Những vụ xâm hại con ruột gây phẫn nộ
Những vụ việc như vậy xảy ra không chỉ khiến các bà mẹ lo lắng bất bình mà chính những ông bố tốt, yêu thương con có hiểu biết, vô điều kiện cũng cảm thấy phẫn nộ và bất an.
Theo thông tin đã được đăng tải, bé LĐ, 11 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long bị cha xâm hại 4 lần, ông nội xâm hại 3 lần. Khi cháu LĐ mới bị xâm hại, vì quá đau đớn nên bé đã nói với mẹ. Nhưng đáng tiếc là người mẹ đã không tin. Phải đến khi gặng hỏi, cả bố và ông nội thừa nhận thì mẹ mới bàng hoàng nhận ra sự thật. Tuy nhiên, do lo sợ hàng xóm biết chuyện sẽ chê cười cả gia đình nên người mẹ này đã chấp nhận im lặng để sự việc tiếp tục diễn ra dù con đã nhiều lần cầu cứu. Mãi đến khi bà ngoại biết chuyện thì sự việc mới bị phanh phui.
Ngày 2/4 vừa qua, cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định khởi tố bị can, bắt giam hai cha con là Phan Thanh Tuấn (36 tuổi) và Phan Thanh Sơn (62 tuổi, cùng ngụ huyện Mang Thít) để điều tra về hành vi “hiếp dâm trẻ em”.
Chắc hẳn bạn đọc vẫn không quên vụ người cha xâm hại hai người con gái ruột của mình (một bé 16 tuổi, một bé 12 tuổi) xảy ra ở tỉnh Thái Bình cách đây ít năm. Thủ phạm là Mai Anh Thọ (SN 1974, trú tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã xâm hại hai con của mình trong nhiều năm. Theo lời kể của P.A, nạn nhân trong vụ xâm hại này, khoảng tháng 4/2013, khi gia đình làm nhà, do không có chỗ ngủ nên cả nhà phải ngủ chung trên một chiếc giường. Lợi dụng sự gần gũi ấy, Thọ đã nhiều lần hãm hiếp con gái. Sau khi bị vợ và con gái tố cáo, Thọ đã bị bắt. Còn rất nhiều vụ cha đẻ, ông nội, ông ngoại, cậu ruột, chú ruột, anh ruột xâm hại con ruột, cháu ruột mình mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi xin không nêu cụ thể ra ở đây.
|
Mẹ bé gái 11 tuổi ở Vĩnh Long kể lại sự việc. Ảnh: Internet
|
Loạn luân do đâu?
Việc trẻ bị chính người ruột thịt xâm hại là một sự thật vô cùng đau lòng, đi ngược lại luân lý đạo đức mà một số người đàn ông đã vi phạm trong thời gian qua. Vì sao lại có hiện tượng suy đồi về đạo đức một cách nghiêm trọng như vậy?
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, nguyên nhân khiến những người làm cha, làm chú, làm anh… này mất hết đạo đức là bởi hai lý do: Một là, vì bệnh hoạn, tức là họ mắc căn bệnh thích quan hệ với trẻ em từ trong não. Thứ hai là, do những người cha đó thiếu sự rèn giũa về nhân cách ngay từ bé. Cộng với việc không được thỏa mãn về nhu cầu tình dục, thêm cả yếu tố bị phim ảnh tác động. Phần thú tính nổi lên do nhìn, do động chạm vào trẻ trong khi trẻ không phản ứng gì, người khác không nói gì (vì không biết) nên những người đó đã để cho phần thú tính điều khiển hành vi của mình. Chỉ khi thực hiện xong hành vi để được thỏa mãn phần thú tính đó thì những người suy đồi đó mới nhận ra việc làm sai trái của mình. Nhưng một lúc nào đó có điều kiện, phần thú tính trong họ lại nổi lên và họ lại lặp lại hành động đã diễn ra trước đó.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, con người có 3 phần: Cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi. “Cái ấy” là phần bản năng. Cái tôi là phần người. Và cái siêu tôi là phần đạo đức. Cái tôi yếu ớt là cái tôi buông thả, thiếu kiềm chế, để cho “cái ấy” luôn muốn được thỏa mãn, bất chấp tất cả luật pháp, truyền thống đạo đức. Còn nếu cái tôi vững mạnh, cái siêu tôi ổn định thì “cái ấy” sẽ được kiềm tỏa, được điều khiển để hiểu rằng khi nào được phép, khi nào không. Những vụ cha xâm hại con ruột là vì phần người yếu kém, phần siêu tôi mờ mịt nên để cho phần thú tính bành trướng cuộc sống của họ.
“Vẫn phải nhắc đi nhắc lại những bài học về dạy con rằng, cơ thể con là của con, không ai được phép động vào, kể cả bố mẹ, ông bà nếu không phải là vì vệ sinh tắm rửa hay chữa bệnh cho trẻ. Rồi bài học về việc dạy trẻ cách phản ứng khi người khác động chạm vào… Những bài học này bố mẹ, đặc biệt ở đây là người mẹ nếu không dạy con thì trẻ sẽ không nhận thức được đâu là hành vi yêu thương, đâu là hành vi xâm hại từ ngay chính người ruột thịt của mình. Việc không dạy con những bài học này chính là môi trường, là điều kiện thuận lợi để những kẻ suy đồi nẩy sinh thú tính và thực hiện hành vi của chúng”, TS Nguyễn Thị Kim Quý nói.
Thực tế có những ông bố suy đồi như ta đã thấy nhưng cũng có những ông bố rất tuyệt vời. Họ yêu con vô điều kiện bằng tất cả tình thương của họ với ý thức và hành động bảo vệ sự an toàn của con bằng mọi cách. Sở dĩ có sự khác nhau đó là bởi nhân cách và đạo đức của từng ông bố khác nhau. Những người đàn ông sống ích kỷ, sống theo bản năng, khả năng kiềm chế kém là những người được liệt vào hàng “nguy cơ” mà các bà mẹ cần phải lưu tâm để có cách ứng xử đúng với chồng cũng như dạy con biết cách bảo vệ mình.
Theo Ngân Khánh/Gia đình và xã hội