Trưởng Ban nội chính Thái Bình gây tai nạn bị khởi tố: Say rượu, bỏ trốn... liệu có tăng nặng?

Google News

(Kiến Thức) - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình bị khởi tố liên quan vụ tai nạn 3 người thương vong tại TP Thái Bình. Dư luận đặt câu hỏi, trường hợp ông Nguyễn Văn Điều say xỉn, bỏ chạy sau khi gây tai nạn có phải tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự?

Ngày 3/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình đã khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Điều (tên thường gọi là Nguyễn Văn Dũng, SN 1967, trú tại thôn Bùi Xá, xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại khoản 2, Điều 260, BLHS năm 2015.
Ông Nguyễn Văn Điều bị khởi tố do liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến ba người thương vong, xảy ra ngày 8/5, tại ngã ba đường Trần Thủ Độ giao với đường gom thuộc địa phận tổ 19, tổ 20 phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Đáng chú ý, theo người dân, thời điểm sau khi gây tai nạn, ông Điều tiếp tục lái xe bỏ chạy và có biểu hiện say xỉn. Dư luận quan tâm, với hành vi gây tai nạn giao thông nghiêm trọng dẫn đến chết người, ông Điều sẽ phải đối mặt mức án nào? Trường hợp cơ quan chức năng kết luận ông Điều có biểu hiện say xỉn và bỏ chạy khi gây tai nạn liệu có phải là tình tiết tăng nặng?
Truong Ban noi chinh Thai Binh gay tai nan bi khoi to: Say ruou, bo tron... lieu co tang nang?
Trưởng ban Nội chính Thái Bình Nguyễn Văn Điều và chiếc xe gây tai nạn. 
Theo thông tin từ cơ quan Công an tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Văn Điều bị khởi tố theo khoản 2, Điều 260, BLHS năm 2015 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Nếu quá trình điều tra xác định ông Điều đã vi phạm theo quy định trên thì sẽ phải đối mặt với mức án tù từ 3 - 10 năm.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trường hợp xác định người điều khiển chiếc xe ô tô gây tai nạn và có lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, lái xe có sử dụng rượu bia, bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc không cứu giúp người bị hại, người điều khiển phương tiện này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù theo quy định tại điều 260 BLHS năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, hành vi sử dụng rượu bia sau đó lái xe mà gây tai nạn giao thông hậu quả nghiêm trọng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với tình tiết này thì người vi phạm giao thông sẽ phải đối mặt với mức án ít nhất ba năm tù, cao nhất đến 10 năm tù. Ngoài ra hành vi bỏ chạy, trốn tránh cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và vi phạm đạo đức xã hội.
Bởi vậy điều 260 BLHS 2015 quy định hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự Khi bị xem xét xử lý sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, ông Nguyễn Văn Điều đã nhận thức rõ vi phạm, chủ động báo cáo vi phạm của mình với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; đồng thời, chủ động khắc phục hậu quả, tự giác bồi thường thiệt hại và nghiêm túc kiểm điểm, tự giác nhận hình thức kỷ luật của Đảng. Các gia đình, người bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đồng chí Nguyễn Văn Điều.
Thông tin trên khiến dư luận đặt câu hỏi, việc chủ động khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại và gia đình bị hại có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự thì có phải là tình tiết giảm nhẹ đối với ông Nguyễn Văn Điều?
Luật sư Nguyễn Hồng Giang, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc ông Điều chủ động khắc phục, bồi thường thiệt hại, gia đình nạn nhân có đơn xin giảm nhẹ và đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Văn Điều chỉ là tình tiết giảm nhẹ trong quá trình xử lý vụ án.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc đối với một người có vị trí xã hội như ông Nguyễn Văn Điều.
Theo luật sư Bình, vừa qua báo chí đưa thông tin, ông Điều tham gia giao thông trong tình trạng hơi thở có nồng độ cồn, khi gây tai nạn bỏ chạy và làm thương vong nhiều người, cụ thể ở đây là làm chết 1 người và bị thương 2 người. Nếu thông tin trên là đúng, hành vi bỏ chạy, trốn tránh cũng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và vi phạm đạo đức xã hội.
Bởi vậy, điều 260 Bộ luật hình sự quy định hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Với tình tiết này thì người vi phạm giao thông sẽ phải đối mặt với mức án ít nhất 3 năm tù, cao nhất đến 10 năm tù.
Nhưng sau đó, ông Nguyễn Văn Điều nhận thức rõ sai phạm, chủ động báo cáo về vi phạm của mình với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, đồng thời chủ động khắc phục hậu quả, tự giác bồi thường thiệt hại và nghiêm túc kiểm điểm, nhận hình thức kỷ luật của Đảng. Do đó trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các cơ quan tố tụng cũng căn cứ vào nhiều tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để đưa ra phán quyết cuối cùng.
“Trường hợp người phạm tội hoặc gia đình có người thân là người có công với cách mạng phải có nhiều công sức đóng góp cho đất nước, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, người nhà nạn nhân có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị can... cũng sẽ là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hay miễn trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự” - luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 quy định, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 -10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 2 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122 - 200%;
h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
 >>> Mời độc giả xem video Trưởng Ban Nội chính Thái Bình gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn?

Nguồn: VTC News. 

Tâm Đức