TTCP kiến nghị chuyển 2 vụ vi phạm cổ phần hóa sang Bộ Công an

Google News

Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ hai vụ vi phạm trong cổ phần hóa của Tổng cty Coma và Viwaseen thuộc Bộ Xây dựng sang cơ quan công an để điều tra, xử lý.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc thực hiện sắp xếp lại, cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển thông tin, tài liệu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang Bộ Công an để điều tra xử lý theo quy định 2 vụ việc liên quan đến các công ty con của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) và Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen).
Theo đó, vụ việc thứ nhất là vi phạm quy định về quản lý sử dụng đất đai của Công ty TNHH MTV sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ phát triển nông thôn (Decoimex thuộc Tổng công ty Coma) tại dự án nhà ở Decoimex mở rộng phường 6, phường 9, TP Vũng Tàu, trong đó có diện tích đất khoảng 1.137 m2 có dấu hiệu vi phạm Điều 228, 229 Bộ luật Hình sự 2015 về quản lý, sử dụng đất đai.
TTCP kien nghi chuyen 2 vu vi pham co phan hoa sang Bo Cong an
Trụ sở Viwaseen tại Hà Nội 
Vụ thứ hai, vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế, có dấu hiệu vi phạm Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo cơ quan thanh tra, Công ty Decoimex là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Tổng công ty Coma tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Lô đất 1.137 m2 tại phường 9, TP Vũng Tàu được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho doanh nghiệp này với mục đích sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp này đã tự ý thực hiện phân lô và ký hợp đồng bán chuyển nhượng 7 lô đất cho khách hàng để xây dựng nhà ở nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
TTCP cho biết, 7 hợp đồng chuyển nhượng đã ký từ năm 2003-2005, tổng giá trị hợp đồng trên 3 tỷ đồng, đã thu khoảng 1,5 tỷ đồng và còn 1,567 tỷ đồng chưa thu.
Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa phê duyệt phương án sử dụng đất cũng như phương án điều chỉnh quy hoạch đối với diện tích đất này.
Ngoài ra, TTCP còn phát hiện tại diện tích đất 18.960m2, Công ty Decoimex đã ký hợp đồng góp vốn 91 lô đất. Hầu hết các hợp đồng góp vốn đã được ký từ năm 2009-2012. Tuy nhiên chủ đầu tư chưa nộp tiền sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Decoimex đã thu của khách hàng trên 144 tỷ đồng, tổng số chi phí cho cơ sở hạ tầng là 50,8 tỷ đồng. Chênh lệch tiền thu chi còn lại (tạm tính) trên 93 tỷ đồng và đến thời điểm thanh tra một số lô biệt thự đã được khách hàng hoàn thiện để ở. Sau khi kết thúc thanh tra, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất của dự án này, tuy nhiên Decoimex chưa nộp tiền sử dụng đất đối với dự án mở rộng.
TTCP kết luận, các vi phạm nêu trên đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán kết luận, kiến nghị xử lý, đến thời điểm thanh tra Decoimex đã thực hiện một số nội dung, tuy nhiên còn nhiều vi phạm vẫn chưa được thực hiện, xử lý triệt để, cần phải được kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Vụ việc thứ hai là vi phạm quy định trong việc thoái vốn đầu tư của Tổng công ty Viwaseen tại Công ty CP Đầu tư và xây dựng Viwaseen Huế, có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự 2015.
Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Viwaseen - Huế (Viwaseen Huế) có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó góp vốn của Tổng công ty Viwaseen gần 21,6 tỷ đồng (chiếm 35,98%).
Theo kết luận thanh tra, giữa năm 2014, Tổng công ty Viwaseen có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị thoái toàn bộ vốn của tổng công ty tại Viwaseen Huế. Đến tháng 9/2014, Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý và Tổng công ty Viwaseen đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của tổng công ty tại Viwaseen Huế.
Theo TTCP, quyết định của Bộ Xây dựng phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Viwaseen trong giai đoạn 2013 - 2015 thì tổng công ty phải tiếp tục nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên tại 5 đơn vị, trong đó có Viwaseen Huế.
Việc Bộ Xây dựng có văn bản đồng ý cho Tổng công ty Viwaseen thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty Viwaseen Huế là không đúng với Quyết định số 652/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng. Theo báo cáo của Tổng công ty Viwaseen, Công ty Viwaseen Huế được niêm yết cổ phiếu lần đầu năm 2010 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).
