Trung tướng Nguyễn Hải Trung: Thao túng lợi ích nhóm ngân hàng đáng lo ngại

Google News

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về ngân hàng.

Nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 10/6 trước Quốc hội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội cho rằng tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là việc huy động vốn để cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Theo ông Trung, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã có quy định về việc sửa đổi, điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức, tăng tính đại chúng của các tổ chức tín dụng và có thêm các diện đối tượng liên quan, điều này là cần thiết.
Trung tuong Nguyen Hai Trung: Thao tung loi ich nhom ngan hang dang lo ngai
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP Hà Nội  
“Quy định này giúp cơ cấu cổ đông của ngân hàng lành mạnh hơn; tránh quyền lực, quyền tự quyết tập trung quá lớn vào một ông bà chủ nào đó. Từ đó, hạn chế các hành vi điều hành hoạt động của tổ chức theo hướng phục vụ cho các công ty "sân sau" và lợi ích của các cổ đông lớn, làm tổn hại đến lợi ích của ngân hàng nói chung và các cổ đông còn lại nói riêng”, ông Trung nói.
Dù vậy, thực tế không thể phủ nhận là vẫn có thể có sự tồn tại của các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh trong Hội đồng quản trị, ban điều hành, nắm cổ phần chi phối càng ngày càng nhiều hoạt động của ngân hàng. Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho rằng, các giải pháp nêu trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng cần nghiên cứu bổ sung 2 vấn đề. Một là, bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hai là phải cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) nêu ý kiến thảo luận vấn đề trên cho biết, hiện có nhiều thông tin liên quan đến sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là việc rất được quan tâm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hiện nay.
“Việc sở hữu chéo ai cũng biết, nhưng để chỉ mặt đặt tên ra thì rất khó, có sự lòng vòng, lắt léo trong hệ thống tín dụng của chúng ta nếu đánh giá về sở hữu chéo và thực sự đây là vấn đề khó” – ông An nói.
Trung tuong Nguyen Hai Trung: Thao tung loi ich nhom ngan hang dang lo ngai-Hinh-2
Đại biểu Trịnh Xuân An 
Để chấm dứt tính trạng sở hữu chéo, đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng, trong dự thảo Luật, những chủ trương, chính sách đang thiết kế chưa đủ mạnh, chỉ tập trung giảm tỷ lệ cổ phần, cấp hạn mức tín dụng. Để chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm, cần xem xét, thiết kế lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng, để giải quyết hiệu quả hơn nữa vấn đề này.
“Cần thiết phải đặt lại mô hình kiểm tra giám sát của cơ quan tài chính liên quan đến ngân hàng. Cần phải có một cơ quan thanh tra, kiểm tra ngân hàng, hoạt động tín dụng mang tính độc lập. Làm tốt thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai minh bạch trong tất cả các giao dịch, thì không nhất thiết phải giảm cổ phần, room cấp vốn, thậm chí có thể cho cao hơn, nhưng quản lý được, để tổ chức và cá nhân không dám, không thực hiện được các hành vi sở hữu chéo”, ông An kiến nghị.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP HCM thống nhất với các ý kiến đại biểu đã phát biểu trước liên quan đến vấn đề sở hữu chéo giữa các ngân hàng thương mại với nhau, giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp và việc các tập đoàn kinh tế thành lập ngân hàng để huy động vốn phục vụ chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp mình giữ cổ phần vốn sở hữu, dẫn đến khó kiểm soát, hoạt động thiếu minh bạch, dễ dẫn đến sai phạm và ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng chung, nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Do đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chặt chẽ để xử lý các vấn đề này.
Trung tuong Nguyen Hai Trung: Thao tung loi ich nhom ngan hang dang lo ngai-Hinh-3
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết  
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, liên quan đến giảm giới hạn về sở hữu của cổ đông, sở hữu của cổ đông và người có liên quan, giới hạn về cấp tín dụng cho một khách hàng và một khách hàng, dự thảo luật thiết kết như vậy nhằm mục đích hướng đến là hạn chế việc chống thao túng và sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng. Đây là yêu cầu của các cấp có thẩm quyền (Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội.
Thống đốc nhấn mạnh, đi đôi với thực hiện quy định trong luật, khâu tổ chức thực hiện rất quan trọng. Thực tế, quy định về sở hữu cổ đông, sở hữu chéo không cho phép và trên thực tiễn, tỷ lệ sở hữu, sở hữu chéo cơ bản được khắc phục. Nhưng trong thực tiễn có tình trạng cổ đông nhờ người có liên quan đứng tên nhưng ngân hàng không thể nắm được, đòi hỏi rất nhiều công cụ và giải pháp và từ nhiều cơ quan khác nhau, như minh bạch hóa cơ sở dữ liệu các giao dịch của dân cư, cơ sở dữ liệu các giao dịch về vốn, các giao dịch của các doanh nghiệp…
>>> Mời độc giả xem thêm video Ly kỳ vụ cướp ngân hàng táo bạo nhất trong lịch sử thế giới
  
Hải Ninh