Sáng 16/11, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị (KN) của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
570 kiến nghị của cử tri nhiều tỉnh thành chưa được giải quyết
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện còn 570 KN của cử tri các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, TP Hà nội... chưa được giải quyết. Thống kê cho thấy, nhiều nhất là Bộ Tài nguyên Môi trường có đến 80 kiến nghị, Bộ Y tế - 60 kiến nghị chưa được giải quyết. Trong đó có đến 352 kiến nghị không nêu lộ trình và thời hạn giải quyết là chưa đúng quy định của pháp luật.
|
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội trình bày báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri trước Quốc hội.
|
Nội dung 570 kiến nghị chưa được giải quyết tập trung vào các vấn đề như nạn chặt phá rừng; phân bón giả; tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp; ô nhiễm môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên, khoáng sản; rác thải ở nông thôn; ảnh hưởng biến đổi khí hậu lên vùng núi Tây Bắc; tai nạn giao thông tại khu vực đường tránh tàu; vấn đề tuyển sinh của khối các trường sư phạm; quản lý giá thuốc, đấu thầu thuốc chữa bệnh; xây dựng trụ sở quá to, gây lãng phí; quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; chế độ của công chức xã, phường; quản lý kinh doanh trò chơi điện tử,...
“Cử tri các tỉnh đang rất trông chờ Chính phủ có giải pháp đột phá để giải quyết dứt điểm các kiến trên” - Trưởng Ban Dân nguyện cho biết.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng thông tin, còn một số kiến nghị đã được trả lời nhưng chưa rõ, không phù hợp thực tiễn nên cử tri lại tiếp tục kiến nghị.
Người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc giải quyết các kiến nghị của cử tri phản ánh về tham nhũng, lãng phí còn bất cập.
“Cử tri nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh,… cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt đối với nhiều vụ tham nhũng lớn. Tuy nhiên, số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình mà cử tri phản ánh, xử lý hành chính, kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra”.
Đáng chú ý, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết: “Hiện tượng người dân phải “lót tay” để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng, diễn biến phức tạp.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, công tác giải quyết kiến nghị về việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế.
“ Thực tế cho thấy, quy định về thực hiện công khai, minh bạch được nêu trong nhiều văn bản như Luật: Đất đai, Đầu tư công, Ngân sách, Pháp lệnh thực hiện Dân chủ ở xã, phường, thị trấn... nhưng việc thực hiện còn hình thức, vi phạm còn nhiều nhất là minh bạch trong công tác cán bộ, tài chính, đầu tư thực hiện dự án, lập danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, kế hoạch sử dụng đất,... nhưng rất ít cơ quan bị nhắc nhở, xử lý”. Bà Hải cho biết.
Cán bộ tiếp dân không đủ trình độ
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, các kiến nghị của cử tri phản ánh những bức xúc về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả.
“Còn hiện tượng bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhưng không đủ trình độ, trách nhiệm”, bà Hải cho hay.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lấy ví dụ như vụ việc xin cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ việc tại xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội); xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa); xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương) khi công dân xin xác nhận lý lịch để đi học, đi làm.
Ngoài ra, việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cũng chưa thường xuyên (tính đến năm 2017, có tới 45% công chức làm công tác tiếp công dân chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ).
Qua đó, Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ cần nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị của cử tri, bảo đảm rõ ràng, không trùng lặp…Trong hoạt động giám sát, cần tích cực sử dụng kết quả Kiểm toán Nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã nêu.
“Chỉ đạo Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
Ngoài ra các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính; tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc.
Trưởng ban Dân nguyện cũng đề nghị Thủ tướng thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Hải Ninh