Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã đưa ra phát biểu trên vào tối muộn ngày 11/12 nhằm phản bác lại khẳng định của Bộ Ngoại giao Việt Nam đối với chủ quyền ở hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo đó, ông Hồng Lỗi đã không ngượng mồm khi nói rằng, Bắc Kinh không hề có tranh chấp chủ quyền nào đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển lân cận. Cùng với đó, vị đại diện này còn khẳng định một cách phi lý khi tuyên bố: “Quần đảo Hoàng Sa là vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc và không có bất cứ tranh chấp nào ở đó cả” (?).
|
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Nguồn: Xinhuanet.com. |
Để giải thích cho câu phát biểu ngang ngược trên, ông Hồng trình bày rằng, vào năm 1948, chính phủ họ đã xuất bản tấm bản đồ đường 9 đoạn. Ông Lỗi còn nói rằng, chủ quyền và các quyền hàng hải, lợi ích ở Biển Đông của Trung Quốc đã được hình thành và trải dài qua nhiều năm lịch sử.
Phát ngôn viên Hồng Lỗi còn phi lý khi nói phía Việt Nam “tôn trọng chủ quyền cũng như quyền lãnh hải của họ” trên Biển Đông. Cuối cùng, đại diện Bắc Kinh khẳng định, lập trường của họ đối với vụ kiện tụng với Phillippines sẽ không thay đổi.
Trước đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình đã khẳng định rằng: “Một lần nữa, Việt Nam tuyên bố có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền và lợi ích pháp lý khác của Việt Nam ở Biển Đông".
Còn nhớ, vào ngày 9/12, Bắc Kinh cũng đã phản pháo mạnh mẽ sau khi Bộ ngoại giao Mỹ công bố báo cáo liên quan tới yêu sách đường 9 đoạn vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, ông Hồng Lỗi đã ngang ngược tuyên bố rằng, quyền đó của Bắc Kinh là “dựa vào các tuyên bố trong lịch sử”.
Trong phát biểu tiếp theo của mình, vị này cũng yêu cầu Washington cần tuân thủ các cam kết, phát ngôn cũng như hành động cẩn trọng trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Chia sẻ về vấn đề trên, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia hàng đầu về Biển Đông làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia cho biết, Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng trong tranh chấp lãnh hải này khi tuyên bố không tham gia vào vụ kiện tụng do Philippines khởi xướng ở tòa án trọng tài. Tuy nhiên, chính bản báo cáo mới đây của Bộ Ngoại giao Mỹ đã phần nào buộc Trung Quốc phải trình ra những bằng chứng thuyết phục để làm rõ các tuyên bố của họ đối với chủ quyền lãnh thổ.
“Trung Quốc thậm chí còn có thể vẽ thêm các đoạn khác xung quanh Đài Loan như là đoạn thứ 10. Vì thế, những đoạn này sẽ không là cố định như Trung Quốc muốn chúng ta tin. Với bản báo cáo đó của mình, Mỹ đã thiết lập bước khởi động nhằm giúp thúc đẩy các tranh luận pháp lý đi xa hơn”, Giáo sư Carl Thayer nói.
Trong khi đó, Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh Wang Dong chia sẻ quan điểm rằng, cả báo cáo mới đây của Mỹ cũng như vụ kiện tụng do Philippines khởi xướng đều không mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc tranh chấp này.
“Chúng không giúp ích gì trong việc dịu bớt tình hình ở Biển Đông cả. Chẳng những vậy, nó còn làm khuấy động mọi thứ lên một cách không cần thiết. Thậm chí, chúng sẽ khiến các nước có liên quan trong cuộc tranh chấp này không còn muốn tham gia vào các cuộc đàm phán”, vị giáo sư Trung Quốc nói.
Thanh Nga (tổng hợp)