Từ phát biểu của ông Đinh Đức Hoàng nghĩ về thói khoe kiến thức

Google News

Bài phát biểu của ông Đinh Đức Hoàng tại lễ khai giảng của Trường Đại học Fulbright Việt Nam với những nhận định về "trọc phú kiến thức" trong xã hội hôm nay đã gây ra nhiều tranh cãi.

Tu phat bieu cua ong Dinh Duc Hoang nghi ve thoi khoe kien thuc
Câu lạc bộ đọc sách Ảnh: LĐO 
Một bài phát biểu tạo được tranh luận, phản biện cũng là điều tốt, đó cũng là sự thể hiện không khí học thuật của xã hội.
Ngoài những người ủng hộ, còn có nhiều ý kiến cho rằng ông Đinh Đức Hoàng nói trước sinh viên nhưng đưa ra quan điểm cực đoan. Bởi vì phải đọc sách mới có được kiến thức, có kiến thức mới làm được việc hữu ích cho xã hội.
Nhưng đọc kỹ bài nói chuyện của Đinh Đức Hoàng được đăng lại trên trang Facebook cá nhân của ông, có thể thấy tác giả không hề bài xích việc đọc. Chính ông Đinh Đức Hoàng cũng cho mọi người biết ông là người đọc nhiều và cổ xúy cho việc đọc: "Bạn vẫn phải đọc. Đọc rất nhiều. Bạn vẫn ghi nhớ. Nhưng không phải để phun ra, để sống như một trọc phú, khoe mẽ với đám trí nhớ đó. Bạn cứ nhớ trong đầu thôi, và cuộc sống sẽ cho bạn thêm các mảnh ghép để tri thức tự hình thành".
Nếu đọc hay nghe kỹ bài nói chuyện của ông Đinh Đức Hoàng, sau khi bỏ đi những chuyện vòng vo, lan man, thì ý chính là các bạn sinh viên đừng làm "trọc phú kiến thức". Ngay khái niệm này cũng không mới, vì Đinh Đức Hoàng đã nói rõ: "Nó là một khái niệm do Friedrich Nietzsche đề xuất. Nghĩa của nó, tôi tạm dịch, là "trọc phú kiến thức"".
Riêng chuyện "trọc phú kiến thức", mỗi triết gia diễn đạt khác nhau, nhưng cũng chẳng có gì lạ. Ví dụ như cha ông ta từ xưa khuyến khích việc học, hiếu học, và rất ghét những kẻ hủ nho chỉ chuyên "tầm chương trích cú".
Nếu hằng ngày ôm sách đọc thì chỉ là "mọt sách", ôm cả một bụng kinh thư, nhưng chỉ để khoe kiến thức, chẳng làm được gì mới, chẳng sáng tạo ra sản phẩm có giá trị, thì có cả một núi bằng cấp cũng chỉ là người vô dụng.
Trong cuộc sống, không ít người chỉ thích khoe bằng cấp, mở miệng là chữ nghĩa, nhưng chẳng làm được việc gì. Sự tiến bộ của xã hội cần con người có chân tài và thực học, không phải là đám học giả chuyên "tầm chương trích cú" hay "trọc phú kiến thức".
Khuyến khích thế hệ trẻ suy nghĩ độc lập, sáng tạo, phát minh, đó là điều tốt và nhiều người đã nói, đã dạy và đã làm. Thêm một lời động viên cũng không thừa.
Tuy nhiên, nếu bài nói chuyện của Đinh Đức Hoàng đi thẳng vào ý chính một cách ngắn gọn, bớt đi những trích dẫn các tên tuổi như Thích Ca, Kant, Zarathustra, Michael Moore, Adam McKay, Noam Chomsky... thì sẽ thuyết phục và hay hơn.
Theo Lê Thanh Phong/Lao Động