Do kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2011 - 2013), nên cổ phiếu của Viwaseen Huế bị hủy niêm yết bắt buộc tại HNX kể từ ngày 23/5/2014. Cổ phiếu Viwaseen Huế được đăng ký trên sàn giao dịch Upcom từ ngày 17/6/2014.
Tháng 6/2014, Tổng công ty Viwaseen có văn bản gửi Bộ Xây dựng xin chủ trương thoái vốn với phương thức đấu giá hoặc chào bán cạnh tranh theo nguyên tắc bảo toàn vốn. Trên cơ sở đó, tháng 9/2014,, Bộ Xây dựng có văn bản chấp thuận việc thoái vốn.
TTCP cũng kết luận Viwaseen phê duyệt cho Viwaseen Huế bán chuyển nhượng cổ phần với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai không bảo đảm nguyên tắc thị trường là vi phạm quy định.
Bên cạnh đó, mức giá tham chiếu định giá cổ phiếu Viwaseen Huế theo định giá của tư vấn ở thời điểm cổ phần hóa là 13.314 đồng/cổ phiếu, vì thế chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu Viwaseen - Huế với mức giá tư vấn định giá được cơ quan thanh tra tạm tính khoảng 7 tỷ đồng, có nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước, phải được xử lý theo quy định.
"Hội đồng quản trị Tổng công ty Viwaseen không xem xét, áp dụng mức giá tham chiếu theo kết quả định giá, giá trị cổ phần kỳ vọng là 13.314 đồng/CP; thực tế đã phê duyệt, Viwaseen Huế đã bán chuyển nhượng cổ phần với giá 10.000 đồng/CP, theo hình thức thỏa thuận trực tiếp, không qua đấu giá hoặc chào bán công khai, không đảm bảo nguyên tắc thị trường, vi phạm Quyết định 929/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nguy cơ gây thất thoát vốn nhà nước tại doanh nghiệp", kết luận nêu rõ.
  Xử lý vi phạm tài chính hơn 5.690 tỷ đồng
Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, khuyết điểm vi phạm trong cổ phần hoá tại các tổng công ty. Qua thanh tra về xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại 10 công ty mẹ - tổng công ty cho thấy, vi phạm về tài chính phải tiếp tục xử lý với số tiền (tạm tính) đến thời điểm thanh tra (31/12/2019) là hơn 5.690 tỷ đồng.
TTCP cũng chỉ ra khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Licogi (Licogi), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (Viwaseen) đã tính toán giá trị lợi thế thương mại, chi phí cơ hội chưa đầy đủ, chính xác, với tổng số tiền hơn 1.879 tỷ đồng.
Cụ thể, tại Vicem, không tính giá trị lợi thế thương mại đối với quyền được khai thác khoáng sản đối với các mỏ đá vôi, đất sét tại 3 đơn vị là Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hải Phòng, Vicem Tam Điệp với tổng số tiền tạm tính là 1.507 tỷ đồng. Licogi tính thiếu khoảng 348 tỷ đồng tại dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt; Viwaseen tính thiếu 23,8 tỷ đồng khi chuyển nhượng dự án khu đô thị An Thịnh 6.
Quá trình xử lý tài chính để cổ phần hóa Vicem, Vicem Hải Phòng, Vicem chưa xử lý, thu nộp khoản chênh lệch 3.011 tỷ đồng giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ là chưa đúng quy định.
Một số tổng công ty dù thực hiện thoái vốn nhà nước nhưng vẫn còn các khoản đầu tư ngoài ngành, không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, có nhiều rủi ro thua lỗ với số tiền khoảng 147 tỷ đồng.
"10/16 tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng đang quản lý, sử dụng khoảng 1.348.172m2 đất nhưng trong quá trình cổ phần hóa, một số tổng công ty chưa hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tài sản nhà đất; chưa hoàn thành phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đáng chú ý, một số trường hợp xây dựng phương án sử dụng đất không đúng quy hoạch sử dụng đất địa phương", kết luận thanh tra nêu rõ.
Ngoài ra, nhiều tổng công ty không cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu đất đai theo đề nghị của địa phương. Trong khi đó, một số địa phương nhận được văn bản đề nghị của Bộ Xây dựng và các tổng công ty nhưng chưa có văn bản tham gia ý kiến về phương án sử dụng đất, chưa phê duyệt giá đất để xác định giá trị tài sản đất đai phục vụ định giá doanh nghiệp.
TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tổng công ty tập trung rà soát, xử lý theo quy định đối với vi phạm về tài chính đã nêu trong kết luận thanh tra với tổng số tiền khoảng 5.690 tỷ đồng.
Đồng thời, kiến nghị 9 tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa xử lý số tiền vi phạm khoảng 1.160 tỷ đồng, trong đó thu nộp ngân sách 753 tỷ đồng, ghi tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp 34 tỷ đồng. Đối với khoản tiền 4.529 tỷ đồng tại Vicem, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo thu nộp ngân sách khoảng 2.910 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sai phạm trong chỉ định thầu dự án Ethanol Phú Thọ

Nguồn: Truyền hình Nhân dân

Tâm Đức