Trường Gateway thay đổi cách liên lạc với phụ huynh: Liệu còn rủi ro?

Google News

(Kiến Thức) - Vừa qua, sau sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, trường này đã thay đổi cách thức liên lạc với phụ huynh.

Chị Phạm Thị Lan Anh - một phụ huynh đang có con theo học tại trường này cho biết: "Ngay ngày hôm sau có thông báo với phụ huynh qua cả mail, tin nhắn và điện thoại trực tiếp từ trường. Thứ nhất là báo sĩ số qua tin nhắn, thứ hai là qua Zalo".
Cũng theo phụ huynh này, trường Gateway vẫn sử dụng một phần mềm riêng để phụ huynh biết thông tin, sĩ số cũng như ảnh của các con ở trên lớp, và thông qua cả thư điện tử.
Truong Gateway thay doi cach lien lac voi phu huynh: Lieu con rui ro?
 Khuôn viên trường Gateway.
Trước đó, anh Trương Tất Thành - Hội trưởng phụ huynh lớp 1 Tokyo, trường Gateway nơi nạn nhân nhỏ tuổi Lê Hoàng Long theo học, cho biết nguyên tắc của trường là không cho số điện thoại của giáo viên.
"Ngay chính tôi là hội trưởng hội phụ huynh học sinh mà mình còn không biết số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm. Cô giáo không biết số điện thoại của tôi. Nhà trường có một mạng xã hội, phụ huynh download ứng dụng về để liên lạc với trường", anh Thành nói và cho rằng cách thức liên lạc này chỉ dành cho bố mẹ nào dùng điện thoại thông minh.
Anh Thành cũng cho biết, một phụ huynh lớn tuổi từng nêu ý kiến rằng với cách thức liên lạc bằng phần mềm quản lý thông tin như thế thì phải làm sao để trao đổi được với giáo viên nhưng nhà trường không trả lời.
Nói về việc thay đổi cách thức liên lạc với phu huynh của trường Gateway, anh Hải Đăng (quận Hà Đông, Hà Nội) nêu quan điểm: "Tôi vẫn thấy bất cập trong việc trường Gateway trao đổi với phụ huynh. Có một điểm thế này, nhiều gia đình bố mẹ đi công tác xa, hoặc không hẳn đã quá để ý đến con. Việc đưa đón, chăm sóc các cháu có thể sẽ do ông bà đảm nhận. Nếu áp dụng công nghệ bằng smartphone, những người trung niên, cao tuổi sẽ rất khó để xoay sở".
Anh Đăng cũng bày tỏ sự khó hiểu về luật không cho số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm của trường Gateway.
Truong Gateway thay doi cach lien lac voi phu huynh: Lieu con rui ro?-Hinh-2
 Phần mềm liên lạc của trường Gateway.
Anh Nguyễn Hải (quận Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng, việc thay đổi cách liên lạc với phụ huynh của trường Gateway chỉ là giải pháp tình thế.
"Tôi nghĩ rằng tuy trước đó, nhà trường không cho giáo viên và phụ huynh có liên hệ với nhau mà chỉ thông qua phần mềm riêng với mục đích là để chống tiêu cực, chống yêu sách từ chính những người trực tiếp nuôi, dạy các em ở trường.
Việc đa dạng hình thức liên lạc có thể sẽ là điều kiện để những tiêu cực trong giáo dục phát sinh như: lo lót, tặng quà... Vì vậy, việc trường Gateway thêm và thay đổi cách thức liên lạc là cần thiết nhưng bên cạnh đó, cần thực hiện 1 cách tích cực, chặt chẽ đảm bảo sự liêm chính trong môi trường giáo dục".
Theo anh Xuân Thắng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), việc nhà trường gắn kết chặt chẽ với phụ huynh là điều cần thiết, tuy nhiên cũng giống như anh Đăng, anh Thắng cũng không đồng tình với việc không cho phụ huynh liên lạc với giáo viên chủ nhiệm. 
"Tôi rất muốn kiểm soát chặt chẽ con mình. Giao thông bây giờ rất nguy hiểm, việc kiểm soát chuyện đến trường và về nhà của con là điều bắt buộc. Ví dụ, monitor đưa con tôi đến trường. Sau đó cháu hiếu động, không vào lớp học mà chạy đi nơi khác chơi thì tôi biết phải gọi cho ai?".
Cũng theo anh Thắng, việc cần có số điện thoại di động của giáo viên chủ nhiệm là bắt buộc, bởi phụ huynh cần phải biết được tình trạng học tập của con mình theo từng ngày, không thể đợi đến ngày họp phụ huynh hay xem qua sổ liên lạc. 
Chị Cẩm Anh (quận Tây Hồ, Hà Nội) thì đặt câu hỏi: "Trong trường hợp phần mềm trục trặc, thì ngày đi học của các học sinh sẽ phải thông báo thế nào? Chưa hết, trong trường hợp bất khả kháng như một bên lỡ sơ ý không cầm theo điện thoại, hoặc điện thoại hết pin thì sao?".
Liên quan đến sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe trường Gateway tử vong, bà Nguyễn Thị Thủy, chủ nhiệm lớp 1 Tokyo, điểm danh học sinh lúc 7h50 ngày 6/8 và nhập thông tin vào phần mềm Sycamore thông báo một học sinh vắng mặt, tuy nhiên bộ phận có trách nhiệm đã không thông báo cho phụ huynh.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Gateway, cũng nói cô chủ nhiệm điểm danh phát hiện vắng học sinh Lê Hoàng Long nên báo cho hệ thống quản trị nhà trường, nhưng "cô phụ trách gọi điện cho phụ huynh lại nghỉ phép nên xảy ra bất cẩn".
Đánh giá sự kết nối của nhà trường với phụ huynh, trong cuộc họp báo trưa 7/8, ông Phạm Xuân Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy, nói nguyên tắc khi học sinh vắng mặt nhà trường phải thông báo với phụ huynh. Có trường dùng điện thoại, nhắn tin, "nhưng với Gateway thì có lẽ do phần mềm mới đưa vào hoạt động nên không thông tin kịp thời".
Hệ thông trường Gateway  thuộc quản lý của Tập đoàn Edufit, có địa chỉ 89 đường Khúc Thừa Dụ (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 2017, trường này mở thêm cơ sở ở Hải Phòng. Một cơ sở khác của Gateway ở Tây Hồ Tây - Starlake vừa mới được động thổ vào cuối tháng 6/2019.
Học phí bậc tiểu học năm học 2019-2020 của trương Gateway gần 120 triệu đồng và hơn 140 triệu đồng cho bậc THCS. Mức này chưa bao gồm phí học liệu, tiền ăn, xe buýt và phí trông muộn.
>>> Xem thêm: Khu vực chiếc xe đưa đón bé trai lớp 1 trường Gateway dừng đỗ có gì bất thường?

Nguồn: VTV.


 
Quý An