Khác với những mùa biển trước, giờ đây, ở làng chài Hải Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cánh đàn ông chiều chiều quanh quẩn ở nhà. Với họ, giờ cá, tôm đã cạn nên chẳng đi biển làm gì cho lỗ công.
Ngư dân vứt lưới
Chiều muộn, ngư dân Hồ Văn Sinh (55 tuổi) nằm đu đưa trên chiếc võng mắc ở hiên nhà, mắt đăm đăm nhìn ra biển quan sát xem có ai ra khơi hay không. Bên góc nhà, đống lưới đánh cá được buộc chặt đã lâu chưa mở.
Ông Sinh làm nghề lưới cá bãi ngang ở vùng biển ven bờ đã nhiều năm. Trước khi xảy ra sự cố Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt Formosa) xả thải làm ô nhiễm môi trường biển, mỗi chuyến ra khơi, ông cũng được vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng.
“Mùa này cá phèn, cá nục nhiều lắm! Trước đây, mỗi ngày tôi có thể đánh được 3-4 tạ. Giờ chẳng đi làm gì cho tốn công, tốn của. Cá đã ít rồi mà giá lại thấp, giảm 40%-50% so với lúc trước. Nhớ lại hồi đó mà tiếc, mà lo cho cuộc sống sau này” - ông Sinh trầm tư.
Ở bãi biển Hải Bình, dù chiều muộn nhưng hàng trăm chiếc ghe, thuyền của ngư dân vẫn “án binh bất động”, ngư lưới cụ “trùm mền”. Xa xa ngoài biển, lác đác vài chiếc ghe nhỏ đi hành nghề. Trước đây, cứ vào thời điểm này, thuyền đã ra khơi hết, chỉ khi biển động, ngư dân mới ở nhà. Ban đêm, ngoài biển tấp nập, người người phấn khởi vì được nhiều tôm, cá. Đâu như bây giờ...
Ở xã biển Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị giờ đây không khó để bắt gặp những tấm lưới chất từng đống bị vứt bỏ không thương tiếc. Ông Trần Luân - trưởng thôn 6, xã Triệu Lăng - cho rằng đời ngư phủ, nhiều người chỉ có thể sống được với nghề bằng cách đi bạn, khó mà sắm được con thuyền, mảnh lưới cho riêng mình. Họ xem tấm lưới như tài sản quý nhất của cuộc đời mình, phải tốn bao công sức mới mua được.
“Ai cũng xót xa, đau lòng lắm chứ nhưng biển thế này thì làm sao sống được. Họ đành bỏ nghề vào Nam mưu sinh” - ông Luân cho biết.
|
Thuyền và ngư lưới cụ “trùm mền”, ngư dân xã biển Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gánh nước tưới cho khỏi hư hại Ảnh: QUANG NHẬT |
Thèm cá lắm mà chẳng dám ăn
Cảnh Dương là một xã thuần ngư ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với hơn 90% người dân sống bằng nghề biển. Đây cũng là xã biển có số lượng thuyền và ngư dân nhiều nhất tỉnh Quảng Bình. Sau thảm họa Formosa, nhiều ngư dân đã úp thuyền, treo lưới, không ra khơi. Cuộc sống ngư dân nơi này khó khăn trăm bề.
Vài tháng nay, thay vì ra khơi đánh cá, ông Nguyễn Văn Trung (51 tuổi, ngụ thôn Liên Trung, xã Cảnh Dương) chiều đến lại cùng một số bạn thuyền ra biển ngồi ôn lại những chuyến đánh bắt ăm ắp cá tôm thuở nào.
Là một lão ngư có tiếng ở các làng chài Cảnh Dương với thâm niên gần 40 năm bám biển, chưa bao giờ ông Trung lại thấy buồn đến vậy. Mấy tháng nay, không thể ra khơi đánh cá, ông nhớ biển quay quắt. Giờ không đi biển, những ngư dân như ông thành người thất nghiệp, phải đối mặt vô vàn khó khăn.
Đi dọc các làng biển trong một buổi chiều muộn, chúng tôi bắt gặp ngư dân Dương Văn Vũ (41 tuổi, ở thôn Trung Vũ) ngồi bệt trên cát trắng, ôm chiếc thúng sau nhiều tháng ngày không ra khơi.
“Từ lúc biển “độc”, thúng của tôi úp lại, không còn đi nữa. Cả gia đình chỉ trông chờ vào chiếc thúng này, giờ nó nằm im một chỗ thì biết lấy gì mà sống... ” - ông Vũ tâm sự.
Theo ông Vũ, dù rất thèm cá nhưng gia đình ông và các ngư dân vẫn chưa dám ăn vì sợ nhiễm độc. “Bao năm sống với biển, lớn lên nhờ con cá, bữa ăn mà thiếu cá tôm, chúng tôi thèm lắm. Nhưng giờ chẳng ai dám ăn vì sợ nhiễm độc, ảnh hưởng sức khỏe” - ông Vũ lo lắng.
Biển Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh nhiều năm nay vốn nổi tiếng với các món hải sản tươi sống, nhiều nhà hàng san sát mọc lên dọc các bãi biển đẹp phục vụ người dân địa phương và du khách. Gần 4 tháng sau sự cố Formosa, các nhà hàng đều rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách. Nhiều người vay mượn đầu tư hàng trăm triệu đồng mở nhà hàng giờ mất trắng.
Bà Trần Thị Hương (50 tuổi, chủ quán Thìn Hương ở bãi biển Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh) suốt 4 tháng nay, sáng nào cũng mở quán ra, tối đóng lại mà không có khách nào ghé. Bởi lẽ, ai cũng sợ hải sản nhiễm độc, không dám ăn. “Ở đây, quán nào cũng như vậy cả. Lo lắm! Vay mượn người thân, ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư mở quán, bán không được, giờ biết lấy tiền mô trả nợ?” - bà than thở.
Rời Vũng Áng, chúng tôi đến xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh - nơi có tới 70% người dân sống nhờ vào biển, là vựa cá lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề. Cảng cá không còn nhộn nhịp như trước, hàng quán kinh doanh hải sản vắng teo. Hàng loạt nhà kho đông lạnh được đầu tư xây dựng quy mô từ 3-10 tỉ đồng rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng hay “đắp chiếu”.
Không giấu được nỗi buồn, ông Trần Văn Toàn, chủ một kho đông lạnh, cho biết trong kho tồn đọng khoảng 100 tấn cá trị giá 4 tỉ đồng nhiều tháng nay không bán được. Ngoài gia đình ông Toàn, hàng chục hộ khác cũng lâm vào cảnh tương tự.
Ông Biện Ngọc Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, cho biết: Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ nhà máy Formosa nhưng người dân ở đây vẫn thiệt hại rất lớn. Người dân sợ cá nhiễm độc nên ngư dân đánh bắt về rất khó bán, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, trên địa bàn có 13 kho đông lạnh, tồn đọng khoảng 8.000 tấn hải sản thu mua trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết vẫn chưa bán được.
>>> Mời quý độc giả xem video về Formosa (nguồn VTC):
Theo Người Lao Động