Trung tâm Tâm Việt bị tố ngược đãi trẻ: Thanh tra việc bạo hành, xâm phạm quyền trẻ em

Google News

Liên quan đến hoạt động của Trung tâm Tâm Việt ở Từ Sơn, Bắc Ninh, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) đã gửi Công văn yêu cầu Sở LĐ,TB&XH Bắc Ninh vào cuộc thanh tra đối với điều kiện hoạt động, hành vi xâm phạm quyền trẻ em.

"Bạo hành trẻ là không nên"
Theo thông tin phản ánh của báo Vietnamnet, ngày 29/10, giáo viên tại Trung tâm Tâm Việt ở tầng 3 khu KTX Trường Đại học TDTT Bắc Ninh (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) có hành vi quát, mắng học sinh.
Cụ thể, trong clip được đăng tải kèm theo bài viết, khi một học sinh nữ không chịu tập liền bị N.T.T.D. (SN 1992) - giáo viên Tâm Việt ném bóng liên tiếp, chỉ tay vào mặt em và hét lên: “Đùa với bố mày đấy à? Trong túi xách bao giờ cũng có dao đấy nhé”.
Trong giờ ăn, khi một em học sinh không nghe lời, người nấu bếp dùng đũa đánh liên tiếp khiến học sinh này khóc trong hoảng loạn. Trung tâm này cũng để cho các học sinh nhanh nhẹn hơn làm vệ sinh cá nhân cho những em khác nên rất qua loa và bẩn. Nhà vệ sinh nồng nặc mùi khai.
Trung tam Tam Viet bi to nguoc dai tre: Thanh tra viec bao hanh, xam pham quyen tre em
Phụ huynh từ Nghệ An đến thăm con ở cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Lê Đăng
Sau khi clip được đăng tải, không ít phụ huynh, độc giả bày tỏ sự thất vọng và mong muốn cơ quan chức năng làm rõ liệu những thông tin tố cáo sai phạm tại trung tâm này có đúng không?
Liên quan đến sự việc trên, chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tâm Việt Group) cho biết: “Sự việc mà báo chí phản ánh đã xảy ra từ tháng 6/2019. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi cũng đã xin lỗi phụ huynh, kiểm điểm xử lý và kỷ luật nghiêm các trường hợp trên. Việc bạo hành trẻ là điều không nên, song chuyện xảy ra là ngoài mong muốn. Hiện nay, trung tâm đã được chuyển đến nơi đào tạo mới với hy vọng sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình”.
Theo ông Phan Quốc Việt, giáo dục trẻ đặc biệt có rất nhiều khó khăn, chúng ta cũng nên nhìn ở góc độ đặc biệt. Do các em học tại đây không được bình thường nên hành động của các em làm cho giáo viên nhiều khi không thể kiểm soát hết được.
“Nếu mọi người bỏ ra một ngày đến cùng ở với các em thì mới hiểu được. Các em có những hành động không bình thường nên nhiều khi giáo viên không kìm chế được. Có những tình huống bất ngờ khi nửa đêm đang ngủ các em dậy cầm ván đánh vào đầu; sáng dậy thì cởi truồng chạy khắp nơi. Tuy nhiên, khi giáo viên không kìm chế được và có hành động không đúng mực thì phải kỷ luật ngay”, ông Việt chia sẻ.
Trung tâm Tâm Việt đã chuyển đến cơ sở mới ở thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trung tâm đang có khoảng 40 trẻ với 5 giáo viên chính thức. Hàng tháng, mỗi trẻ sẽ phải đóng phí từ 0 - 15 triệu đồng, tùy trẻ.
Triển khai thanh, kiểm tra
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) thông tin, Cục đã gửi công văn yêu cầu Sở LĐ,TB&XH Bắc Ninh vào cuộc thanh tra đối với điều kiện hoạt động của Trung tâm Tâm Việt và xử lý các hành vi xâm phạm quyền trẻ em.
Sở LĐ,TB&XH Bắc Ninh có buổi làm việc, kiểm tra, nắm tình hình. Quá trình xác minh, Sở LĐ,TB&XH Bắc Ninh phát hiện, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của trung tâm này do Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hà Nội cấp với tên doanh nghiệp đầy đủ là: Công ty TNHH Tâm Việt Giáo dục hòa nhập cộng đồng cho trẻ em khuyết tật; cấp lần đầu ngày 12/4/2016; Trụ sở chính tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội)
“Đây cũng là một yếu tố khiến việc thanh tra, xử lý hệ lụy các hành vi bạo hành trẻ em ở Trung tâm Tâm Việt trở nên phức tạp, vì họ đăng ký kinh doanh ở Hà Nội nhưng hoạt động ở các tỉnh/thành khác. Tuy nhiên, chúng tôi xác định rõ, khó nhưng vẫn phải giải quyết đến cùng. Vấn đề quan trọng bây giờ là sự phối hợp giữa Sở LĐ,TB&XH Bắc Ninh và Sở LĐ,TB&XH Hà Nội”, đại diện Cục Bảo vệ trẻ em cho hay.
Ông Đặng Hoa Nam khẳng định, nếu có dấu hiệu ngược đãi trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật, Cục sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật; nhẹ thì phạt hành chính; nặng và gây hậu quả nghiêm trọng sẽ buộc phải xử lý hình sự.
Khổ hơn người khuyết tật
Trước những thông tin liên quan đến Trung tâm Tâm Việt, chia sẻ với Báo GD&TĐ, anh Hoàng Quang V. cho biết: “Tôi từng cho con theo học Tâm Việt của ông Phan Quốc Việt. Tôi từng nói với Tâm Việt là các con của chúng tôi bị tự kỷ - là những người đặc biệt. Chúng cần được nuôi dạy thành người bình thường chứ không phải thành quá đặc biệt nữa”.
Chị Jang K. cũng là người có con mắc chứng tự kỷ. Chị cho biết: “Cách đây khoảng 2 năm, tôi được bạn bè giới thiệu có một phương pháp chữa cho trẻ tự kỷ rất hay của ông Tiến sĩ Phan Quốc Việt - một tiến sĩ Toán. Nhưng là một người mẹ có con mắc chứng tự kỷ, tôi rất hiểu tự kỷ chưa có cách chữa! Chỉ có một số hành vi có thể được cải thiện qua giáo dục cẩn thận và sử dụng các chương trình đã được thử nghiệm”.
Anh Trần Hà (Hà Nội), phụ huynh có con xuất hiện trong clip được đề cập trên báo chí trần tình: “Con tôi đi khám; bác sĩ kết luận cháu bị tự kỷ, tăng động, giảm chú ý. Tôi đã gửi con đến trung tâm này được hơn 1 năm. Sau sự việc xảy ra, trung tâm đã họp phụ huynh có lời xin lỗi. Các con chúng tôi bị hội chứng tự kỷ còn khổ hơn những người khuyết tật. Nhiều cháu không kiểm soát được hành vi”.
Theo Lê Đăng / Giáo dục & Thời đại