Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX đang được Bộ Công an lấy ý kiến.
Theo đó, đề xuất 189 hành vi bị trừ điểm GPLX từ 2 đến 12 điểm. Trong đó, 28 hành vi sẽ bị trừ hết 12 điểm là những vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông…
|
Ảnh minh họa. |
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ủng hộ việc trừ điểm trên GPLX. Ông nhấn mạnh, việc này sẽ giúp tài xế chấp hành pháp luật tốt hơn khi tham gia giao thông, từ đó ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ủng hộ trừ điểm GPLX
Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và có các điều khoản về trừ điểm GPLX. Mới đây, Bộ Công an cũng lấy ý kiến về dự thảo xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ, trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe. Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của trừ điểm GPLX?
Tôi ủng hộ quy định về trừ điểm GPLX. Quy định này không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính mà sẽ giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Đồng thời, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc lái xe chấp hành quy định trong suốt quá trình làm việc.
Quan trọng hơn sẽ giúp lái xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn sau mỗi lần bị trừ điểm, từ đó tiến tới ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông. GPLX chưa bị trừ hết điểm, tài xế tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng hoạt động tham gia giao thông, sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.
Thực tế, việc tính điểm trên GPLX là giải pháp được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Mỹ, Canada, Pháp hay Trung Quốc…
Để triển khai việc này một cách có hiệu quả, tôi cho rằng, cần phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm. Phải làm sao công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình ở đâu, điều chỉnh kịp thời.
Việc xử lý vi phạm cũng phải công khai, minh bạch. Nếu mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh, khi đó, việc tính điểm GPLX mới phát huy hiệu quả.
“Quy định này sẽ giúp lái xe nâng cao ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn sau mỗi lần bị trừ điểm, từ đó tiến tới ngăn chặn nguy cơ tai nạn giao thông”, ông Nguyễn Văn Quyền.
Lái xe lưu ý gì khi áp dụng quy định trừ điểm GPLX?
Dự thảo quy định rõ 189 hành vi bị trừ điểm GPLX, ông nhìn nhận thế nào về mức trừ điểm đối với các hành vi?
Tôi cũng đang nghiên cứu dự thảo của Nghị định này. Theo dự thảo, ngoài phạt vi phạm hành chính bằng tiền, có 189 hành vi sẽ bị trừ điểm GPLX từ 2 đến 12 điểm. Đáng chú ý, trong đó có 28 hành vi bị trừ 12 điểm đều là những hành vi vi phạm có tính chất cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, hủy hoại công trình giao thông.
Đó là điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở; điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép tham gia giao thông được ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 150%; đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ trên 35 km/giờ...
Đối với các hành vi bị trừ 10 điểm, đáng chú ý là điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở.
Nhóm bị trừ 6 điểm có lỗi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; không chấp hành hướng dẫn của người điều khiển hoặc người kiểm soát giao thông; lái xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên cao tốc; gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn...
Các hành vi bị trừ 2 đến 3 điểm chủ yếu ở lỗi điều khiển xe có liên quan trực tiếp tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn; kéo, đẩy xe khác; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, không có tín hiệu cảnh báo khi dừng đỗ xe... gây tai nạn…
Nhìn chung, những lỗi bị trừ hết điểm hay bị trừ điểm cao là những hành vi vi phạm có tính nguy hiểm. Cơ quan soạn thảo cho rằng, đây là những hành vi phạm phải ngăn chặn ngay. Do đó, có những cơ sở để đưa ra mức trừ điểm cao.
Theo dự thảo, nếu trừ hết điểm, người vi phạm sẽ bị thu hồi GPLX và bắt buộc tham gia 2 bài thi về trật tự và ATGT, chuyên gia có thể nêu ý kiến về việc này?
Dự thảo nêu rõ các quy cách phục hồi điểm số cho GPLX. Theo đó, GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm sau 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với GPLX vẫn chưa bị trừ hết điểm và không phát sinh thêm vi phạm trong 12 tháng. Nếu đã bị trừ toàn bộ điểm, GPLX sẽ bị thu hồi, chủ phương tiện cũng không được điều khiển xe khi tham gia giao thông ít nhất 6 tháng.
Dự thảo cũng nêu rõ, chủ GPLX bị trừ hết điểm phải trải qua bài kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ để được cấp bằng lái. Dự kiến có 2 phương pháp kiểm tra khác nhau bao gồm lý thuyết và mô phỏng.
Ở bài kiểm tra lý thuyết, số lượng câu hỏi và thời gian làm bài sẽ tăng dần dựa trên loại bằng lái. Ví dụ, người bị thu hồi bằng lái hạng A và B1 sẽ cần hoàn thành bài kiểm tra lý thuyết trắc nghiệm với 25 câu hỏi, hạng B và C1 là 35 câu hỏi.
Người bị thu hồi GPLX hạng C1E và hạng D sẽ phải hoàn thành bài trắc nghiệm 40 câu hỏi trong 26 phút. Ở bài thi mô phỏng, thời gian hoàn thành dự kiến không quá 10 phút. Mỗi câu hỏi dao động 0-5 điểm tùy việc tương tác với máy tính khi giải quyết các tình huống được cho sẵn. Để được phục hồi điểm, người sở hữu GPLX đối với xe hai bánh chỉ cần đạt phần kiểm tra lý thuyết. Trong khi đó, người cầm lái ôtô phải đạt đủ 2 nội dung là lý thuyết và mô phỏng.
Là chuyên gia giao thông, tôi cho rằng, quy định trên là cần thiết. Tài xế vi phạm bị trừ điểm GPLX sẽ phải nghiên cứu lại quy định của pháp luật về giao thông. Nội dung kiểm tra sẽ có kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ, các quy định về xử lý, xử phạt để kiểm tra nhận thức người lái xe bị thu hồi GPLX, từ đó nâng cao hiểu biết của lái xe khi tham gia giao thông.
Chuyên gia có lưu ý gì với các tài xế khi quy định trừ điểm GPLX được áp dụng?
Lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông luôn phải nắm vững các quy định của pháp luật, cập nhật quy định mới và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về giao thông, để không bị trừ điểm GPLX, đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi trên.
Trừ điểm GPLX là hợp lý, khả thi
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, đây là quy định mới, không phải chế tài, mà là biện pháp quản lý. Với những người liên tục vi phạm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính, mà còn vi phạm, sẽ bị trừ điểm trên GPLX. Bị trừ hết 12 điểm đồng nghĩa việc sẽ không được lái xe trong một thời gian nhất định cho đến khi thực hiện thủ tục để phục hồi điểm số theo quy định của pháp luật.
Việc trừ điểm GPLX là hợp lý và có tính khả thi, bởi hiện nay Việt Nam đã hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng và đang thực hiện chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quản lý xã hội, trong đó có quản lý lĩnh vực hành chính về giao thông đường bộ, về cấp GPLX. Bởi vậy, đây là cơ sở về hạ tầng, điều kiện để đảm bảo quy định này có thể thực hiện trên thực tế, đảm bảo tính khả thi trong quá trình áp dụng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Gia tăng đột biến người xin cấp đổi Giấy phép lái xe sau Nghị định 100 có hiệu lực
Nguồn video: Truyền hình Thanh Hóa
Hải Ninh thực hiện