Điểm chuẩn bằng điểm sàn, vẫn không đủ chỉ tiêu
Trừ hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TPHCM có điểm đầu vào năm 2017 ở mức ổn định so với các năm trước - trên 20 điểm, còn đa phần các trường khác đều có điểm chuẩn rất thấp so với mặt bằng chung.
Trường ĐH sư phạm Huế đã công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển hệ đào tạo ĐH năm 2017. Nhiều mã ngành của trường lấy bằng điểm sàn quy đổi, chỉ ở mức 15,5 điểm.
|
Nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn rất thấp nhưng vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn) |
Đại học Hồng Đức (công lập, tỉnh Thanh Hoá) 10/10 ngành Sư phạm hệ đại học lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5. Đại học Tân Trào (công lập, tỉnh Tuyên Quang) cũng lấy chuẩn đầu vào cả 4 ngành sư phạm hệ đại học (mầm non, tiểu học, Toán, Sinh) là 15,5 điểm.
Nhiều trường công lập vùng miền như: Đại học Tây Nguyên; Đại học An Giang điểm trúng tuyển ngành sư phạm cũng rất thấp.
|
Điểm đầu vào của Đại sư phạm Huế. |
Đặc biệt, Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), những năm trước các ngành Sư phạm toán, tin, lý, hoá, sinh luôn có điểm chuẩn cao, vì được coi là ngành hot trong trường, nhưng năm nay cũng chỉ lấy 15,5 điểm. Có điều, điểm chuẩn thấp nhưng vẫn ít thí sinh lựa chọn. Sau đợt xét tuyển đầu tiên, trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.
Như ngành Sư phạm vật lý chỉ tiêu 60 nhưng số thí sinh trúng vào mới được 22, trong đó 5 thí sinh có mức điểm xét tuyển 15,5-16,75; ngành Sư phạm tin tuyển 40 chỉ tiêu chỉ có có 3 thí sinh đỗ với mức điểm 17-20.
Vì ít thí sinh lựa chọn, nên các trường đành phải đưa ra giải pháp an toàn là lấy điểm đầu vào thấp nhất có thể để đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh. Có điều, điểm chuẩn thấp kỷ lục, học sinh vẫn “thờ ơ” với ngành sư phạm.
Lý do của điều này là vì những năm qua, hàng vạn sinh viên sư phạm ra trường mà không xin được việc làm. Giả sử nếu xin được một chỗ nào đó trong các trường học thì cũng chỉ được trả những đồng lương ít ỏi, mòn mỏi chờ suất vào “biên chế”.
Thất bại thi tuyển - trở thành giáo viên
Đầu vào sư phạm thấp đang khiến nhiều người lo lắng chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai sẽ ra sao, khi đây là lực lượng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần đào tạo nên những tài năng cho đất nước?
Đánh giá về bức tranh điểm chuẩn của các trường sư phạm năm nay, Tiến sĩ Giáp Văn Dương - người sáng lập nền tảng giáo dục trực tuyến GiapSchool - bày tỏ sự lo lắng: “Điều làm tôi phiền lòng nhất của kỳ tuyển sinh năm nay là điểm trúng tuyển của các trường khối sư phạm quá thấp... Nhưng sau 4 năm, họ sẽ trở thành giáo viên, sẽ là người dạy dỗ con em chúng ta và là người dẫn dắt nền giáo dục này”.
Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, chất lượng giáo viên hiện nay đang ở mức báo động. Lẽ ra giáo viên phải là những người giỏi nhất, tự hào về bản thân và nghề nghiệp của mình, thì ở ta rất nhiều giáo viên lại đang bị đánh giá là những người thất bại.
“Thất bại từ ngay kỳ thi tuyển sinh đầu vào nên điểm tuyển của trường sư phạm mới thấp như vậy… Tôi hy vọng các trường sư phạm không chạy theo chỉ tiêu tuyển sinh để giữ chất lượng. Các nhà làm chính sách luôn than tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Mà sinh viên sư phạm ra trường giờ thất nghiệp cũng nhiều. Nếu các trường sư phạm cứ chạy theo thành tích tuyển sinh, hạ điểm chuẩn miễn sao đủ chỉ tiêu, thì không chỉ tạo ra những lứa giáo viên kém chất lượng, gây ảnh hưởng kéo dài hàng chục năm, mà còn tiếp tay cho tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” mà xã hội đang kêu ca”- Tiến sĩ Dương chia sẻ thêm.
Ông đề xuất, các trường sư phạm nên “phanh” lại một vài năm, không đánh đổi chất lượng với số lượng, không tuyển người có năng lực học tập quá yếu vào trường để sau này đi dạy học. Ông cũng cho rằng chừng nào chưa thu hút được người giỏi vào ngành giáo dục, nếu nhà giáo không sống được bằng lương, thì mọi cải cách giáo dục trước sau gì cũng sẽ thất bại.
Theo Bích Hà/Lao Động