều tra.
Thiết nghĩ, du lịch Việt không thiếu quyết tâm, không thiếu nguồn lực nhưng cái thiếu cơ bản là truyền thông rộng rãi để xây dựng một cộng đồng hấp dẫn du lịch bởi bản sắc, an toàn và sự thân thiện.
Buồn cười là những vùng xa xôi như Tây Bắc lại được lữ khách thích thú và sẵn sàng quay lại bởi sự đa dạng về văn hóa, thái độ thân thiện của cộng đồng chứ không phải là những nơi phát triển như Hà Nội hay TP.HCM.
Trò chuyện với tôi, nhiều du khách bày tỏ họ ngán ngại lưu trú ở các đô thị bởi sự kém an toàn trong giao thông. Ngoài ra là tình trạng mất cắp, cướp giật và nhất là kém thân thiện vì người buôn bán không từ một cơ hội nhỏ nào để “chặt chém” du khách vì cứ nghĩ du khách là nhiều tiền.
Cho nên dù bất kể nguyên nhân gì thì hành vi chửi bới, đánh đuổi du khách phải bị xử lý nghiêm đủ răn đe. Có như thế mới hạn chế được tình trạng “kẻ xây, người phá” suốt thời gian qua.
Theo Hoàng Linh/Dân Việt